12/10/2019 09:22
Rơi vãi "đất vàng" ở Tổng công ty Bình Dương
Tổng công ty Bình Dương bán hai khu đất vàng cho doanh nghiệp tư nhân với giá bèo, khiến ngân sách Nhà nước có nguy cơ thất thu.
Năm 2016, Tổng công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương) đã hoàn thành việc chuyển nhượng quyền sử dụng hai lô đất với tổng diện tích hơn 1,88 triệu m2 tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Cụ thể, trong đó hơn 1.450.101 m2 được tính với giá 6 USD/m2 và hơn 430.000 m2 được tính với giá hơn 250 tỷ đồng (tương đương 581 nghìn đồng/m2). Điều này khiến ngân sách Nhà nước có nguy cơ thất thu hàng ngàn tỷ đồng.
Bán đất giá bèo
Tổng công ty Bình Dương có tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3-2 Sông Bé, Tổng công ty Bình Dương được thành lập năm 1982 theo Quyết định của Tỉnh ủy Sông Bé, với chủ trương của Đảng nhằm đóng góp cho ngân sách Đảng bộ địa phương. Sau khi tách tỉnh, Tổng công ty Bình Dương trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương. Như vậy, cho đến trước thời điểm cổ phần hóa năm 2016, Tổng công ty Bình Dương doanh nghiệp Nhà nước nắm 100% vốn.
Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị Bình Dương tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. |
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và phát triển Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị Bình Dương tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đến ngày 29/4/2004, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 3393/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu liên hợp này.
Vào năm 2005, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận cho Tổng công ty Bình Dương đầu tư dự án. Căn cứ Hợp đồng đền bù giải phóng mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực tại Khu liên hợp Bình Dương số 06/HĐ ngày 24/11/2004 và Phụ lục hợp đồng số 01 ngày 12/4/2005, Tổng công ty Bình Dương đã tiền hành đền bù cho Ban quản lý Khu liên hợp Bình Dương hơn 414 tỷ đồng, với tổng diện tích hơn 567,3 ha đất.
Sau khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng Tổng công ty Bình Dương đã được UBND tỉnh Bình Dương giao đất làm nhiều lần. Cụ thể, ngày 8/10/2010 UBND tỉnh Bình Dương có quyết định số 3029/QĐ-UBND giao hơn 1.640.637 m2. Ngày 28/9/2012, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 2613/QĐ-UBND giao hơn 430.000 m2. Ngày 7/1/2013 UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 48/QĐ-UBND giao hơn 1.450.101 m2. Ngày 29/3/2013 UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 755/QĐ-UBND giao hơn 1.875.535 m2. Ngày 15/11/2013 UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 890/QĐ-UBND giao hơn 13.417 m2.
Thế nhưng, tại Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty Bình Dương năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016, Tổng công ty ghi nhận doanh thu chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị Bình Dương cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tân Thành và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú với tổng giá trị là hơn 525,6 tỷ đồng.
Cụ thể, trong nội dung thuyết minh số 36 của báo cáo tài chính hợp nhất 2016 Tổng công ty Bình Dương đã chuyển nhượng thành công quyền sử dụng đất 1.450.101m2 đất cho Công ty Tân Thành.
Theo đó, năm 2007 Tổng công ty Bình Dương liên doanh với bên nước ngoài là K Source và International Construction để thành lập Công ty Tân Thành với mục đích đầu tư và khai thác dự án “Câu lạc bộ sân golf và Khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp” tại khu đất thuộc Khu liên hợp Bình Dương.
Do khó khăn về tài chính, năm 2011 hai đối tác Hàn Quốc đã chuyển nhượng lại phần vốn góp cho Công ty TNHH Phát triển và Công ty Cổ phần Hưng Vượng. Hai đơn vị nhận chuyển nhượng sẽ kế thừa các nghĩa vụ pháp lý trong điều khoản của hợp đồng liên doanh đã ký.
Các bên thống nhất định giá với tổng giá trị khu đất 24 triệu USD, trong đó 9 triệu USD là giá trị góp bằng quyền sử dụng đất, còn 15 triệu USD là giá trị còn lại khu đất sẽ được Công ty Tân Thành hoàn trả Tổng công ty Bình Dương cho các chi phí đã chi đối với khu đất, ngoại trừ chi phí đất.
Phối cảnh dự án Khu đô thị Tân Phú rộng 43ha mà Tổng công ty Bình Dương cũng đã chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú. |
Ngay sau đó, Tổng công ty Bình Dương và Công ty Tân Thành đã ký Biên bản thỏa thuận thống nhất, tổng khu đất của Tổng công ty Bình Dương bàn giao là hơn 1.450.101m2, mỗi m2 của khu đất sẽ có giá là 16 USD. Trong đó, 6 USD là giá trị quyền sử dụng đất, 10 USD còn lại là giá trị hạ tầng Tổng công ty đã đầu tư trên khu đất.
Theo đó, tổng giá trị quyền sử dụng đất của khu đất là hơn 8,7 triệu USD tương đương hơn 139,2 tỷ đồng sẽ được công ty góp vốn vào Công ty Tân Thành, phần giá trị còn lại thiếu so với cam kết sẽ được Tổng công ty Bình Dương góp bằng tiền mặt.
Giá trị đã đầu tư trên khu đất là hơn 14,5 triệu USD tương đương hơn 275,5 tỷ đồng được cấn trừ với khoản Công ty Tân Thành đã ứng trước cho Tổng công ty Bình Dương. Cũng trong năm 2016, Tổng công ty Bình Dương đã xuất hóa đơn phần giá trị hạ tầng cho Công ty Tân Thành, doanh thu và giá vốn có liên quan được ghi trên kết quả kinh doanh của năm 2016.
Tương tự, Tổng công ty Bình Dương cũng đã chuyển nhượng khu đất với tổng diện tích 430.000,3 m2 tại Khu liên hợp Bình Dương, phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho Công ty Tân Phú. Theo Hợp đồng chuyển nhượng giữa Tổng công ty Bình Dương và Công ty Tân Phú, ký ngày 8/12/2016, tổng giá trị chuyển nhượng là hơn 250,1 tỷ đồng (khoảng hơn 581 nghìn đồng/m2 đất).
Ngày 12/12/2016, Tổng công ty Bình Dương đã lập biên bản bàn giao cọc mốc, ranh địa chính cho Công ty Tân Phú, doanh thu và giá vốn có liên quan đến việc chuyển nhượng được ghi nhận trên kết quả kinh doanh của năm 2016 của Tổng công ty Bình Dương.
Thất thoát tài sản?
Trước đó, vào ngày 1/7/2010, Tổng công ty Bình Dương và Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc đã ký Hợp đồng thỏa thuận liên doanh để lập nên Công ty Tân Phú. Tỷ lệ vốn góp trong liên doanh, Công ty Âu Lạc 70% và Tổng công ty Bình Dương 30% để thực hiện đầu tư kinh doanh trên khu đất rộng hơn 430.000m2 với tên gọi Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Tân Phú.
Theo thỏa thuận, hai bên thống nhất hoàn trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng của khu đất cho Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương (tiền thân của Tổng công ty Bình Dương) là 570.000 đồng/m2, chưa bao gồm thuế.
Tiến độ thanh toán đền bù cho bên A (Tổng công ty Bình Dương) là sau khi doanh nghiệp được thành lập, và các bên góp vốn, doanh nghiệp thanh toán tiền đền bù cho bên A dứt điểm trong tháng 3/2011. Như vậy, có thể hiểu được rằng giá trị quyền sử dụng đất không nằm trong thỏa thuận này và chỉ là hai đơn vị góp vốn thành lập Công ty Tân Phú chỉ để đầu tư kinh doanh trên diện tích 430.000 m2 đất thuộc tài sản của Tổng công ty Bình Dương.
Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức hội nghị thông tin về khu đất 43ha được Tổng công ty Bình Dương bán cho Công ty Tân Phú, còn khu đất hơn 1.450.101m2 mà Tổng công ty Bình Dương bán cho Công ty Tân Thành chưa được nhắc đến. |
Đến ngày 28/9/2012 UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 2631/QĐUBND giao 430.000,3m2 đất cho Tổng công ty Bình Dương và ngày 29/11/2012 UBND tỉnh Bình Dương đã có phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị Tân Phú. Theo đó, diện tích đất ở là 198.171m2 (chiếm 49,04% đất nằm trong cơ cấu sử dụng đất), đất hỗn hợp (dịch vụ thương mại, căn hộ) là 14.609m2 (chiếm 3,62%).
Tuy vậy, ngày 30/11/2016 Hội đồng thành viên Tổng công ty Bình Dương đã họp “Về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích 430.000m2 tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương” với giá hơn 250,1 tỷ đồng, (tương đương với hơn 581 nghìn đồng/m2).
Ở đây, Tổng công ty Bình Dương đã tự định giá bán hơn 430.000 m2 đất cho Công ty Tân Phú mà không qua bất kỳ định giá hay tổ chức đấu giá nào. Đồng thời, ngày 8/12/2016 Tổng công ty Bình Dương đã ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng lô đất 430.000 m2 cho Công ty Tân Phú với giá là 250 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương ban hành quy định bảng giá các loại đất áp dụng cho năm 2016 trên địa bàn thì bảng giá đất ở đô thị khu vực TP. Thủ Dầu Một (gồm các phường Chánh Mỹ, Chánh Nghĩa, Định Hòa, Hiệp An, Hiệp Thành, Hòa Phú, Phú Cường, Phú Hòa, Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Lợi, Phú Thọ, Tân An, Tương Bình Hiệp) mức giá chuẩn tại vị trí 1 là 24,570 triệu đồng/m2.
Nếu tính chi tiết, theo Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương thì bảng giá đất ở đô thị tại dự án Khu đô thị Tân Phú, mức giá chuẩn tại vị trí 1 là 24,57 triệu đồng/m2; vị trí 2 là 7,7 triệu đồng/m2; vị trí 3 là 5,64 triệu đồng/m2.
Theo quy hoạch 1/500 Khu đô thị Tân Phú thì vị trí 1 của dự án sẽ chiếm 100.000m2 đất ở và nếu được áp dụng giá tại quy định của UBND tỉnh Bình Dương thì giá trị của nó đã là khoảng 2.457 tỷ đồng. Với diện tích đất ở còn lại được nhân với giá trung bình của vị trí 2 và 3 là 6,67 triệu đồng/m2 thì giá trị khoảng 667 tỷ đồng.
Như vậy, tổng hai con số trên thì tại Khu đô thị Tân Phú sẽ là khoảng 3.124 tỷ đồng, gấp gần 12,5 lần so với giá Tổng công ty Bình Dương đã bán cho Công ty Tân Phú. Trong khi đó, bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương được áp dụng cho 43ha thì giá trị sẽ khoảng 6.200 tỷ đồng.
Có thể thấy rõ, nếu áp dụng bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương cho diện tích đất ở theo quy hoạch 1/500 đã được duyệt thì vào thời điểm cuối 2016 thì ít nhất đã có khoảng 2.874 tỷ đồng bị thất thoát và nếu áp dụng cho cả 43ha thì con số có thất thoát có thể lên đến 5.950 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trước đó, vào ngày 29/7/2016 Tỉnh ủy Bình Dương đã có văn bản số 407-CV/TU về việc phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của Tổng công ty Bình Dương thì đây là khu đất nằm trong danh mục chuyển giao từ Tổng công ty Bình Dương sang Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương.
Ở đây, có thể thấy được rằng khu đất hơn 430.000m2 này không nằm trong danh sách tài sản thành lý trước khi cổ phần hóa hay quản lý của Tổng công ty Bình Dương. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng công ty Bình Dương đã tự động ký hợp đồng bán chui hơn 430.000m2 thuộc diện tài sản của doanh nghiệp Nhà nước.
Ai được hưởng lợi từ việc hàng triệu m2 đất công của Tổng công ty Bình Dương về tay tư nhân? |
Còn với dự án “Câu lạc bộ sân golf và Khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp” tại khu đất thuộc Khu liên hợp Bình Dương mà Tổng công ty Bình Dương liên doanh với Công ty Tân Thành cũng có nguy cơ thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của Tổng công ty Bình Dương thì lắm giữ 30% vốn đầu tư tại Công ty Tân Thành, với số tiền hơn 196,3 tỷ đồng (tương đương giá trị công ty khoảng 650 tỷ đồng). Nhưng sau khi được chính thức nhận quyền sử dụng đất thì giá trị Công ty Tân Thành lại tăng một cách đốt biến.
Cụ thể, tại Văn bản giải trình số 76/TCTY-TGĐ về ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo tài chính riêng cho kỳ kế toán từ ngày 1/11/2018 đến ngày 31/12/2018 của Tổng công ty Bình Dương cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thì giá trị của Công ty Tân Thành là hơn 5.744,5 tỷ đồng (tăng khoảng 5.094 tỷ đồng) và Tổng công ty Bình Dương đã phải mua thêm 19% cổ phần của Công ty Tân Thành với giá là… hơn 964,3 tỷ đồng.
Thực tế, hoạt động kinh doanh của Công ty Tân Thành trong ba năm liên tiếp (2016, 2017, 2018) đều đạt ở mức thấp với lợi nhuận sau thuế đều rất khiêm tốn. Cụ thể, năm 2016 lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là hơn 24,1 triệu đồng và đây cũng là mức lợi nhuận của năm 2017. Năm 2018 lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là… hơn 23,1 tỷ đồng.
Một vấn đề đặt ra, ai là người được hưởng lợi lên đến hàng nghìn tỷ đồng và vì sao lại có chuyện dễ dàng thực hiện chuyển quyền sử dụng dụng đất tại Công ty Tân Thành?
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp