03/09/2020 13:29
Saigon Co.op sẽ có ít nhất 2.000 điểm kinh doanh, khẳng định vị thế là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam
Saigon Co.op đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng bình quân từ 4-5%/năm, mở rộng mạng lưới đến năm 2025 đạt tối thiểu 2.000 điểm bán.
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) vừa diễn ra, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao nhiệm vụ cho Saigon Co.op trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được bản chất của Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM.
Ông Phong nhấn mạnh Saigon Co.op phải nỗ lực duy trì vị thế là nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh thị trường bán lẻ trong nước đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của các tập đoàn đa quốc gia như Aeon, Lotte, Big C, Mega Market…
Saigon Co.op sẽ có ít nhất 2.000 điểm bán vào năm 2025. Ảnh: VnExpress |
Giai đoạn 2015-2020, bình quân mỗi năm Saigon Co.op phát triển thêm 116 điểm bán, và đến nay đã phát triển được 849 điểm bán tại 43 tỉnh, thành.
Doanh thu bình quân hàng năm tăng 8,2% và chiếm 34% thị phần doanh thu bán lẻ của cả nước.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Saigon Co.op đã thực hiện bình ổn thị trường, chuẩn bị hàng hóa gấp 1,5 lần so với ngày thường, đảm bảo mọi nhu cầu mua sắm của nhân dân; kịp thời cung ứng hơn 47 triệu khẩu trang cho người dân…
Doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng bình quân từ 8-10%/năm; lợi nhuận trước thuế tăng bình quân từ 4-5%/năm; mở rộng mạng lưới, mục tiêu đến năm 2025 đạt tối thiểu 2.000 điểm bán.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh Saigon Co.op phải nỗ lực duy trì vị thế là nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Tập trung phát triển nhanh chuỗi siêu thị Co.opmart, phủ kín hệ thống phân phối trên toàn quốc; phát triển thêm các điểm bán lẻ tại các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, tại công trình ngầm chợ Bến Thành.
Đồng thời, duy trì và chủ động phát triển mối quan hệ hợp tác với các tổ chức Hợp tác xã quốc tế để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường quản trị chiến lược, cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ.
“Thành phố sẽ tạo những điều kiện thuận nhất từ cơ chế chính sách đến nguồn vốn để Liên hiệp vươn ra biển lớn, nhưng vẫn giữ vững bản chất trong hoạt động và định hướng phát triển của Hợp tác xã, để qua đó đưa Hợp tác xã ngày càng lớn mạnh hơn, trở thành biểu tượng của sự thành công trong việc phát triển mô hình kinh tế tập thể trong thời kỳ mới”, ông Phong nhấn mạnh.
Cuối tháng 7, Thanh tra TP.HCM vừa công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật tại Saigon Co.op.
Thanh tra TP.HCM cho rằng có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm quyền sở hữu tài sản chung và tài sản của Nhà nước, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Cụ thể, tại Đại hội thành viên bất thường Saigon Co.op hồi cuối tháng 1/2020, doanh nghiệp có Nghị quyết thống nhất tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên hơn 6.797 tỷ đồng, tức tăng 3.597 tỷ đồng.
Thanh tra TP.HCM chỉ ra các HTX thành viên tổ chức triển khai việc huy động vốn không đúng trình tự thủ tục quy định tại Luật Hợp tác xã và Điều lệ, do huy động từ nguồn vốn bên ngoài không phải là thành viên của HTX.
Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM ra quyết định không thừa nhận số vốn góp 3.597 tỷ đồng này và khôi phục giấy đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ cũ là 3.200 tỷ đồng.
Cuối tháng 8, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op gửi đơn đến Thường trực Thành uỷ TP.HCM xin từ nhiệm vì “chưa hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao”. Trước đó, Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ, đình chỉ vai trò Ban chấp hành, Ban Thường vụ và Bí thư Đảng uỷ Saigon Co.op đối với ông Diệp Dũng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp