01/07/2020 14:08
Sau 25 năm bình thường hóa, Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
Việt Nam - Hoa Kỳ còn nhiều tiềm năng hợp tác toàn diện và đang thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn.
Theo các chuyên gia, Việt Nam - Hoa Kỳ còn nhiều tiềm năng hợp tác toàn diện và đang thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững của cả hai quốc gia.
Đặc biệt, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ và đang mong muốn ở top 10 đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam - Hoa Kỳ còn nhiều tiềm năng hợp tác toàn diện và đang thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững của cả hai quốc gia.
Quan hệ bổ trợ
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ David Stilwell cùng các đại biểu khai trương biểu tượng kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995-2020). |
Việt Nam và Hoa Kỳ có quan hệ thương mại theo hướng bổ trợ cho nhau như việc Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như các sản phẩm nông nghiệp, dệt may, da giày, máy móc, thiết bị điện tử.
Cùng với đó, Việt Nam lại có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Hoa Kỳ có nguồn cung dồi dào.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình gần 7%/năm, với gần 100 triệu dân, thu nhập bình quân ngày càng tăng cũng sẽ là thị trường tiêu thụ tiềm năng cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại lĩnh vực y tế, giáo dục, viễn thông, bán lẻ, tài chính - ngân hàng, năng lượng…
Hiện có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 340 tỷ USD; trong đó Hoa Kỳ có 900 dự án còn hiệu lực với tổng giá trị hơn 9 tỷ USD.
Các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam và con số này đang ngày một tăng thêm. Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư lâu dài hoặc chuyển hướng đầu tư từ các nước trong khu vực về Việt Nam, theo TTXVN.
Thực tế, làn sóng chuyển dịch đầu tư của Hoa Kỳ sang Việt Nam đã bắt đầu diễn ra do tác động của cuộc chiến tranh thương mại và càng trở nên rõ rệt hơn khi Trung Quốc đang chịu nhiều tác động của dịch bệnh COVID-19.
Tập đoàn Ford đầu tư nhà máy lắp ráp tại Hải Dương. Ảnh: Internet |
Cụ thể, Tập đoàn Ford đã quyết định gia tăng năng lực sản xuất bằng việc đầu tư nhà máy lắp ráp tại Hải Dương hay General Electric (GE) cũng đã tăng vốn đầu tư vào nhà máy tourbin gió ở Hải Phòng và đang có nhu cầu mở rộng.
Trong lĩnh vực năng lượng gió, năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đang có kế hoạch đẩy mạnh vào Việt Nam để tăng cường xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sang Việt Nam.
Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã cấp phép cho tập đoàn năng lượng lớn của Hoa Kỳ là AES được triển khai dự án khí LNG ở Sơn Mỹ. Đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, phân phối điện trên thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực trang thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm cũng đang được doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm thúc đẩy thủ tục để triển khai hợp tác. Nếu các thỏa thuận hợp tác được thông qua sớm thì con số đầu tư vào Việt Nam sẽ còn tăng cao.
Chủ động thích ứng
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính, đầu tư kinh doanh, song ông Alexander C.Feldman - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng: Việt Nam cần tăng cường minh bạch hơn nữa trong mua sắm đấu thầu, cắt giảm các thủ tục hành chính kinh doanh, xuất nhập khẩu, tạo ra một môi trường pháp lý hỗ trợ hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế mới, kinh tế sáng tạo, kinh tế số để có thể sẵn sàng chuyển hóa các cơ hội.
Bốc xếp hàng container tại Chi nhánh cảng Tân Vũ (Công ty CP Cảng Hải Phòng) tại Đình Vũ. Ảnh: Báo Hải Phòng |
Ngoài ra, nhiều công ty công nghệ đã có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam, có thể bằng hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua bên thứ 3.
Đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội được là nhà cung cấp. Bên cạnh đó, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Hoa Kỳ cũng lên kế hoạch tăng cường nhập khẩu hơn nữa hàng Việt Nam vào chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc hiểu biết về hệ thống pháp luật và thị trường Hoa Kỳ của doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Trong khi đó, thị trường này đang có xu hướng tăng cường bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm… khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Hoàng Khang chia sẻ, khi đàm phán với thị trường Hoa Kỳ, khó nhất là đối tác mua hàng về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Bởi, tiêu chuẩn này không chỉ là tiêu chuẩn của nhà máy mà còn là tiêu chuẩn của vùng trồng...
Ngoài ra, nếu muốn xuất vào thị trường Hoa Kỳ phải có giấy chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho riêng từng loại mặt hàng.
Hơn nữa, vấn đề cạnh tranh về giá so với các thị trường tương đồng như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... cũng là những thách thức của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu vào thị trường này.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt. Ảnh minh họa |
Để tận dụng được cơ hội khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ, theo ông Bùi Huy Sơn, tới đây các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ tạo môi trường chính sách thuận lợi, ổn định, nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, tận dụng tốt hệ thống phân phối, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại.
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tích cực thực hiện nhiệm vụ tiền tiêu phục vụ phát triển quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý các doanh nghiệp chủ động nắm vững các cam kết từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam và các thị trường đối tác lớn của Việt Nam, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ và các quy định có liên quan.
Với thế mạnh về vốn, công nghệ giống, nuôi trồng, chế biến hàng đầu thế giới, Bộ Công Thương hoan nghênh và chào đón các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư lâu dài tại Việt Nam, cũng như hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học…, giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Biểu đồ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. |
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, bên cạnh các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, Bộ Công Thương còn có các đề án lớn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm của các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến.
Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các doanh nghiệp phải chủ động phát triển thị trường để nâng cao năng lực sản xuất trong nước; đồng thời gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Advertisement
Advertisement