16/11/2017 05:55
Sáng mai Thống đốc sẽ trả lời những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực ngân hàng
Do hết thời gian làm việc, nên Quốc hội quyết định những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực ngân hàng sẽ được Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời vào sáng mai.
Trước khi kết thúc phiên làm việc buổi chiều nay, 16/11, Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi về chính sách cho vay ngoại tệ ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh xuất khẩu. "Liệu có tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ nữa không? Nếu gia hạn nữa, NHNN có chính sách gì với doanh nghiệp vay ngoại tệ? Định hướng vay lãi suất ra sao", đại biểu này hỏi.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng lãi suất cho vay tại ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng cổ phần đang chênh lệch khá lớn. "Thống đốc có biện pháp nào để đảm bảo mặt bằng lãi suất thị trường hay không", ông đề cập.
Trong khi đó, ĐBQH Bùi Huyền Mai (Hà Nội) quan tâm tới việc xếp hạng tín nhiệm công khai các ngân hàng. "Ngân hàng Nhà nước có công khai xếp hạng tín nhiệm ngân hàng để người dân không bị sốc khi có ngân hàng bị xếp vào loại bị kiểm soát đặc biệt?", bà nêu vấn đề.
Đại biểu Phạm Tất Thắng thì đề cập tới chương trình tín dụng sinh viên thực hiện qua Ngân hàng chính sách xã hội. "Liệu có nâng cao hạn mức cho vay cho đối tượng này hay không?", ông Thắng đặt câu hỏi.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng điều hành chính sách tiền tệ vừa rồi đã thành công, nhưng neo giữ tỷ giá quá lâu ảnh hưởng tới tăng trưởng, hàng hoá xuất khẩu.Ông cũng đề cập tới tình trạng xử lý sở hữu chéo trong ngân hàng và đề nghị được biết giải pháp của Ngân hàng Nhà nước.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) lo lắng về số liệu tỷ lệ nợ xấu. "Thực chất nợ xấu hiện nay dưới 3% hay trên 3% theo nhận xét của Uỷ ban Kinh tế?", ông chất vấn.
Đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) muốn biết giải pháp ngành ngân hàng trong hỗ trợ khắc phục thiên tai, bão lũ ở các địa phương vừa qua.
Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn cao. "Thống đốc đã nêu 5 giải pháp nhưng đề nghị ông cho biết nguyên nhân của vấn đề trên như thế nào? Đến năm 2020 căn bản xử lý xong nợ xấu và các tổ chức tín dụng có làm được không", ông hỏi.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cũng đặt câu hỏi về ngân hàng 0 đồng, và lo ngạiNhà nước có phải chi ngân sách cho phục hồi hoạt động của 3 ngân hàng 0 đồng hay không?
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề cập tới chính sách cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội hiện vẫn nằm trên giấy. Nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai?
Bà Phúc cũng đề cập tới cho vay ưu đãi ngư dân vay vốn ngân hàng theo quy định Nghị định 67, hiện chưa rõ chính sách vay kéo dài, gây khó khăn cho địa phương. "Giải pháp tới đây là gì?", bà hỏi.
Đề cập tới gian lận trong thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ (Hoà Bình) đặt câu hỏi "ngành ngân hàng có chính sách gì?".
Nêu thực tế phát triển nở rộ của các công ty tài chính tiêu dùng, cho vay lãi suất cao, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) chất vấn, ngành ngân hàng có biện pháp nào để quản lý các tổ chức này?.
Những câu hỏi này sẽ được Thống đốc Lê Minh Hưng tiếp tục đăng đàn trả lời các câu hỏi của ĐBQHđến 10g30 sáng mai 17/11, trước khi chuyển sang phần trả lời của Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Thống đốc: Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp
Về câu hỏi của đại biểu Lê Công Nhường xung quanh Bitcoin, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết không riêng Việt Nam, đây là vấn đề mới của nhiều nước. Ông cũng nhắc lại quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về bitcoin rằng, đây không phải đồng tiền pháp định (theo quy định pháp luật hiện nay). "Bitcoin cũng không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Sử dụng đồng bitcoin là phương tiện thanh toán là không đúng quy định pháp luật hiện hành", ông khẳng định.
Tuy nhiên, Thống đốc cho biếtsẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để có cơ sở quản lý bitcoin, nhất làtrong xu thế như vậy thì cần phải có khuôn khổ phù hợp để quản lý các loại tài sản ảo hàng hóa.
Advertisement