11/10/2017 02:24
Sacombank chuyển niêm yết từ HOSE qua HNX: Chuyện lạ bất ngờ!
Các công ty niêm yết thường 'chuyển nhà' từ HNX về HOSE chứ ít ai làm ngược đời như Sacombank. Động thái này đã khiến cho giới chuyên môn lẫn cổ đông bất ngờ và đặt ra nhiều câu hỏi.
Ai chi phối Sacombank?
Chiều 10/10, Hội đồng quản trị Sacombank đã ban hành Nghị quyết số 200 về việc bổ sung thêm vấn đề thay đổi mã chứng khoán vào nội dung lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Theo đó, Sacombank đã thống nhất trình đại hội đồng cổ đông thông qua mã chứng khoán của Sacombank sau thay đổi là SCM. Còn hiện tại, mã chứng khoán của Sacombank là STB.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã có văn bản 1109, thông báo về ngày đăng ký cuối cùng của mã chứng khoán STB với lý do lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông.
Theo văn bản này, ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 17/10 và ngày đăng ký cuối cùng là 18/10. Sacombank sẽ lấy ý kiến cổ đông trong khoảng thời gian từ ngày 23/10 – 22/11. Tỷ lệ thực hiện là một cổ phiếu phổ thông tương đương với một quyền biểu quyết. Như vậy, ai nắm giữ lượng lớn cổ phiếu của Sacombank sẽ có quyền chi phối.
Nội dung lấy ý của Sacombank 5 vấn đề là thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ Sacombank. Thông qua việc trích thưởng phần vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 cho tập thể cán bộ nhân viên Sacombank. Thông qua quy chế quản trị và điều hành Sacombank. Thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát Sacombank. Thông qua dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Vậy, những ai đang nắm giữ cổ phiếu Sacombank. Theo báo cáo tài chính của Sacombank thì có 7 đơn vị đang chi phối Sacombank. Cụ thể, Eximbank đang giữ 8,76%, ông Trần Trọng Ngân (con ông Trầm Bê) đang sởhữu 4,73%, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Exim 3,49%, ông Dương Công Minh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank) 3,15%, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Á Châu 2,09%, quỹ Market Vectors Vietnam ETF 2,05% và cổ đông khác là 75,73%.
Trong các cổ đông khác sở hữu 75,73% cổ phiếu Sacombank thì Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu trên 51% cổ phần và nắm quyền chi phối Sacombank. Như vậy, việc Sacombank có được chuyển sàn và thay đổi mã cổ phiếu hay không, sẽ phụ thuộc rất lớn vào quyết định của VAMC.
Bất thường?
Trên HOSE, Sacombank đang niêm yết 1.885.215.716 cổ phiếu với vốn hóa thị trường đạt hơn 22.455 tỉ đồng. Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc Sacombank muốn xin ý kiến cổ đông để chuyển cổ phiếu từ STB thành SCM và “chuyển nhà” từ HOSE ra HNX sẽ tạo ra những tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong các phiên giao dịch tới.
“Với gần 1,9 tỉ cổ phiếu đang niêm yết, STB hiện đang là mã chứng khoán có quy mô niêm yết lớn nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần và là một trong nhóm chứng khoán có ảnh hưởng lớn nhất trên HoSE”, ông Hoàng nói.
Chuyên gia này cho rằng, thông thường một doanh nghiệp trong nước khi phát triển đến một quy mô nhất định, họ thường có xu hướng chuyển niêm yết từ HNX sang HoSE. Chuyện chuyển từ HoSE sang HNX là điều gì đó rất khácthường. Hơn nữa, Sacombank lại có hội sở tại TP.HCM.
Còn chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nhận định, việc Sacombank đổi mã cổ phiếu và chuyển sàn niêm yết thì đó là quyết định của Hội đồng quản trị và ban điều hành của ngân hàng này. Động cơ thực sự của việc này là gì, người ngoài sẽ rất khó phỏng đoán.
Hiện tại, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt đề án hợp nhất HOSE và HNX. Dự kiến, lộ trình hợp nhất hai Sở Giao dịch chứng khoán được triển khai trong hai giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 2017-2019 và giai đoạn hai từ năm 2020.
“Tuy nhiên, đứng trên góc độ của cổ đông, nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức thì Sacombank là ngân hàng lớn. Sacombank niêm yết trên HOSE sẽ thích hợp hơn. Bởi HOSE được coi là chuẩn cao hơn HNX”, ông Hiển nói.
Ông Hiển cho biết thêm, niêm yết trên HOSE thì cổ phiếu của các công ty đại chúng sẽ có tính thanh khoản cao hơn. Trên thế giới, những công ty đã niêm yết và đạt chuẩn trên sàn lớn thì họ không bao giờ chuyển qua niêm yết ở sàn nhỏ hơn, trừ khi người ta không đạt.
Chẳng hạn, sàn chứng khoán New York có 225 năm tuổi là sàn chuẩn lớn nhất của thế giới. Công ty nào mà được niêm yết trên đó thì tính thương hiêu sẽ được quảng bá, tính thanh khoản và sự quan tâm của nhà đầu tư rất lớn. Ngoài ra, huy động vốn cũng dễ hơn.
“Hội đồng quản trị mới muốn tạo ra hình ảnh mới khi đổi mã cổ phiếu, chuyển sàn niêm yết. Tuy nhiên những thứ đó trong giai đoạn này mang tính nhạy cảm, giống như có gì đó phủ nhận những thành tựu mà Sacombank đã đạt được.
Tôi phải khẳng định một lần nữa, bản thân Sacombank là một ngân hàng tốt. Chuyện thua lỗ, nợ xấu chẳng qua là sai lầm của lãnh đạo Sacombank chứ không phải là hình ảnh của ngân hàng. Anh chưa tạo ra giá trị mới mà đã muốn khẳng định mình bằng cách chuyển sàn, đổi mã cổ phiếu thì nó có tính hình thức hơn là nội dung.”, ông Hiển khẳng định.
Chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, điều kiện niêm yết của của HNX thấp hơn HOSE. Việc chuyển niêm yết là do yêu cầu hoạt động của mỗi doanh nghiệp.
Muốn đổi mã cổ phiếu và chuyển sàn, Saocmbank phải thực hiện các bước như hủy đăng ký chứng khoán STB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), hủy đăng ký niêm yết chứng khoán STB trên HOSE, đăng ký chứng khoán SCM tại VSD, đăng ký niêm yết chứng khoán SCM trên HNX.
Ngay trong phiên giao dịch sáng 11/10, việc Sacombank (mã STB) bất ngờ lấy ý kiến cổ đông chuyển sàn niêm yết và đổi mã chứng khoán khiến cổ đông ngân hàng hết sức hoang mang và đẩy mạnh bán ra.
Theo một chuyên gia chứng khoán, thông thường các quỹ đầu tư ngoại, đặc biệt là các quỹ ETF, chỉ chọn những cổ phiếu đang niêm yết trên HOSE vào rổ chỉ số. Thế nên nếu chuyển sàn, các quỹ đầu tư ngoại buộc phản bán hết số cổ phiếu STB mà họ đang nắm giữ.
Tương tự, nếu rời HOSE, STB sẽ không còn nằm trong danh mục của các quỹ đầu tư chỉ số dựa trên VN30. Do đó cổ phiếu STB bịbán mạnh trong phiên sáng nay không có gì bất ngờ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp