14/07/2020 12:55
Sài Gòn vào mùa dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng
Tại TP.HCM, hàng năm vào mùa mưa là thời điểm cơ thể dễ gặp các bệnh thường gặp như: hô hấp, dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng…
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cảnh báo, hàng năm vào mùa mưa là thời điểm cơ thể dễ gặp các bệnh thường gặp như: hô hấp, dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng… Do đó, mọi người cần lưu ý phòng ngừa các bệnh này, theo báo Công an.
Ngành y tế TP.HCM nhận định thành phố đang bước vào mùa dịch bệnh hàng năm. Ảnh: Zing |
Theo HCDC, trong suốt 6 tháng đầu năm 2020, số trường hợp bệnh Sốt xuất huyết và Tay chân miệng hàng tuần luôn thấp hơn khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong tuần đầu tháng 7, số người đến khám và nhập viện vì 2 bệnh này đều tăng. Trong đó, Sốt xuất huyết tăng 59 trường hợp, Tay chân miệng tăng 50 trường hợp so với tuần trước.
BS. Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cảnh báo, mặc dù so với tuần đầu của tháng 7/2019, số ca bệnh của năm nay vẫn thấp hơn năm ngoái, nhưng với sự biến động so với các tuần trước đó thì dự đoán mùa cao điểm của Sốt xuất huyết và Tay chân miệng đã quay lại.
Theo BS. Lê Hồng Nga, các phân tích từ hệ thống giám sát dịch tễ cho thấy, trong tuần cuối tháng 6, số phường xã có trường hợp bệnh Sốt xuất huyết là 114, thì sang tuần đầu của tháng 7 con số này là 144, tăng thêm 30 phường xã. Số bệnh nhân trung bình trong tuần đầu tháng 7 là gần 2 trường hợp cho mỗi phường xã.
So sánh với diễn tiến nhiều năm liền, sự gia tăng số lượng bệnh nhân trong tuần đầu tháng 7 hoàn toàn tương tự với những năm trước và có thể tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới và có thể đạt đỉnh dịch vào khoảng tháng 10, tháng 11.
Với số ca bệnh rất thấp trong 6 tháng vừa qua, nếu toàn cộng đồng duy trì quyết tâm phòng chống Sốt xuất huyết và có những hành động thiết thực thì sẽ kìm hãm được sự gia tăng ca bệnh và hạn chế phạm vi xuất hiện bệnh tại Thành phố.
Các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát thành dịch trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Zing |
Về bệnh Tay chân miệng, BS. Hồng Nga cũng cảnh báo tăng nhanh sau nới lỏng các biện pháp hạn chế COVID-19.
Phân tích tương tự đối với bệnh Tay chân miệng, trong tuần cuối tháng 6, số phường xã có ca tay chân miệng là 72 thì sang tuần đầu của tháng 7 con số này là 97, tăng 25 phường xã. Số bệnh nhân trung bình là khoảng 1,5 trường hợp ở mỗi phường xã trong tuần đầu tháng 7.
Theo diến tiến hàng năm, bệnh tay chân miệng tăng nhẹ vào khoảng tháng 4 và tăng mạnh hơn trong tháng 8, tháng 9. Năm 2020, do đại dịch COVID - 19 trên toàn cầu, các biện pháp hạn chế thậm chí ngăn chặn quyết liệt được đẩy mạnh, thông điệp rửa tay cùng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc đối với nhóm bệnh lây truyền trực tiếp như COVID-19, tay chân miệng, sởi, cúm,… đã góp phần làm giảm bệnh Tay chân miệng trong tháng 3 năm nay.
Khi bước sang trạng thái bình thường mới, các trường học cùng nhiều hoạt động vui chơi giải trí mở cửa trở lại, nguy cơ gia tăng bệnh Tay chân miệng là điều được dự báo trong những tuần sắp tới.
Tuy nhiên, nếu cộng đồng vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp dự phòng không dùng thuốc, đặc biệt là “rửa tay thường xuyên bằng xà phòng” thì chúng ta vẫn có thể kiểm soát được bệnh, không để lây lan thành dịch.
Trước tình hình dịch bệnh đang vào mùa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) khuyến cáo, người dân chủ động phòng bệnh bằng cách triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân thường xuyên. Diệt muỗi, diệt lăng quăng trong nhà ở và môi trường xung quanh, tiêm ngừa vắc xin đầy đủ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp