11/02/2017 09:58
Sai lầm khiến bệnh nhân thủy đậu gặp biến chứng nặng
Nhiều bệnh nhi mắc thủy đậu gặp tai biến đáng tiếc như nhiễm khuẩn huyết, co giật, viêm màng não do việc kiêng kỵ sai lầm của bố mẹ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho hay bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên varicella zoster virus gây nên, rất dễ lây truyền. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có khả năng mắc bệnh.
Thủy đậu sẽ xuất hiện 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân.
Mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12-14h, có thể nổi toàn thân, có kích thước từ 1-3 mm đường kính, chứa dịch trong. Những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn sẽ có màu đục do chứa mủ.
Trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh sẽ kéo dài từ 7-10 ngày. Nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân thủy đậu gặp tai biến nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, co giật, viêm màng não là do cách xử lý của người dân với các vết mụn.
Dưới đây là ba sai lầm thường gặp khiến bệnh tăng nặng:
Kiêng tắm, kiêng gió
PGS Dũng nhấn mạnh nguyên tắc điều trị thủy đậu là tránh nhiễm trùng, vì thế, kiêng tắm, kiêng nước trong những ngày mắc bệnh là điều sai lầm. Nó có thể gây thêm sự nguy hiểm cho bệnh nhân, đặc biệt đối với trẻ con. Vì da trẻ nhỏ vẫn còn yếu, cấu trúc mỏng, dễ tổn thương.
Việc kiêng nước trong toàn bộ thời gian bị bệnh sẽ gây nên tình trạng tích tụ vi khuẩn trên cơ thể, có thể gây viêm nhiễm tại các mụn nước. Nhiều trẻ gặp những tai biến đáng tiếc như nhiễm khuẩn huyết, co giật, viêm màng não do việc kiêng kỵ sai lầm này của bố mẹ.
Do đó, chuyên gia khuyến nghị những bệnh nhân bị thủy đậu cần giữ vệ sinh cơ thể, tắm hoặc lau rửa bằng nước ấm một cách nhẹ nhàng, chỉ cần tránh để nốt thủy đậu bị vỡ.
Ngoài ra, nhiều trẻ đến viện, các bác sĩ phát hiện các mụn bị vỡ ra, loang hết cả một vùng vì mặc quá nhiều áo để tránh gió. Điều này tạo thêm cơ hội cho các ổ virus lan rộng.
"Người bệnh không nên ra gió, trong ngày lạnh cần được giữ ấm cơ thể nhưng nên nghỉ ngơi tại giường ở nơi thoáng đãng. Vào mùa nóng, nếu người bệnh ở nơi vừa nóng bức vừa không có gió sẽ khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi, có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm các nốt phỏng", PGS Dũng khuyến cáo.
Bôi xanh methylen khi nốt mụn chưa vỡ
Nhiều người khi bị các nốt phỏng thủy đậu liền bôi xanh methylen. Tuy nhiên, theo PGS Dũng, bệnh nhân chỉ nên bôi khi nốt phỏng vỡ để làm se bề mặt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng khô nhanh.
Việc dùng nghệ chữa sẹo cũng gây nguy hiểm đối với bệnh nhân. Cơ địa không hợp với nghệ sẽ gây hiện tượng dị ứng, phồng mạch, làm cho vết thương tăng nặng. Chuyên gia cũng khuyến cáo người bệnh không được bôi mỡ tetracyclin, penicillin hay thuốc đỏ, phấn rôm vào da khi bị bệnh.
Áp dụng các bài thuốc dân gian
PGS Dũng cho biết ông thường gặp các bệnh nhi bị ngộ độc do bố mẹ dùng gốc rạ tắm cho con, thậm chí lấy gốc rạ đốt để lấy nước cho trẻ uống. Họ quan niệm đây là bài thuốc dân gian để nhanh khỏi bệnh.
Việc sử dụng các bài thuốc lá dân gian cần thận trọng bởi cơ địa mỗi người khác nhau, không nên truyền tai các bài thuốc chữa bệnh.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp