Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Sài Gòn cho phép giữ xe cao giá?

Dân sinh

21/03/2017 07:41

Giá giữ xe ở Sài Gòn được quy định ra sao? Câu chuyện một người dân phải trả số tiền hơn một triệu đồng cho năm ngày gửi xe tại một trung tâm thương mại nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Song song với việc giải phóng vỉa hè cho người đi bộ, nhiều ý kiến đang bàn luận thêm về vấn đề xã hội hóa xây dựng các bãi giữ xe cao tầng với sức chứa lớn nhằm tạo giải pháp thiết thực trong vấn đề bãi đỗ cho người dân. Nếu xã hội hóa các bãi đỗ xe thì vấn đề thu phí giữ xe nên tiến hành ra sao?

Quy định về giá giữ xe

Quyết định 6888 của UBND TP.HCM về giá dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 quy định rõ về nhóm, khu vực bãi đỗ và mức giá tối đa được áp dụng.

Cụ thể, nhóm 1 là các bãi đỗ tại trường học, bệnh viện thì giá giữ xe là 2.000 đồng/ngày, 3.000 đồng/đêm (đối với xe số dưới 175cm3) và 3.000 đồng/ngày, 4.000đồng/đêm (đối với xe tay ga trên 175cm3).

Nhóm 2 gồm các địa điểm trông giữ tại chợ, siêu thị, chung cư hạng III, IV, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, thời trang, ăn uống… và các trụ sở cơ quan, tổ chức (trừ cơ quan hành chính nhà nước). Mức giá tương ứng áp dụng tại nhóm này là 3.000 đồng/ngày, 4.000 đồng/đêm (đối với xe số dưới 175cm3) và 4.000 đồng/ngày, 5.000 đồng/đêm (đối với xe tay ga trên 175cm3).

Quy định về giá giữ xe đối với các bãi xe có vốn đầu tư ngoài ngân sách hiện nay ra sao?

Còn lại nhóm 3 là bãi đỗ xe tại các chung cư hạng I, II, khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn, vũ trường, rạp hát và các trung tâm thương mại phức hợp. Mức giá được áp dụng tối đa ở đây là: 4.000 đồng/ngày, 5.000 đồng/đêm (đối với xe số dưới 175cm3) và 5.000 đồng/ngày, 6.000 đồng/đêm (đối với xe tay ga trên 175cm3).

Đối với ô tô dưới 10 chỗ, giá giữ xe tối đa tại các khu vực quận 1,3,5 vào ban ngày là 20.000 đồng, tại các quận huyện còn lại là 15.000 đồng. Mức giá này áp dụng với ô tô trên 10 chỗ là 25.000 đồng và 20.000 đồng. Vào ban đêm, giá giữ xe được tăng tối đa gấp đôi so với ban ngày, áp dụng cho tất cả các khu vực và các loại xe ô tô.

Mức giá trên không áp dụng đối với các dự án đầu tư kinh doanh dịch vụ chuyên về trông giữ xe được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Mức giá tối đa tại các địa điểm này áp dụng đối với từng dự án cụ thể và do UBND TP quyết định.

Bên cạnh đó, theo luật sư (LS) Hồ Nguyên Lễ hiện nay trên địa bàn thành phố đối với các cơ quan hành chính nhà nước khi người dân đến làm việc thì không thu phí giữ xe vì đã được UBND TP.HCM chỉ đạo tại Công văn số 4655/UBND-TM.

Ngoài ra, đối với các nơi có dịch vụ gửi xe do nhà nước quản lý như công viên, bệnh viện, trường học... thì phải áp dụng giá dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Những điểm giữ xe còn lại do tư nhân, tổ chức đấu thầu quản lý thì do chính quyền địa phương quy định giá cả.

Tại một số trung tâm mua sắm ở TP.HCM, khi khách hàng sử dụng dịch vụ tại nhà hàng, quán ăn, rạp chiếu phim,… sẽ được nhân viên ở đây đóng dấu vào phiếu giữ xe để được giảm giá tiền giữ xe (tùy vào loại dịch vụ mà khách hàng sử dụng và hỗ trợ của từng đơn vị kinh doanh tại trung tâm).

Khuyến khích người dân xây dựng bãi xe xã hội hóa thế nào?

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc đỗ xe cũng cần có những ưu tiên, sắp xếp phù hợp theo đối tượng. Toàn thành phố gần 10 triệu dân nhưng chỉ có vài bãi đỗ xe cao tầng, theo ông Sơn là quá ít ỏi nếu so với con số vài trăm của các thành phố khác với dân số tương đương.

Ông Sơn cho rằng phải tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng, kết hợp các bãi xe ở khu ngoại vi một cách thuận tiện để người dân không cần đi xe cá nhân vào trung tâm nữa.

Đối với những bãi xe hiện hữu trong thành phố, ưu tiên số một vẫn là dành cho xe máy vì đó là phương tiện đi lại chính của người dân, trong khi còn chưa tạo lập được hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Những diện tích còn dư mới dành cho ô tô.

Ông Sơn nhìn nhận mhững khu đất trong hẻm tại các quận trung tâm có thể sử dụng để xây bãi xe cao tầng với vốn xã hội hóa. Người đầu tư lấy được thu nhập ít nhất là bằng lãi ngân hàng định kỳ 1 năm, sau khi đã trừ các chi phí quản lý và thuế. Điều này sẽ giải quyết được bài toán bãi xe trong trung tâm.

“Để khuyến khích người dân tham gia đầu tư, xây dựng bãi giữ xe, cần cân nhắc việc cho phép giá giữ xe hơi cơ bản nhân với một hệ số tỉ lệ thuận với giá trị đất tại khu vực bãi đỗ, xem dự án xã hội hóa xây dựng nhà xe cao tầng với các chỗ đỗ xe hơi, giống như một dự án địa ốc xây dựng chung cư với các căn hộ, để đảm bảo việc đầu tư bãi xe cao tầng cũng đem lại hiệu quả đầu tư hợp lý.

Chẳng hạn khu vực trung tâm, giá đất đắt đỏ thì giá giữ xe cũng phải cao tương xứng để người dân mạnh dạn đầu tư vốn làm bãi giữ xe. Xã hội hóa để xem việc bãi đỗ xe là một khoản đầu tư, có thể cho phép nhà đầu tư bán quyền sở hữu chỗ đỗ xe trong nhà xe cao tầng cho các nhà đầu tư thứ cấp như bán các căn hộ, có thể sang nhượng và thế chấp,” ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết tại Mỹ và Canada, nhiều người xem những chỗ đỗ xe là tài sản để đầu tư lâu dài. Mặt khác, ông Sơn cho rằng phải có quy định rõ ràng về việc các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chung cư… phải đảm bảo diện tích dành cho xe hơi.

Người bị thu sai, đừng im lặng để tiếp tay

Theo LS Hồ Nguyên Lễ, ngoài vấn đề về quản lý và chưa xử phạt vi phạm kịp thời thì sự im lặng, không phản ứng của người gửi xe cũng phần nào tiếp tay cho các chủ bãi tự ý nâng phí.

Ngoài ra, chế tài xử phát quá nhẹ cũng dẫn đến việc chủ bãi xe sai phạm.

“Theo ý cá nhân tôi, việc dẫn đến sai phạm tràn lan là vì chế tài xử phạt quá nhẹ. Chủ bãi xe chấp thuận nộp phạt. Bởi sau chỉ vài ngày thu phí cao hơn quy định, họ có thể bù lại số tiền nộp phạt”, LS Hồ Nguyên Lễ nói.

Tại văn bản 11/VBHN-BTC ngày ngày 20/7/2016 của Bộ Tài chính qui định phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi trong trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm.

Ngoài ra còn có hình thức xử phạt đối với hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhưng thủ tục cũng rất phức tạp để xử lý.

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement