01/11/2018 06:50
Samco chi trăm tỷ liên doanh với Mercedes sản xuất xe Fuso Rosa: Thua lỗ hàng chục tỷ đồng
Được kỳ vọng sẽ tạo ra lợi nhuận 15 tỷ đồng trong 5 năm nhưng trên thực tế, Samco đã thua lỗ gần 40 tỷ đồng từ thương vụ này.
Kém hiệu quả
Ngày 31/7/ 2014, Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn-Samco đã duyệt dự án đầu tư xây dựng Nhà máy ô tô Thương mại Samco (SCV) tại lô E3, E4, Khu công nghiệp Cơ khí ô tô TP.HCM ở huyện Củ Chi, có diện tích 40.000m2, theo quyết định số 55/QĐ-HĐTV.
SCV có vốn đầu tư hơn 118 tỷ đồng do Samco hợp tác cùng Công ty TNHH Mercedes Việt Nam, chuyển giao công nghệ từ Fuso của Nhật Bản để sản xuất dòng xe thương mại 29 chỗ, mang thương hiệu Fuso Rosa theo tiêu chuẩn Euro 2. Đến tháng 9/2015, SCV đã chính thức đi vào hoạt động nhưng hiệu quả không như kỳ vọng.
Cụ thể, tại báo cáo số 14/CV-SCV do ông Nguyễn Đình Hiển, Giám đốc Nhà máy ô tô Thương mại Samco ký ngày 3/7/2017 gửi Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn-Samco cho thấy nhiều con số đáng buồn.
Theo đó, công suất thiết kế ban đầu của SCV là 5.000 xe trong 5 năm, trung bình 1.000 xe/năm. Thực tế 2,5 năm đi vào hoạt động, sản lượng sản xuất của SCV chỉ có 460 xe, đạt 18,4% kế hoạch. Sau hơn 2 năm ra mắt, Mercedes Việt Nam chỉ bán được khoảng 200 chiếc xe Fuso Rosa, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng 1.000 xe/năm.
Samco chi cả trăm tỷ để đầu tư kho xưởng, máy móc làm Nhà máy ô tô Thương mại Samco. |
Theo tính toán ban đầu, trong 5 năm hợp tác với Công ty TNHH Mercedes Việt Nam, Samco sẽ thu về mức lợi nhuận 14 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 2,5 năm đi vào hoạt động, SCV đã lỗ gần 55 tỷ đồng, tương đương với một nửa giá trị đầu tư Nhà máy ô tô Thương mại Samco.
Lúc đó, SCV đã nhận đơn đặt hàng của Công ty TNHH Mercedes Việt Nam đến đầu xe số 500, dự kiến hoàn tất nghiệm thu vào ngày 5/8/2017. Samco và SCV đã làm việc với Công ty TNHH Mercedes Việt Nam để yêu cầu ký các phụ lục điều chỉnh đơn giá lắp ráp nhưng vẫn chưa có kết quả. Có nghĩa, lúc này Nhà máy ô tô Thương mại Samco đang lỗ gần 55 tỷ đồng khi liên doanh với Mercedes Việt Nam.
Chỉ 2 tháng sau ngày ông Hiển gửi báo cáo về Samco, vào ngày 1/9/2017, Công ty TNHH Mercedes Việt Nam và Samco đã ký “Thỏa thuận về việc chấm dứt thỏa thuận lắp ráp” tại Nhà máy ô tô Thương mại Samco. Thoả thuận này không hề nhắc tới việc Mercedes Việt Nam sẽ đền bù gì cho Samco khi đã chi cả trăm tỷ đồng xây dựng kho xưởng rồi bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Thoả thuận có hiệu lực từ 1/9/2017. Tuy nhiên, Samco sẽ tiếp tục lắp ráp thêm 100 ô tô Fuso Rosa theo tiêu chuẩn Euro 2, hạn cuối giao xe là 15/12/2017. Chi phí do Công ty TNHH Mercedes Việt Nam trả cho Samco giống như đơn giá trong năm 2016 và sẽ không điều chỉnh trong bất kỳ trường hợp nào. Samco cam kết cố gắng hết sức để hoàn lại linh kiện không sử dụng cho nhà cung cấp của mình.
Sau khi chấm dứt thoả thuận với Samco, vào tháng 12/2017 Thaco và Công ty Daimler Châu Á thuộc Tập đoàn Daimler (đơn vị sở hữu Mercedes Benz và Mitsubishi Fuso) đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối xe khách, xe tải mang thương hiệu Fuso tại Việt Nam.
Theo đó, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải-Thaco nhận chuyển giao toàn bộ mảng kinh doanh xe khách, xe tải Fuso từ Công ty TNHH Mercedes Benz Việt Nam, bao gồm thiết bị, sản phẩm xe, linh kiện phụ tùng, nhân sự, hệ thống đại lý và có trách nhiệm kế thừa dịch vụ sau bán hàng từ 1/1/2018.
Thaco tiếp tục nhận bảo hành, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế đối với khách hàng đang sở hữu xe tải, xe khách Fuso tại Việt Nam và tổ chức bán hàng. Thaco cũng ký trực tiếp với Tập đoàn Mitsubishi Fuso hai hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối xe.
Qua đó, Thaco sẽ tổ chức sản xuất, lắp ráp tất cả các chủng loại xe tải Fuso, mẫu xe khách Fuso Rosa và sử dụng động cơ, cụm linh kiện chính yếu để sản xuất, lắp ráp các loại xe khách khác. Đồng thời sản xuất linh kiện phụ tùng nội địa hóa theo tiêu chuẩn của Tập đoàn Mitsubishi Fuso Nhật Bản và Daimler Đức. Như vậy, Thaco là đơn vị thay Samco tiếp tục sản xuất, phân phối dòng xe Fuso Rosa tại Việt Nam.
Còn tại báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 Samco cho thấy, doanh thu tại SCV năm 2016 là hơn 30 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế âm tới 37,5 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu của SCV hơn 51 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn còn âm hơn 1 tỷ đồng. Có nghĩa, con số thực lỗ của Samco ở thương vụ này là gần 40 tỷ đồng.
Báo cáo này cũng chỉ ra, trong năm 2017 hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhà máy đã có khoảng thời gian tạm ngừng do thị trường tiêu thụ và sự thay đổi chính sách của Công ty TNHH Mercedes Việt Nam. Do yêu cầu đặc thù của vật tư tiêu hao đối với dòng xe Fuso Rosa, chất lượng đặt hàng tối thiểu của nhà cung cấp và kế hoạch sản xuất không ổn định đã tạo ra một số vật tư tiêu hao, tồn kho sau sản xuất.
Samco lấp liếm?
Như vậy, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy ô tô Thương mại Samco đã lỗ gần 40 tỷ đồng và ngưng hoạt động sau hơn 2 năm triển khai. Tuy nhiên, tại báo cáo số 84/BC-SC do ông Lê Quang Định, Phó tổng Giám đốc Samco ký ngày 4/6/2018 gửi UBND TP.HCM về đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND TP.HCM giai đoạn 2013-2017 lại không hề nhắc tới SCV mà lại lấp liếm dưới cái tên dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất xe chuyên dùng.
Cụ thể, sau khi chi hơn 118 tỷ đồng để hợp tác cùng Công ty TNHH Mercedes Việt Nam làm SCV vào ngày 31/7/ 2014, đến ngày 17/12/2015 Hội đồng Thành viên Samco tiếp tục ký quyết định số 59/QĐ-HĐTV duyệt dự án mở rộng nhà máy sản xuất ô tô chuyên dùng cũng tại lô E3, E4, Khu công nghiệp Cơ khí ô tô TP.HCM ở huyện Củ Chi. Lúc này, SCV đã đi vào hoạt động được 3 tháng.
Nhà máy ô tô thương mại Samco trước đây đã được chuyển thành Nhà máy ô tô chuyên dùng như hiện nay. |
Tổng mức đầu tư 67,7 tỷ đồng từ nguồn vốn vay và vốn tự có. Đến tháng 5/2018, Samco đã đầu tư vào đây hơn 39 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, hạ tầng giao thông, mua sắm lắp đặt thiết bị công nghệ.
Như vậy, tính đến tháng 5/2018 thì Samco đã đầu tư hơn 157 tỷ đồng vào hai dự án nói trên, ở cùng một địa chỉ. Sau khi chấm dứt thoả thuận lắp ráp với Công ty TNHH Mercedes Việt Nam, cái tên Nhà máy ô tô thương mại Samco đã được chuyển thành Nhà máy ô tô chuyên dùng như hiện nay.
Vào ngày 21/9, Samco đã khánh thành Nhà máy ô tô chuyên dùng, cùng địa chỉ lô E3, E4, Khu công nghiệp Cơ khí ô tô TP.HCM. Theo giới thiệu, nhà máy có diện tích 40.000 m2, chuyên sản xuất xe và các thiết bị chuyên dùng thuộc các lĩnh vực môi trường và phòng cháy chữa cháy. Công suất dự kiến là 500 xe và thiết bị trong một năm.
Việc khánh thành Nhà máy ô tô chuyên dùng với địa chỉ, diện tích và thời gian xây dựng, vận hành… hoàn toàn trùng lấp với Nhà máy ô tô thương mại Samco đã thua lỗ khiến dư luận thêm hoài nghi về sự lẩn tránh trách nhiệm của lãnh đạo Samco khi để thua lỗ hàng chục tỷ đồng của SCV. Rõ ràng, Nhà máy ô tô chuyên dùng-SP.Samco đang được sắp đặt nằm “đè” lên một SCV cũ đã thua lỗ.
Trao đổi với chúng tôi về việc đầu tư thua lỗ trong liên doanh Công ty TNHH Mercedes Việt Nam, ông Trần Quốc Toản, Tổng giám đốc Samco thừa nhận dự án này có thua lỗ. Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2017 chỉ còn âm hơn 1 tỷ đồng do Samco đã đàm phán để nâng giá nhân công lắp ráp.
“Ở dự án này, Samco chỉ là đơn vị cho thuê mặt bằng, nhân công. Phía Mercedes Việt Nam sẽ lo phần công nghệ, máy móc và đầu ra. Do thị trường tiêu thụ gặp khó khăn nên phải dừng giữa chừng. Hiện tại, Nhà máy ô tô Thương mại Samco đã được chúng tôi chuyển thành Nhà máy ô tô chuyên dùng”, ông Toản nói.
Trả lời câu hỏi, tại sao liên doanh này thua lỗ hàng chục tỷ đồng mà Samco không hề nhắc đến trong báo cáo số 84/BC-SC gửi UBND TP.HCM, ông Toản cho rằng Samco có 27 đơn vị đang hoạt động kinh doanh, gồm 7 đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc và 20 đơn vị thành viên hạch toán độc lập là các công ty 100% vốn Nhà nước, công ty cổ phần, công ty liên doanh liên kết. Khi báo cáo UBND TP.HCM, Samco chỉ báo cáo tổng thể tình hình của công ty mẹ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp