03/08/2017 04:13
Sacomreal nợ hàng loạt ngân hàng hơn 5.300 tỷ đồng
Trong quý II, lượng tiền mặt của Sacomreal giảm từ hơn 354 tỉ đồng xuống còn gần 58 tỉ đồng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn tăng lên 4.270 tỉ đồng và nợ dài hạn là 1.066 tỉ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 3.262 tỉ đồng.
Ngày 2/8, Sacomreal đã công bố báo cáo tài chính quý II năm 2017. Theo đó, dù không phát sinh dự án mới nhưng lượng tiền mặt của Sacomreal giảm xuống đáng kể và tiền nợ lại tăng rất nhanh.
Cụ thể, hồi đầu năm Sacomreal có hơn 354 tỉ đồng tiền mặt thì hiện tại chỉ còn gần 58 tỉ đồng. Ở mụctiền và các khoản tương đương tiền cũng giảm hơn 50%. Tính đến hết ngày 30/6, Sacomreal có gần 202 tỉ đồng và các khoản tương đương tiền, còn hồi đầu năm là gần 451 tỉ đồng.
Hàng tồn kho của Sacomreal cũng tăng từ 3.606 tỉ đồng lên gần 3.800 tỉ đồng. Điều đáng nói, từ đầu năm tới nay Sacomreal không triển khai dự án nào mới mà chỉ bán hàng của những công trình cũ như: Jamona City, Jamona Golden Silk, Charmingtin La Pointe, Carillon 5… Hơn nữa, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước lại giảm từ gần 59 tỉ đồng hồi đầu năm xuống còn 31 tỉ đồng trong quý II.
Trong quý II, doanh thu Sacomreal đạt 274 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 58,2 tỉ đồng và tăng khoảng 18 tỉ đồng so với quý II năm 2016. Lũy kế sáu tháng đầu năm, Sacomreal đạt doanh thu gần 550 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế là 74,6 tỉ đồng. Nguồn thu từ hoạt động tài chính đạt gần 35 tỉ đồng nhưng chủ yếu nhờ nhận hơn 11 tỉ đồng tiền lãi từ các khoản đầu tư khác và tăng khoản thu lãi tiền gửi.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017, Sacomreal đặt mục tiêu tăng tổng tài sản đạt 7.500 tỉ đồng. Doanh thu thuần đạt 2.514 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 260 tỉ đồng. Tỉ lệ chia cổ tức từ 7-10%. Như vậy, đã nửa năm trôi qua Sacomreal chỉ mới đạt hơn 1/5 doanh thu và hơn 1/4 chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Nhìn vào hoạt động sáu tháng đầu năm, nợ phải trả của Sacomreal tăng hơn 1.100 tỉ đồng, từ mức 4.236 tỉ đồng lên 5.336 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng từ 3.533 tỉ đồng lên 4.270 tỉ đồng. Nợ dài hạn của Sacomreal cũng tăng từ 702 tỉ đồng hồi đầu năm lên 1.066 tỉ đồng trong quý II.
Các khoản nợ của Sacomreal nằm rải rác ở nhiều ngân hàng, có thời hạn vay từ 1-5 năm. Cụ thể, Sacomreal nợ Ngân hàng Phương Đông-Sở giao dịch hơn 142 tỉ đồng, Ngân hàng Á Châu chi nhánh Lê Văn Sĩ khoảng 60 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện 50 tỉ đồng, Vietnam Debt Fund SPC 200 tỉ đồng, ngân hàng Á Châu 161 tỉ đồng, VIB chi nhánh TP.HCM 200 tỉ đồng, ngân hàng Tiên Phong 194 tỉ đồng…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có hai tiêu chí để đánh giá tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp là hàng tồn kho và nợ phải trả.
“Khi hàng tồn kho và nợ phải trả tăng cao, có nghĩa doanh nghiệp sẽ không bán được hàng. Khi thị trường tốt thì hai chỉ số này giảm xuống và ngược lại”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng cho rằng, khi nợ phải trả quá lớn so với khả năng thanh toán sẽ dẫn đếnvỡ nợ. Tổng dư nợ của một doanh nghiệp mà gấp ba lần vốn chủ sở hữu thì việc vỡ nợ càng hiện hữu.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp