Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Sai phạm ngàn tỷ tại dự án Khu dân cư Hòa Lân: Vi phạm khi đấu giá tài sản sẽ bị xử phạt tới 5 năm tù (bài 7)

Luật Đấu giá tài sản quy định, vi phạm trong bán đấu giá tài sản sẽ bị xử phạt 1 tỷ đồng và phạt tù lên tới 5 năm.

Chế tài nặng

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, sau nhiều năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2017 thì hoạt động đấu giá tài sản đã đạt được những kết quả đáng kể.

Cụ thể, các tài sản bắt buộc phải đấu giá được mở rộng hơn, chất lượng hoạt động đấu giá ngày càng được nâng cao, giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, thu Ngân sách Nhà nước thông qua hoạt động đấu giá đạt hiệu quả cao.

Phiên đấu giá Khu dân cư Hoà Lân gây nhiều ý kiến trái chiều.
Phiên đấu giá Khu dân cư Hoà Lân gây nhiều ý kiến trái chiều.

Luật Đấu giá tài sản với những quy định chặt chẽ nhưng thực tế không ít người vẫn tìm cách lách luật. Vẫn còn những góc khuất được nhìn thấy như không bán hồ sơ hoặc gây khó khăn cho khách hàng có nhu cầu mua hồ sơ và xem tài sản, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng dìm giá trong các phiên đấu giá dẫn đến giá trị tài sản bán được chỉ chênh so với giá khởi điểm rất ít…

Theo ông Quyền, hoạt động đấu giá tài sản vẫn còn tồn tại một số tiêu cực, hạn chế, bất cập. Thứ nhất là sự liên kết, thông đồng giữa người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá.

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, chủ tài sản thường lựa chọn đơn vị, doanh nghiệp tổ chức bán đấu giá thân thiết để dễ bề điều khiển họ làm theo ý mình nhằm trục lợi cá nhân.

Trong trường hợp này, chủ tài sản thường thuê các đơn vị thẩm định giá và đưa ra giá khởi điểm rất thấp để đấu giá. Đối với đơn vị được thuê tổ chức đấu giá, họ sẽ đăng thông tin bán đấu giá tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách mập mờ, chung chung với mục đích càng ít người biết và mua hồ sơ càng tốt.

Nếu nhiều người mua hồ sơ, không thể làm chủ được kết quả đấu giá như mong muốn thì chủ tài sản và đơn vị tổ chức đấu giá sẽ tìm cách hủy phiên đấu giá.

Tiêu cực thứ hai cũng diễn ra thường xuyên và phổ biến là việc một số doanh nghiệp, đơn vị tổ chức đấu giá gây khó khăn cho khách hàng trong việc tiếp cận, mua hồ sơ và xem tài sản với mục đích hạn chế người tham gia đấu giá.

Dù việc giấu hồ sơ, gây khó khăn cho khách hàng là hành vi bị cấm và bị phạt rất nặng, được quy định rõ trong Luật Đấu giá tài sản nhưng nhiều doanh nghiệp, đơn vị tổ chức đấu giá tài sản vẫn phớt lờ những quy định này.

Tiêu cực thứ ba là sự thông đồng của tổ chức bán đấu giá với người tham gia đấu giá. Dù Luật Đấu giá tài sản đưa ra quy định cấm tiết lộ thông tin về khách hàng nhưng một số đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản vẫn cung cấp danh sách khách hàng tham gia đấu giá để khách hành dàn xếp trước khi vào phiên đấu giá.

Cuối cùng, giá trúng đấu giá thường chỉ cao hơn giá khởi điểm tí chút mặc dù số lượng khách hàng tham gia rất đông.

Luật sư Quyền cho biết thêm, từ ngày 1/1/2018, Bộ Luật hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành. Lần đầu tiên những hành vi gian dối, tiêu cực, vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể trong Điều 208, Bộ Luật hình sự năm 2015.

Đây là điều luật mới được cụ thể hóa từ tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165, Bộ Luật hình sự năm 1999.

Điều 218, Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá.

b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản.

c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức.

b) Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên.

c) Gây thiệt hại cho người khác 300 triệu đồng trở lên.

d) Phạm tội 2 lần trở lên.

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Biên bản đấu giá Khu dân cư Hoà Lân.
Biên bản đấu giá Khu dân cư Hoà Lân.

“Tội “Vi phạm các quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” là tội phạm có lỗi cố ý. Tội phạm xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu có tài sản bán đấu giá, xâm phạm đến quyền lợi bình đẳng trong hoạt động đấu giá của những người tham gia đấu giá”, ông Quyền nói.

Quy định rõ ràng

Ông Quyền cho biết thêm, Luật Đấu giá tài sản đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.  Điều 9, Luật Đấu giá tài sản quy định, nghiêm cấm đấu giá viên thực hiện các hành vi sau đây.

a) Cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình. b) Lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi. c) Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản.

d) Hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật. đ) Vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên. e) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

Với tổ chức đấu giá tài sản, Luật Đấu giá tài sản cấm các hành vi a) Cho tổ chức khác sử dụng tên, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức mình để hành nghề đấu giá tài sản.

b) Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản.

c) Cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá. d) Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi.

đ) Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, chi phí dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo thỏa thuận. e) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

3. Nghiêm cấm Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện các hành vi quy định tại các điểm b, c, d và e khoản 2 Điều này.

4. Nghiêm cấm người có tài sản đấu giá thực hiện các hành vi a) Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản.

b) Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản. c) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

5. Nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi: a) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá.

b) Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

c) Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá. d) Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản. đ) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

Nhiều vi phạm

Đọc hồ sơ vụ đấu giá Khu dân cư Hoà Lân, ông Quyền nhận định, nhiều khả năng Công ty Cổ phần Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn cố tình dìm giá tài sản đem ra đấu giá.

Vì nhiều khuất tất, Khu dân cư Hoà Lân vẫn nằm phơi giữa trời sau nhiều năm triển khai.
Vì nhiều khuất tất, Khu dân cư Hoà Lân vẫn nằm phơi giữa trời sau nhiều năm triển khai.

Điển hình, ngày 17/6/2015, Agribank chi nhánh chợ Lớn đã ký hợp đồng 10/2915/ĐGNSG với Công ty Cổ phần Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn, có địa chỉ tại số 150 đường số 9, Khu phố 1, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án Hòa Lân với giá khởi điểm 1.467,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là phải trải qua tới 12 phiên đấu giá, kéo dài từ ngày 9/7/2015 đến 25/5/2017, việc đấu giá mới thành công nhưng chứa đầy khuất tất.

Cụ thể, tại phiên thông báo bán đấu giá lần 3, ngày 16/10/2015 có Công ty Hòa Bình Xanh ở 211/31 Huỳnh Văn Lũy, quận Tân Phú, TP.HCM tham gia đấu giá nhưng ngày 10/11/2015 Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn lại có công văn thông báo cho phía Agribank chi nhánh Chợ Lớn là không có khách hàng nào tham gia.

Tương tự, tại phiên thông báo bán đấu giá lần 6 vào ngày 10/5/2016, Công ty Hòa An Lộc ở số 70 Nguyễn Văn Thành, TP. Thủ Dầu Một nộp đơn đăng ký mua tài sản bán đấu giá, nhưng ngày 23/5/2016 Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn vẫn thông báo cho Agribank chi nhánh Chợ Lớn là không có khách hàng tham gia.

Tiếp đó vào ngày 31/5/2016, tại phiên thông báo bán đấu giá lần 7, có 2 công ty đăng ký tham gia đấu giá là Công ty Hòa An Lộc và Công ty Hòa Bình Xanh. Tuy nhiên, ngày 22/6/2016 Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn vẫn thông báo cho Agribank chi nhánh Chợ Lớn là không có khách hàng tham gia đấu giá.

Cũng như những lần trước, tại phiên thông báo đấu giá lần 9 vào ngày 22/9/2016, Công ty Trung Quý Huế ở Thừa Thiên Huế mua hồ sơ, nộp đơn đăng ký mua tài sản bán đấu giá nhưng ngày 8/11/2016 Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn tiếp tục thông báo cho Agribank chi nhánh Chợ Lớn là không có khách hàng tham gia.

Điều đáng nói, cứ qua mỗi phiên bán đấu giá mà không có khách hàng tham gia, giá trị tài sản của dự án Khu dân cư Hòa Lân lần lượt được điều chỉnh giảm xuống từ 2% lần 2, 5% lần 3, 10% lần 4, 10% lần 5, 10% lần 7, 3% lần 8 và 1% lần 9.

Hệ quả, khiến tài sản định giá để bán từ gần 1.468 ngàn tỷ đồng chỉ còn 1.070 ngàn tỷ đồng và tới phiên thông báo lần thứ 10 chỉ còn 963 tỷ đồng và lần thứ 11 chỉ còn có 900 tỷ đồng.

Đến ngày 3/1/2016, Agribank chi nhánh Chợ Lớn có thông báo cho Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn biết, Công ty Thiên Phú đã tìm được khách hàng muốn mua tài sản với giá 963 tỷ đồng. Để đảm bảo tài sản cho Công ty Thiên Phú và tránh thiệt hại cho Agribank chi nhánh Chợ Lớn, ngân hàng đề nghị điều chỉnh lại mức đấu giá lần thứ 11 ngày 29/12/2016 lên 963 tỷ đồng.

Tại lần đấu giá này có Công ty Thuận Lợi ở TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đăng ký tham gia đấu giá nhưng Công ty Thiên Phú và Agribank chi nhánh Chợ Lớn thống nhất kéo dài thêm thời gian đấu giá tới 28/2/2017.

Agribank chi nhánh Chợ Lớn quá ưu ái cho Công ty Kim Oanh.
Agribank chi nhánh Chợ Lớn quá ưu ái cho Công ty Kim Oanh.

Mãi đến ngày 1/3/2017, Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn mới thông báo có 2 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá là Công ty Thuận Lợi và Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức tham gia đấu giá. Tuy nhiên lần này cả hai công ty chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán và tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán của ngân hàng.

Tại phiên thông báo đấu giá lần thứ 12 vào ngày 28/4/2017, Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn thông báo có 3 khách hàng đăng ký đấu giá và đã nộp 96,3 tỷ đồng là Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM (trước đây có tên là Công ty TNHH Xây dựng A Đông Hải) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình.

Trong 3 công ty này thì duy nhất có Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức đáp ứng rõ nhất điều kiện của Agribank chi nhánh Chợ Lớn là cam kết trả tiền ngay theo đúng quy định sau khi đấu giá, nếu trúng. Hai công ty còn lại dù đã đóng tiền đặt trước 10% nhưng hồ sơ không thể hiện việc trả ngay hay trả dần cho Agribank Chợ Lớn biết.

Ngày 25/5/2017 Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn tổ chức đấu giá dự án Khu dân cư Hoà Lân. Sau 13 vòng trả giá, Công ty Kim Oanh đã trúng đấu giá với số tiền 1.353 tỷ đồng.

Theo quy định của Agribank Chợ Lớn, đơn vị trúng đấu giá phải thanh toán một lần ngay số tiền trúng đấu giá. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá Công ty Kim Oanh vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Đến tháng 11/2018, Công ty Kim Oanh mới chỉ thanh toán được 847,8 tỷ đồng cho Agribank chi nhánh và còn nợ 478 tỷ đồng, chưa kể lãi chậm trả 8% tính từ ngày 5/9/2017.

“Phiên bán đấu giá Khu dân cư Hoà Lân đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng và phải huỷ kết quả phiên đấu giá này. Đầu tiên là Công ty Kim Oanh đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Thứ hai là việc tổ chức mời thầu, đấu giá có dấu hiệu khuất tất”, ông Quyền nói.

TRÀ GIANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement