21/10/2022 18:21
Sabeco báo lãi kỷ lục trong quý 3
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu thuần đạt 8.635 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ và lãi sau thuế 1.395 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo Sabeco cho biết, nguyên nhân giúp doanh thu và lợi nhuận sau thuế cải thiện và cao hơn năm trước là nhờ cả nước đã thoát khỏi tình trạng đóng cửa và nhu cầu tiêu dùng bia tăng lên.
Cùng kỳ năm trước, một số địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là TP.HCM bị phong tỏa từ cuối tháng tháng 7 đến đầu tháng 10 đã khiến hoạt động bán hàng của Sabeco bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong kỳ, giá vốn bán hàng cũng tăng 89%. Lợi nhuận gộp tăng mạnh 136% lên 2.694 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 26,7% lên 31,2% - biên lợi nhuận gộp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Cùng đà tăng, doanh thu hoạt động tài chính quý này đạt hơn 284 tỷ đồng (tăng 28%); lỗ trong công ty liên kết gần 129 tỷ đồng (gấp 3,5 lần cùng kỳ); chi phí tài chính hơn 13,2 tỷ đồng (gấp gần 5 lần), trong đó chi phí lãi vay đạt gần 10,6 tỷ đồng (giảm 5%).
Các chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý cũng tăng lần lượt 90% và 32%, đạt 1.153 tỷ đồng và hơn 210 tỷ đồng.
Kết quả, Sabeco đem về 1.342 tỷ đồng lợi nhuận ròng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt gần 25.104 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Xét về cơ cấu doanh thu, chiếm phần lớn tỷ trọng là doanh thu bán bia đạt hơn 22.129 tỷ đồng (tăng 42%); thu từ bán nguyên vật liệu hơn 2.700 tỷ đồng (tăng 61%); thu từ bán nước giải khát hơn 123,6 tỷ đồng (tắng 35%)…
Sau 9 tháng, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 4.424 tỷ đồng, tăng 75% và lợi nhuận ròng ở mức 4.181 tỷ đồng, tăng 77%.
Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần ở mức 34.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.581 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 17% so với năm 2021. Như vậy, sau 3/4 năm tài chính, nhà sản xuất bia này đã hoàn thành gần 72% mục tiêu doanh thu và 97% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Theo văn bản giải trình, Sabeco cho biết 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận ròng cải thiện và cao hơn năm trước khi cả nước đã thoát khỏi tình trạng ngừng hoạt động. Nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng cũng như tiếp thị cũng giúp thúc đẩy hoạt động bán hàng cho các nhãn hàng.
Ngoài ra, Công ty nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào cao hơn.
Tại ngày 30/9/2022, Sabeco có tổng tài sản cân đối với nguồn vốn đạt 33.949 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Đáng chú ý, ngoài 2.843 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tổng công ty này đang có tới 20.620 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng 21% so với đầu năm. Đây chính là các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đến dưới 12 tháng mà Sabeco đang gửi tại các ngân hàng để lấy lãi.
Số tiền gửi này hiện chiếm tới 61% tổng tài sản của doanh nghiệp. Với việc lãi suất tiền gửi đang có xu hướng tăng mạnh, khoản tiền gửi hàng chục nghìn tỷ đồng này sẽ mang về cho Sabeco hàng trăm tỷ đồng tiền lãi mỗi năm mà không cần hoạt động kinh doanh nào.
Ngoài số dư hàng chục nghìn tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng kể trên, cơ cấu tài sản của Sabeco còn một số khoản mục như tài sản cố định gần 4.578 tỷ (chiếm 13,5% tổng tài sản); đầu tư tài chính dài hạn 2.178 tỷ (chiếm 6,4%); hàng tồn kho 1.981 tỷ (chiếm 5,8%)…
Nợ phải trả tới cuối kỳ ghi nhận 8,103 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, chi phí phải trả ngắn hạn tăng mạnh đạt 1.061 tỷ đồng (gấp 3 lần đầu năm), chủ yếu tăng do chi phí quảng cáo, khuyến mãi (chiếm 63% tỷ trọng).
Tổng nợ vay là 811 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu đạt 25.846 tỷ đồng, bao gồm 16.802 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement