10/10/2017 05:15
Sacombank muốn đổi mã chứng khoán từ STB qua SCM và chuyển niêm yết qua sàn Hà Nội
Sacombank sẽ xin ý kiến cổ đông về việc đổi mã chứng khoán niêm yết từ STB qua SCM. Đồng thời, hủy niêm yết trên sàn HOSE để chuyển qua sàn HNX.
Sacombank vừa công bố thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để đổi mã chứng khoán và chuyển sàn giao dịch. Theo đó, Sacombank sẽ đổi mã chứng khoán niêm yết từ STB sang SCM và hủy niêm yết trên sàn HOSE để chuyển qua sàn HNX.
Các bước thực hiện sẽ là hủy đăng ký chứng khoán STB tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và hủy đăng ký niêm yết STB tại HOSE. Sau đó, Sacombank đăng ký mã chứng khoán SCM tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam rồi niêm yết SCM trên HNX.
Mã chứng khoán STB đã có 11 năm tuổi. Năm 1996, Sacombank là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng với giá 200.000 đồng/cổ phiếu. Vào năm 2006, Sacombank là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán. Năm 2012, STB đứng đầu trong danh sách 30 cổ phiếu thuộc bộ chỉ số VN30 và được đánh giá là ngân hàng tốt nhất trong nhóm cổ phần tư nhân với lợi nhuận trên dưới 3.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, thời huy hoàng của Sacombank không duy trì được lâu khi Sacombank và Southernbanksápnhập vào ngày 1/10/2015.
Sau sáp nhập, Sacombank thuộc tốp 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỉ đồng, mạng lưới hoạt động 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia. Tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người.
Tuy nhiên, cái mất lớn hơn của Sacombank là nợ xấu mà Southernbank mang theo. Tính đến ngày 30/6, Sacombank có gần 60.000 tỉ đồng nợ xấu. Trong số nợ xấu này, có những khoản vay liên quan đến bất động sản rất khó xử lý.
Vào cuối năm 2016, nợ xấu tại Sacombank được thể hiện trên báo cáo tài chính là 13.745 tỉ đồng, chiếm 6,9% tổng dư nợ. Nếu cộng cả số dư nợ xấu đã bán cho VAMC, tổng giá trị nợ xấu của Sacombank là 59.426 tỉ đồng, chiếm 29,9% tổng dư nợ.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2017, ông Dương Công Minh đã bước vào Hội đồng quản trị ngân hàng Sacombank rồi trở thành Chủ tịch ngân hàng này.
Làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, ông Minh đã đưa ra bốn giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Thứ nhất là cấu trúc lại quản trị ngân hàng và hệ thống nhân sự quản trị. Thứ hai là thúc đẩy kinh doanh. Thứ ba là tập trung xử lý nợ xấu. Thứ tư là tiết giảm chi phí để gia tăng lợi nhuận.
Trong năm nay, dù mục tiêu ngân hàng đề ra lợi nhuận chưa đến 600 tỉ đồng nhưng ông Minh tự tin có thể đưa Sacombank cán mốc hơn 1.000 tỉ đồng. Kết thúc 9 tháng đầu năm, Sacombank công bố đã xử lý được khoảng 2.000 tỉ đồng nợ xấu và lợi nhuận trước thuế khoảng 900 tỉ đồng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp