Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Sáng - tối nợ vay bất động sản

Dư nợ vay của các doanh nghiệp địa ốc phình to là điều đáng lưu tâm, nhưng ở góc nhìn tích cực, điều này phần nào phản ánh việc tiếp cận vốn đã được cải thiện, đặc biệt là vốn ngân hàng - điều thị trường trông ngóng suốt hơn 2 năm qua.

Kinh doanh khởi sắc nhờ được ngân hàng bơm vốn

Thống kê của VietstockFinance từ 116 doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán (gồm HOSE, HNX và UPCoM) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy, tính tới ngày 30/6/2024, tổng dư nợ vay của khối này ghi nhận hơn 491.000 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Nếu so với đầu năm 2020, mức dư nợ vay này tăng tới gần 60%.

Trong đó, 4 doanh nghiệp đầu ngành cũng là những cái tên có nợ vay lớn nhất, chiếm tới 76% tổng nợ vay của toàn khối, đó là Vingroup (mã VIC) hơn 222.400 tỷ đồng, Vinhomes (mã VHM) hơn 70.500 tỷ đồng, Novaland (mã NVL) hơn 59.200 tỷ đồng và Becamex IDC (mã BCM) gần 21.300 tỷ đồng.

Trong top 20 doanh nghiệp có dư nợ vay nhiều nhất, có 7 doanh nghiệp giảm nợ vay, 13 cái tên tiếp tục tăng nợ sau nửa đầu năm.

Có thể thấy, các sắc luật quan trọng như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023… có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024 khiến các ngân hàng cởi mở hơn trong cho vay lĩnh vực bất động sản nhằm giúp doanh nghiệp lĩnh vực này tái cơ cấu nợ trái phiếu cũng như bổ sung thêm nguồn lực để thi công các dự án, sớm đưa sản phẩm ra thị trường, qua đó thu được dòng tiền về.

Sáng - tối nợ vay bất động sản- Ảnh 1.

Chẳng hạn, Novaland cho biết, đến cuối tháng 6/2024, có 14/16 dự án do doanh nghiệp này đang triển khai được ngân hàng cho vay với tổng hạn mức tín dụng 12.100 tỷ đồng và giải ngân theo giai đoạn.

Tổng giá trị sản phẩm khi hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng ước tính gần 480.000 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2024, Novaland lội ngược dòng khi đạt 945 tỷ đồng lợi nhuận (cùng kỳ năm 2023 lỗ hơn 200 tỷ đồng).

Tương tự là trường hợp của Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC), sau khi được ngân hàng bơm vốn cũng đã lấy lại được đà tăng trưởng khi 6 tháng đầu năm 2024 đạt doanh thu gần 316 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (hơn 5 tỷ đồng). Đến cuối tháng 6/2024, dư nợ vay của Địa ốc Hoàng Quân ở mức trên 1.370 tỷ đồng, tăng hơn 22 lần so với hồi đầu năm.

Ông Lưu Quang Tiến - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Đất Xanh Services (DXS-FERI) cho hay, trong nửa đầu năm 2024, có gần 20.700 sản phẩm được tung ra thị trường, khu vực phía Bắc chiếm hơn một nửa với 10.800 sản phẩm.

Tỷ lệ hấp thụ chung toàn thị trường trong 6 tháng qua tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023, ghi nhận sự cải thiện qua từng tháng, đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, các yếu tố khác như mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp, các ngân hàng mở rộng hầu bao hơn với cả người mua nhà… cũng giúp các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Sáng - tối nợ vay bất động sản- Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, thị trường bất động sản đang chuyển mình sau một loạt chính sách hỗ trợ, nổi bật nhất là lãi vay ngân hàng giảm mạnh, pháp lý dự án có hướng tháo gỡ…, giúp niềm tin của cả bên bán và bên mua được củng cố, đồng thời bên cho vay trung gian cũng tích cực hơn.

Theo bà Miền, mặc dù vẫn có doanh nghiệp thua lỗ hoặc chưa đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng trong nửa đầu năm nay, nhưng thị trường bất động sản đã có nhiều chuyển biến và “sức khoẻ” của các doanh nghiệp nhìn chung đang có sự cải thiện.

Nhưng áp lực cũng rất lớn

Báo cáo kết quả điều tra mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2024, xu hướng nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng được nhiều tổ chức tín dụng kỳ vọng hơn so với 6 tháng đầu năm và dự kiến nới lỏng đối với tất cả các nhóm khách hàng và ở hầu hết các lĩnh vực.

“Các tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng của đơn vị mình là do đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan và tác động tích cực của chính sách định hướng/quản lý/phát triển các ngành kinh tế nói chung, hoạt động tín dụng nói riêng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước”, báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng, tính đến ngày 26/8/2024, tín dụng toàn hệ thống mới tăng 6,63% so với cuối năm 2023, còn cách xa so với chỉ tiêu định hướng đưa ra hồi đầu năm (15%), mức tăng trưởng tín dụng diễn ra không đồng đều, thậm chí có tổ chức tín dụng còn tăng trưởng âm.

Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% đưa ra cho cả năm nay, hệ thống ngân hàng sẽ cần đẩy ra nền kinh tế hơn 1,1 triệu tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm, tức bình quân mỗi tháng bơm ra 227.000 tỷ đồng để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Với những diễn biến khả quan hiện tại, nhiều khả năng các doanh nghiệp địa ốc sẽ tiếp tục được ưu tiên trong danh sách giải ngân tín dụng từ các ngân hàng thương mại lớn trong những tháng cuối năm.

Sáng - tối nợ vay bất động sản- Ảnh 3.

Tuy vậy, việc gia tăng dư nợ vay không phải doanh nghiệp nào cũng nên thực hiện bởi nợ vay tăng cao đồng nghĩa chi phí lãi vay tăng lên từng ngày, nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không hiệu quả sẽ tạo thêm khoản lãi khổng lồ hàng năm, khiến lợi nhuận bị bào mòn.

Trên thực tế, không ít trường hợp doanh nghiệp chìm sâu trong khó khăn do áp lực nợ vay lớn. Chẳng hạn, tại Vinahud (mã VHD), kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần đạt 119 tỷ đồng, giảm 21% và lỗ sau thuế 106,5 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh nhiều chi phí lãi vay.

Tới cuối quý II/2024, nợ phải trả của Vinahud là 4.913 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, vay nợ tài chính hơn 2.628 tỷ đồng, tăng 11% và chiếm khoảng 54% tổng dư nợ, khoản vay lớn nhất là tại TPBank với số tiền 1.986 tỷ đồng. Đây là khoản vay được Vinahud vay từ năm 2023 nhằm thực hiện thương vụ mua lại công ty con thuộc hệ sinh thái R&H Group của ông Trương Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinahud.

Cụ thể, Vinahud vay 950 tỷ đồng thanh toán tiền mua phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends để sở hữu quyền phát triển dự án Grand Mercure Hội An; vay 760 tỷ đồng thanh toán tiền mua phần vốn góp tại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng để phát triển dự án Khu nhà ở Làng Hoa Tiền Phong (thực hiện trong năm ngoái).

Việc mua lại 2 dự án này diễn ra không lâu trước khi 3 lô trái phiếu giá trị 2.500 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn R&H đáo hạn, đặt ra nhiều dấu hỏi cho cổ đông và nhà đầu tư.

VIỆT DƯƠNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement