Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Sắp tới lúc 'nhà nhà' nhập khẩu xe hơi

Thị trường

10/05/2017 12:50

Sự thay đổi xu hướng từ lắp ráp xe hơi trong nước sang nhập khẩu nguyên chiếc đang diễn ra với tốc độ cao nhanh, hứa hẹn sẽ còn tăng thêm khi thuế nhập khẩu từ ASEAN còn 0%.

"Ngoại" lấn át "nội"

Những chiếc xe hơi được nhập khẩu về bởi chính các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất ô tô trong nước. Đây là xu hướng chuyển dịch tất yếu trong bối cảnh lợi thế lắp ráp ô tô trong nước không thay đổi, trong khi thuế nhập khẩu ô tô giảm xuống, khiến chi phí nhập khẩu rẻ hơn so với chi phí lắp ráp, và các doanh nghiệp đang làm bài toán kinh tế đơn giản: nhập khẩu xe thay vì lắp ráp trong nước để cạnh tranh.

Trong năm 2016, Hyundai Thành Công nhập khẩu khoảng 18.000 xe cỡ nhỏ Grand i10 từ Ấn Độ, và cũng là mẫu xe “không chính thức” bán chạy nhất thị trường trong năm 2016 (Hyundai Thành Công giữ kín doanh số xe bán ra của mình). Ở chiều ngược lại, đối thủ của Hyundai Grand i10 là Kia Morning lắp ráp tại Việt Nam bởi Trường Hải, đạt doanh số 14.872 xe trong năm 2016.

Hyundai Grand i10 đang là mẫu xe bán chạy nhất thị trường, có nguồn tin sẽ sớm được lắp ráp tại Việt Nam

Đây là hai mẫu xe điển hình, xu hướng nhập khẩu xe hơi không chỉ nằm ở xe giá rẻ, mà nằm ở tất cả các phân khúc xe trên thị trường. Sự vượt mặt của Hyundai Grand i10 so với Kia Morning phần nào cho thấy sự lấn lướt của xe nhập so với xe lắp ráp trong nước, dù không phải là tất cả.

Toyota Việt Nam có nhiều mẫu xe lắp ráp bán chạy, như Vios (17.561 xe trong năm 2016), Altis (5.217 xe), Camry (4.674 xe), Innova (11.344 xe), Fortuner (11.584 xe), nhưng đã chuyển sang nhập khẩu Fortuner từ đầu năm 2017. Như vậy, với kỳ vọng duy trì doanh số bán 1.000 xe mỗi tháng (mà Toyota Việt Nam đang làm rất tốt điều này), thị trường xe sẽ giảm đi khoảng 12.000 xe lắp ráp trong nước và tăng thêm 12.000 xe nhập khẩu từ Indonesia.

‘Vua bán tải’ Ford Ranger với doanh số 14.058 xe trong năm 2016, tất cả đều được nhập khẩu từ Thái Lan. Ford Everest và Ford Exploder đều được nhập khẩu từ Thái Lan và Mỹ. Hai mẫu xe đáng chú ý của Ford Việt Nam lắp ráp và bán tốt chỉ còn EcoSport (5.415 xe trong năm 2016) và Transit (6.850 xe).

Ford Ranger và Everest đều được nhập khẩu từ Thái Lan

Một số mẫu xe mới, gây được ấn tượng gần đây trên thị trường, đều là xe nhập khẩu, có thể kể đến như Nissan Xtrail hay Honda Civic. Xe nhập có thể nói là đang có phần lấn át so với xe lắp ráp trong nước, và dự kiến sẽ còn tiếp tục xu hướng lấn át cho tới khi thuế nhập khẩu chạm mốc 0% trong khu vực ASEAN. Đến lúc đó, các nhà máy sản xuất xe hơi tại Thái Lan, Indonesia, sẽ có lợi thế về chi phí sản xuất hơn so với các nhà máy lắp ráp xe hơi tại Việt Nam, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục có những mẫu xe mới được nhập về, hoặc sự chuyển dịch từ xe đang lắp ráp trong nước sang xe nhập khẩu từ hàng xóm.

Xu hướng khó cưỡng lại

Đối với doanh nghiệp, việc nhập khẩu xe để thay thế cho lắp ráp xe trong nước là quyết định khó khăn nhưng không thể quay đầu. Vẫn có nhiều doanh nghiệp mong muốn được lắp ráp ô tô tại Việt Nam, nhưng bài toán kinh tế khiến họ không thể tiếp tục, nếu không muốn thua lỗ vì xe lắp ráp trong nước không thể cạnh tranh về giá với xe nhập khẩu.

Theo một chuyên gia về lĩnh vực ô tô, tại Việt Nam, ngành công nghiệp phụ trợ không phát triển, thị trường chưa đủ lớn, chi phí sản xuất do đó cao hơn các thị trường láng giềng như Thái Lan hay Indonesia, với quy mô thị trường gấp tới 10 lần ở Việt Nam, công nghiệp phụ trợ phát triển và chi phí sản xuất được tối ưu. Trước đây, thuế nhập khẩu là rào cản khiến xe lắp ráp trong nước có lợi về giá, tuy nhiên điều này sẽ chấm hết vào năm 2018, và ngay từ lúc này, giá của xe nhập khẩu đã tốt hơn xe lắp ráp trong nước.

Đối với người tiêu dùng, họ đang được hưởng lợi từ xe nhập khẩu giá rẻ. Các mẫu xe nhập khẩu có giá tốt, nhập khẩu nguyên chiếc nên được tin là có chất lượng đồng đều và ổn định hơn xe lắp ráp trong nước. Giá xe nhập khẩu tốt hơn trước, cùng với “định kiến tốt” của người dùng đối với xe nhập khẩu, rõ ràng đang tác động mạnh tới người mua xe. Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, admin diễn đàn OtoFun, qua 20 năm sử dụng xe hơi lắp ráp trong nước thì rõ ràng tiêu chuẩn láp ráp của xe hơi nhập khẩu luôn cao hơn xe lắp ráp trong nước. Người tiêu dùng từ trước tới nay nếu đủ điều kiện về kinh tế, vẫn ưu tiên lựa chọn xe nhập khẩu hơn là xe lắp ráp trong nước.

Đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung, xe hơi nhập khẩu sẽ tạo áp lực lên cán cân thương mại và tạo nên tình trạng nhập siêu. Các chuyên gia cho rằng, phòng vệ thương mại theo nguyên tắc không trái với cam kết quốc tế, có thể là cần thiết vào thời điểm này, để cho ngành công nghiệp ô tô trong nước có thêm thời gian và cơ hội để trưởng thành, phát triển trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, việc duy trì “bảo hộ” công nghiệp ô tô trong nước không thể là cách làm lâu dài, vì nó sẽ không tạo nên sự công bằng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, và có thể khiến Việt Nam bị trả đũa vào các ngành mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu.

“Liên minh” VAMA sụp đổ?

Cho dù có nhiều hãng xe hơi sẽ dần chuyển từ lắp ráp xe trong nước sang nhập khẩu, nhưng đó sẽ không phải là tất cả. Với dân số 100 triệu dân, thị trường nhỏ và số lượng ô tô còn ở mức thấp, rõ ràng thị trường ô tô Việt Nam vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” cho những doanh nghiệp kiên trì với lắp ráp ô tô trong nước. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam VAMA dù cho sẽ có những thành viên ra đi vì nhiều lý do, nhưng nhiều khả năng sẽ vẫn còn tồn tại.

Trong bối cảnh xe nhập khẩu đang lấn át xe lắp ráp trong nước, nhiều hãng xe hơi đã và đang sản xuất tại Việt Nam chọn giải pháp im lặng chờ thời, giữ bí mật về việc tiếp tục sản xuất các mẫu xe mới tại Việt Nam, đồng thời âm thầm chuyển các mẫu xe đang lắp ráp trong nước sang nhập khẩu. Xu hướng này đã được các chuyên gia dự đoán từ những năm 2012, và gần như chính xác hoàn toàn. Với những doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước có doanh số không mấy khả quan, dường như chắc chắn họ sẽ chuyển hoàn toàn từ lắp ráp sang nhập khẩu.

Bên cạnh đó, những mẫu xe chiến lược hiện vẫn đạt doanh số tốt và được lắp ráp trong nước, có thể sẽ vẫn được duy trì sản xuất, như Toyota Vios, Innova, Ford Transit, Kia Morning...

Trường Hải tiếp tục đầu tư mạnh vào việc lắp ráp xe trong nước, khi phần lớn các mẫu xe của Trường Hải, từ Kia tới Mazda, đều được sản xuất tại Việt Nam. Ngoài mẫu xe Kia Morning đạt doanh số 14.872 xe trong năm 2016, Trường Hải còn có nhiều cái tên đáng chú ý khác trên thị trường và đều có giá tốt, doanh số tốt, như Mazda3 (12.365 xe năm 2016), Mazda CX-5 (8.830 xe) hay Kia Cerato (6.776 xe).

Hyundai Thành Công đang liên kết với tập đoàn Hyundai Hàn Quốc để xây dựng mở rộng nhà máy ô tô tại Việt Nam, sẽ hoàn thành vào năm 2018, với công suất xe tối đa 160.000 xe mỗi năm, nâng tổng công suất tổ hợp của nhà máy Hyundai lên 200.000 xe mỗi năm, phục vụ cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, Hyundai Thành Công sẽ sớm lắp ráp mẫu xe bán chạy nhất của mình là Hyundai i10 tại Việt Nam.

Theo quan điểm của một chuyên gia hoạt động trong ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp ô tô Việt Nam không còn đủ thời gian phát triển hoàn thiện như Thái Lan hay Indonesia nữa đã tới lúc Việt Nam không nên tham lam sản xuất toàn bộ một chiếc ô tô hoàn chỉnh, mà nên tìm kiếm lợi thế riêng để sản xuất một hoặc vài bộ phận của một chiếc ô tô, góp phần xây dựng chuỗi sản xuất ô tô trong khu vực.

Chất lượng của xe lắp ráp trong nước cũng là điều cần phải nhắc tới. Hi vọng, trong tương lai, những mẫu xe lắp ráp tại Việt Nam còn trụ lại được sẽ có đủ chất lượng như xe lắp ráp trong khu vực, để không chỉ xóa định kiến về chất lượng với xe nhập khẩu, mà còn có thêm hi vọng xuất khẩu.

TÔ TÙNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement