Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Sàn niêm yết sắp thiết lập trật tự mới

Chứng khoán

18/06/2020 08:17

Trong khi HOSE đang có 15 doanh nghiệp chờ niêm yết mới để làm dày thêm quy mô vốn hóa 3,28 triệu tỷ đồng (tính đến 31/12/2019), chiếm khoảng 95% vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu niêm yết, thì một loạt doanh nghiệp lớn, đầu ngành tại HNX và UPCoM như ACB, SHB, PVS, DGC, ACV, VGI, VGT, GVR… cũng chuẩn bị gia nhập, hứa hẹn thiết lập một trật tự mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chuyển sàn niêm yết, kỳ vọng gia tăng dòng tiền đầu tư

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), tính đến giữa tháng 6/2020, có 15 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết mới.

Trong số này, bên cạnh một vài doanh nghiệp lần đầu đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán như FLC Home hay An Phat Holdings, thì có không ít doanh nghiệp muốn chuyển sàn giao dịch từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hay thị trường UPCoM sang HOSE như DIC Holdings (DC4), Dược Bến Tre (DBT), Hóa Chất Ðức Giang (DGC), Cao su Dak Lak (DRI), Bảo hiểm Quân đội (MIG), Thuận Ðức (TDP)...

Làn sóng chuyển sàn chưa dừng lại khi mới đây, trong tờ trình trước thềm Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020, HÐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đều đã đưa ra kế hoạch chuyển sàn.

Có nhiều lý do khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn đưa cổ phiếu lên giao dịch tại HOSE, nhất là các doanh nghiệp lớn. Chẳng hạn, với SHB là giúp "đẩy mạnh hình ảnh của SHB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là các tổ chức kinh tế lớn có uy tín, nâng cao vị thế của SHB trên thị trường chứng khoán”. Ðây cũng là lý do được nhiều doanh nghiệp khác nêu ra khi bày tỏ mong muốn chuyển sàn.

Hay với ACB, HÐQT ngân hàng này đánh giá việc chuyển sàn sẽ giúp tăng giá trị thị trường của cổ phiếu và đem lại nhiều lợi ích hơn cho cổ đông, khi khả năng cao cổ phiếu ACB sẽ được lọt vào các rổ chỉ số chính của HOSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VN Diamond (10%), VNFIN Lead (12%), VNFIN Select (12%)…

Sự tự tin của lãnh đạo ACB là có cơ sở khi tính theo giá đóng cửa phiên 15/6/2020, quy mô vốn hóa ACB đạt khoảng 40.737 tỷ đồng, nếu chuyển sàn sẽ đứng thứ 18 về quy mô vốn hóa trên HOSE. Tương tự, giá trị vốn hóa của SHB dự kiến đứng ở vị trí thứ 24 nếu chuyển từ HXN sang HOSE.

Không chỉ vốn hóa, thanh khoản của 2 ngân hàng này có phần vượt trội so với một số ngân hàng khác trên HOSE và đang trong nhóm VN30 như HDB, TPB, EIB, STB. Do đó, triển vọng lọt vào rổ VN30 sau khi đủ điều kiện niêm yết 6 tháng là khả thi.

Hiện nay, chỉ số VN30-Index thu hút sự chú ý của nhiều quỹ đầu tư, trong đó đáng kể là Quỹ ETF VFMVN30 do CTCP Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) quản lý.

Với quy mô tài sản ròng đến ngày 14/6/2020 là 5.395 tỷ đồng, tương đương khoảng 230 triệu USD, mỗi kỳ cơ cấu của Quỹ theo danh mục VN30 mới đủ khiến thị giá các cổ phiếu được thêm/bớt biến động mạnh.

Sau khi 3 bộ chỉ số VN Diamond, VNFIN Lead và VNFIN Select được ra mắt từ cuối năm 2019, VFM đã nhanh chóng huy động vốn cho Quỹ ETF VFMVN Diamond nhằm mô phỏng chỉ số VN Diamond, quy mô quỹ tính đến 14/6/2020 đã lên tới 1.239 tỷ đồng.

Trong khi đó, danh mục cổ phiếu thành phần của bộ chỉ số VNFIN Lead hiện cũng đã được Quỹ ETF SSIAM VNFIN Lead mô phỏng với quy mô 548 tỷ đồng tính đến ngày 10/6/2020.

Nếu như với các nhà đầu tư/quỹ đầu tư chủ động, việc cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn như SHB hay ACB niêm yết trên HNX hay HOSE không có nhiều khác biệt, thì với những nhà đầu tư/quỹ đầu tư thụ động xây dựng danh mục mô phỏng chỉ số, sự khác biệt là rất lớn.

Bởi khi đó, việc chuyển sang HOSE với khả năng sẽ lọt vào các bộ chỉ số hiện hữu sẽ đem đến cơ hội thu hút thêm nhiều dòng tiền đầu tư, giúp cải thiện cả về giá và thanh khoản cho cổ phiếu.

Triển vọng thu hút dòng tiền sẽ còn sáng hơn với việc thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng sẽ sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Khi đó, các quỹ đầu tư theo phương pháp thụ động - hiện tập trung đầu tư vào các thị trường mới nổi, cũng sẽ tự động phân bổ một phần vốn vào các thị trường mới được nâng hạng với dòng vốn được nhiều chuyên gia ước tính có thể lên đến 1 tỷ USD và tất yếu các cổ phiếu vốn hóa lớn, đầu ngành trong những danh mục chỉ số tham chiếu sẽ là nhóm hưởng lợi nhiều nhất.

Thực tế, ngay sau khi tài liệu đại hội được công bố, cổ phiếu SHB và ACB cùng có diễn biến tích cực.

Bên cạnh câu chuyện thuận lợi từ thị trường chung, đà tăng giá của 2 cổ phiếu này còn được nhìn nhận đến từ kỳ vọng tìm kiếm lợi nhuận từ hiệu ứng chuyển sàn.

Trước đó, thị giá của nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh khi chuyển sàn nhờ được cả khối nội và khối ngoại đẩy mạnh mua vào, bất chấp kết quả kinh doanh chưa có nhiều chuyển biến, có thể kể ra một số cổ phiếu là POW, GEX, HVN, VGC…

Về cơ bản, sàn HOSE với tiêu chuẩn niêm yết cao hơn, tập trung nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn hơn, thanh khoản cũng cao hơn… sẽ giúp nâng cao hình ảnh cổ phiếu khi chuyển sàn. Tất nhiên, không phải hiệu ứng với mọi doanh nghiệp đều như nhau.

Nếu như ACB, SHB được đánh giá không khó khăn để lọt vào các rổ chỉ số quan trọng nhất trên HOSE, thì nhiều doanh nghiệp khác như DC4, DBT, DGC… hiện đang trong Top vốn hóa trên HNX, việc cạnh tranh vị trí trong các bộ chỉ số gần như không thể, nên hiệu ứng chuyển sàn cũng sẽ yếu hơn.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, sàn UCPoM hiện là nơi hội tụ của một loạt “ông lớn” như ACV, VEA, VGI, GVR, VGT…. với quy mô vốn hóa tương đương, thậm chí vượt trội so với nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm VN30 và các ông lớn này cũng đang lên kế hoạch chuyển sang niêm yết trên HOSE.

Khi đó, cơ cấu của rổ VN30 cũng như các bộ chỉ số khác được dự báo sẽ có sự thay đổi đáng kể, với sự cạnh tranh vị trí ngày càng lớn. Dẫu vậy, không phải cứ lọt vào các rổ chỉ số này là sẽ “chắc chân”, mà đòi hỏi doanh nghiệp về lâu dài phải tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động, cải thiện thị giá và gia tăng quy mô vốn hóa, thanh khoản để duy trì vị trí.

Doanh nghiệp lớn ra đi, vốn hóa sàn HNX sẽ giảm mạnh

Sàn niêm yết sắp thiết lập trật tự mới

Diễn biến quy mô vốn hóa và lượng chứng khoán niêm yết trên HNX trong 3 năm qua.

Thống kê giao dịch của HNX cho biết, tính đến hết phiên giao dịch ngày 15/6/2020, quy mô vốn hóa của toàn sàn vào khoảng 212,7 nghìn tỷ đồng. Trong số 357 mã chứng khoán đang niêm yết, 10 doanh nghiệp quy mô vốn hóa lớn nhất tính theo giá đóng cửa phiên 15/6 chiếm khoảng 54,14% vốn hóa toàn sàn. Tuy nhiên, sàn này cũng có tới 169 cổ phiếu có mức vốn hóa thấp dưới 100 tỷ đồng.

Sàn niêm yết sắp thiết lập trật tự mới

10 cổ phiếu lớn nhất chiếm 54% vốn hóa sàn HNX.

Với việc 2 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất là ACB và SHB dự kiến chuyển sàn, ước tính quy mô vốn hóa của HNX sẽ giảm khoảng 28,6% và mức giảm sẽ chưa dừng lại khi còn nhiều doanh nghiệp khác cũng đang có ý định chuyển sang HOSE.

Ðơn cử, tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Ðức Giang (DGC), phương án hủy niêm yết cổ phiếu trên HNX để chuyển sang sang HOSE đã được thông qua từ năm 2019 và DGC đã nộp hồ sơ niêm yết trong tháng 12/2019.

Tương tự, Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) đã lên kế hoạch chuyển sang HOSE từ năm 2017, nhưng do còn vướng mắc ở một số khoản nợ quá hạn nên chưa thực hiện được. Tại mỗi kỳ đại hội, vấn đề chuyển sàn luôn được cổ đông quan tâm và lãnh đạo Công ty cho biết sẽ sớm thực hiện sau khi xử lý xong các khoản nợ.

Xu hướng chuyển sàn giúp HOSE và UPCoM ngày càng tăng về quy mô vốn hóa và thanh khoản, còn với HNX thì ngày càng teo tóp. Hiện nay, quy mô vốn hóa của HNX nhỏ hơn khoảng 5 lần so với UPCoM - là sàn giao dịch có chất lượng thấp hơn.

Trên thực tế, các doanh nghiệp lớn giờ đây thường chọn HOSE để niêm yết, hoặc lựa chọn UPCoM làm “bước đệm” trước khi chuyển lên HOSE, khiến nhà đầu tư có cái nhìn thiên kiến về HNX. Bộ chỉ số HNX30-Index ra đời đã khá lâu, nhưng gần như không được nhà đầu tư chú ý đến, cũng như không được các quỹ đầu tư chỉ số mô phỏng như chỉ số VN30-Index.

Tại Quyết định số 32/QÐ-TTg ngày 7/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sáp nhập HOSE và HNX nhằm thống nhất hoạt động của thị trường. Như vậy, dù có niêm yết ở đâu thì tương lai cổ phiếu trên 2 sàn cũng sẽ “về chung nhà”.

Trong khi đề án có lộ trình đến hết năm 2023 - tức còn hơn 2,5 năm nữa, thì nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn, vẫn chủ động lựa chọn phương án chuyển sàn để chủ động thu hút dòng vốn đầu tư, thay vì chờ đợi cho đến khi đề án hoàn tất.

KHẮC LÂM
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement