02/04/2022 09:11
Sân bay Phú Quốc sẽ được đầu tư mở rộng thế nào?
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Phú Quốc là sân bay cấp 4E, đạt công suất 7 triệu hành khách/năm. Việc đầu tư mở rộng sân bay này đang là vấn đề
“Tầm ngắm” của “vua hàng hiệu”
Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT ngỏ ý tham gia đầu tư vào các hạng mục kêu gọi xã hội hóa tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Phú Quốc như: nhà ga hành khách quốc tế, nhà ga hàng hoá, kho hàng hóa và đường băng. IPPG cam kết thực hiện đầu tư đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuân thủ các quy định pháp luật.
Văn bản do ông Nguyễn Hạnh - Chủ tịch HĐTV IPPG, người được biết đến với biệt danh “vua hàng hiệu” ký, cho biết, IPPG đã có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực như phi thuế quan biên giới, sân bay, dịch vụ phi hàng không tại các sân bay lớn trên khắp cả nước… IPPG cam kết thực hiện đầu tư đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuân thủ các quy định pháp luật.
Hiện tại, có 6 hãng hàng không trong nước, 10 hãng nước ngoài khai thác các đường bay thường lệ đi/đến Cảng HKQT Phú Quốc. Sản lượng vận tải hành khách năm 2019 là 3,7 triệu; năm 2020 là 3,23 triệu và năm 2021 khoảng 1,6 triệu.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, Nghị định 05/2021 về quản lý, khai thác CHK, sân bay quy định cụ thể, doanh nghiệp CHK có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu.
Hiện nay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đang quản lý, khai thác Cảng HKQT Phú Quốc. Căn cứ quy định nêu trên, ACV có trách nhiệm đầu tư xây dựng, mở rộng các công trình thiết yếu của sân bay này.
Trường hợp ACV không có khả năng đầu tư theo kế hoạch phát triển CHK được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Bộ GTVT đề xuất, kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật. Đối với các công trình khác (ngoài công trình thiết yếu), Bộ GTVT tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Thứ trưởng, vừa qua Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 23 hướng dẫn về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại CHK, sân bay.
Bộ GTVT cũng giao Cục Hàng không VN căn cứ quy hoạch, thực hiện rà soát, nghiên cứu lập danh mục dự án, trong đó có Cảng HKQT Phú Quốc để trình Bộ GTVT tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Trong khi đó, Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho biết, doanh nghiệp này đã rà soát kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ACV sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện 6 dự án trọng điểm (sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; mở rộng Nhà T2 Nội Bài...).
ACV cũng ưu tiên các dự án có tính cấp thiết, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, các dự án nhà nhà ga hàng hóa; các dự án được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Với nhóm cảng hàng không Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, theo ông Phiệt, hiện chưa có quy hoạch điều chỉnh. “Trong giai đoạn 2021-2025, ACV bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư các công trình thiết yếu và báo cáo triển khai đầu tư sau khi quy hoạch được duyệt”, ông Phiệt thông tin.
Có thể giao địa phương tự huy động nguồn lực
Giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Cảng HKQT Phú Quốc có cấp sân bay 4E, giai đoạn đến năm 2030 đạt công suất khoảng 7 triệu khách/năm
Theo thông tin của Báo Giao thông, vừa qua Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không”.
Trước nhu cầu lớn về nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, Bộ GTVT đã nghiên cứu, đề xuất định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư đối với từng nhóm cảng hàng không (5 nhóm) trong hệ thống cảng hàng không của Việt Nam.
Đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, Cảng HKQT Phú Quốc được đề xuất trong nhóm các CHK vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Các CHK thuộc nhóm này được đề xuất định hướng chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển cảng theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hiện hữu để tham gia dự án.
Sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ GTVT sẽ làm việc với các địa phương. Nếu đạt được sự đồng thuận, các cơ quan liên quan sẽ tiến hành thủ tục để chuyển giao Cảng HKQT Phú Quốc cho địa phương.
“Bộ GTVT, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ chủ động thông tin rộng rãi tới các nhà đầu tư quan tâm được biết và tham gia dự án khi đủ các điều kiện để có thể tổ chức huy động nguồn lực đầu tư”, vị này khẳng định.
Giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Cảng HKQT Phú Quốc có cấp sân bay 4E, giai đoạn đến năm 2030 đạt công suất khoảng 7 triệu khách/năm.
Vừa qua, triển khai Luật Quy hoạch, Bộ GTVT đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo nội dung quy hoạch, Cảng HKQT Phú Quốc giai đoạn đến năm 2030 công suất 10 triệu khách/năm; tầm nhìn đến 2050 khoảng 18 triệu khách/năm.
Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không VN tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trong Quý I/2022.
Hiện nay, quy hoạch Cảng HKQT Phú Quốc vẫn tiếp tục được thực hiện theo Quyết định số 1608/2008. Sau khi quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hoàn thành và được phê duyệt sẽ là cơ sở để triển khai đầu tư, mở rộng CHKQT Phú Quốc.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp