01/02/2023 17:50
Sabeco lãi ròng gần 5.500 tỷ đồng
Kết thúc năm 2022, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) ghi nhận lãi sau thuế gần 5.500 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận doanh thu hơn 10.100 tỷ đồng trong quý 4/2022, tăng mạnh so với ba quý đầu năm, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Chi phí bán hàng của Sabeco tăng mạnh hơn 70% lên 1.612 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí quảng cáo tiếp thị khuyến mãi. Cấn trừ các chi phí, Sabeco lãi sau thuế 1.076 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
Cả năm 2022, Sabeco chi hơn 3.000 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mại, tăng khoảng 870 tỷ so với năm trước đó và gấp đôi năm 2019.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Sabeco đạt 35.235 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2021. Con số này tương đương bình quân hơn 96,5 tỷ đồng mỗi ngày. Lợi nhuận sau thuế gần 5.500 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể từ chủ hãng bia Sài Gòn về tay người Thái cuối năm 2017.
Kết quả này cũng giúp Sabeco tiếp tục bỏ xa một ông lớn ngành bia trong nước khác là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với doanh thu trên 8.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 626 tỷ đồng.
Lý giải mức lợi nhuận ấn tượng năm 2022, SAB cho biết Công ty có nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng, tiếp thị giúp thúc đẩy doanh số cho các nhãn hàng. Đồng thời, Công ty nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào cao hơn, theo VietStockFinance.
Năm 2022, Sabeco đề ra kế hoạch doanh thu thuần ở mức 34.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 4.581 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, công ty đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra trong năm qua.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của SAB là 34.465 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Chiếm chủ yếu là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 19.411 tỷ đồng (tăng 14%); hàng tồn kho hơn 2.193 tỷ đồng (tăng 31%); các khoản phải thu ngắn hạn 897 tỷ đồng (tăng 92%); trong đó trích lập 295 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi.
Bên cạnh đó, Sabeco còn đầu tư 2.622 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị khác, đa số là các công ty bia. Chỉ số tồn kho của Sabeco cuối quý 4/2022 ở mức 2.193 tỷ đồng, tăng 31%. Đồng thời, các khoản phải thu ngắn hạn là 897 tỷ đồng, tăng 92% so với đầu năm.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả hơn 9.874 tỷ đồng, tăng hơn 25%, chiếm phần lớn là nợ phải trả người bán ngắn hạn (hơn 2.766 tỷ đồng); cổ tức phải trả (hơn 2.293 tỷ đồng).
Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu hơn 24.590 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chiếm hơn phân nửa, đạt gần 15.565 tỷ đồng.
Tập đoàn Thái Lan ThaiBev đã mua lại 54% cổ phần của Sabeco với giá 4,8 tỷ USD vào năm 2017. Thapana Sirivadhanabhakdi, Giám đốc điều hành của ThaiBev Group, cho biết: "Sabeco là viên ngọc quý của chúng tôi, một tài sản quý hiếm trong số tất cả các nhà sản xuất bia trong khu vực", theo Zing.
Việt Nam là thị trường tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á, trị giá 26 tỷ USD và đứng thứ ba tại châu Á sau Trung Quốc, Nhật Bản (năm 2021).
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement