20/11/2017 10:22
Rối loạn tâm lý do đái tháo đường
Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, nghĩa là người bệnh phải theo dõi và kiểm soát tình trạng bệnh gần như suốt đời, chứ không thể chữa trị khỏi hẳn.
Con hôn mê, mẹ không ngờ là do tiểu đường
Mới đây, chị N.T.A.L (ngụ Gò Vấp, TP.HCM) bàng hoàng khi nghe bác sĩ kết luận cậu con trai 6 tuổi của mình mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Xưa nay, trong hình dung của chị và nhiều người trong gia đình, bệnh tiểu đường chỉ có ở người lớn, chứ con nít thì miễn nhiễm. Ấy vậy mà cậu con trai vốn rất kháu khỉnh và khỏe mạnh của chị lại bị “dính chưởng”.
Theo lời chị L., chuyện đau lòng này được phát hiện vào một ngày con đòi ăn chè, chị liền mua cho con. Cu cậu ăn xong, chừng 1 tiếng đồng hồ sau thì than mệt. Nghĩ bụng con ăn chè không tiêu nên chị cho uống gói men tiêu hóa. Tuy nhiên, tình hình không cải thiện. Con chị tiếp tục than mệt và nói mắt nhìn không rõ, người lừ đừ. Phát hoảng, chị đưa con vào bệnh viện. Đến nơi thì con hôn mê. Bác sĩ kiểm tra và thấy lượng đường trong máu tăng quá cao. Chị L. cho biết con là cháu đích tôn nên được gia đình rất nuông chiều. Cháu thích ăn món gì, ông bà đều đáp ứng nên mới 6 tuổi, cháu đã nặng gần 40 kg. Biết con béo phì, nhưng chị vẫn chủ quan nghĩ rằng con lớn chút nữa, sẽ cho con chơi thể thao, thế nào cân nặng cũng giảm. Chị không bao giờ ngờ con mình lại bị tiểu đường.
Cùng tình cảnh với chị L., chị Đ.T.T (34 tuổi, ngụ Bình Chánh) có cậu con trai mới 18 tháng tuổi cũng được chẩn đoán bị tiểu đường, nhưng là tiểu đường tuýp 1. Ôm con ngồi ngoài hành lang chờ đến số để vào khoa Nội tiết khám, chị T. ngao ngán thở dài: “Mới bây lớn mà đã bị tiểu đường”. Chị T. chia sẻ, chừng 2 - 3 tháng trở lại đây, con bỗng dưng bú rất nhiều, uống nước nhiều và cứ 30 phút là đi tiểu một lần. Ban đêm, cháu tè liên tục nên mẹ thay tã phờ người luôn. Loay hoay thay tã xong, con khóc đòi sữa tiếp, cứ vậy mẹ quay như chóng chóng, gần như thức trắng đêm vì con. Mà ngạc nhiên là, con bú nhiều vậy, nhưng cháu lại bị sụt cân, người lúc nào cũng lừ đừ, uể oải. Chị ôm con đi khám và khi thử máu thì bác sĩ kết luận cháu bị tiểu đường tuýp 1.
Bệnh không lây, nhưng nguy hiểm
Nếu như trước đây, đái tháo đường được xem là bệnh chỉ dành cho người già thì nay, bệnh hầu như tấn công mọi đối tượng. Báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết 5 năm trở lại đây, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 40 - 50 bệnh nhân là trẻ em mắc đái tháo đường tuýp 1, cao hơn nhiều so với trước đó (chỉ 5 - 20 bệnh nhân/năm).
Bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em là tình trạng bệnh khiến cơ thể trẻ không còn khả năng sản sinh đủ insulin cần thiết để hấp thu và sử dụng đường làm năng lượng nuôi cơ thể. Hiện các chuyên gia chưa thể xác định rõ được nguyên nhân chính xác của bệnh, nhưng họ nhận thấy ở hầu hết những người bị đái tháo đường tuýp 1, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ nhầm lẫn việc phá hủy các tế bào sản sinh insulin ở tuyến tụy. Các yếu tố di truyền, môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Theo các bác sĩ nội tiết, bất cứ trẻ em nào có cha mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 thì nguy cơ mắc bệnh này rất cao. Trong khi đó, bệnh tiểu đường tuýp 2 thường liên quan đến yếu tố ăn uống, béo phì, tăng huyết áp, ít vận động nên không tiêu hao năng lượng...
Rối loạn tâm lý do đái tháo đường
Đái tháo đường được xem là một trong những “đại dịch” của nhân loại trong thế kỉ 21 và trở thành gánh nặng về kinh tế xã hội với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn người dân chưa nhận thức đúng đắn và có những quan niệm sai lầm về bệnh khiến việc điều trị càng gặp nhiều khó khăn.
Người bệnh sau khi được bác sĩ chẩn đoán đái tháo đường thường có cảm giác rất lo sợ và tâm lý phản kháng. Hoặc nặng hơn, một số người có thể bị rối loạn lo âu và trầm cảm. Tâm lý không ổn định khiến người bệnh có những hành động sai lầm, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng và khó điều trị hơn.
Gặp chị L.T.N (50 tuổi, ngụ Cần Giờ, TP.HCM), trong lúc đi kiểm tra đường huyết định kỳ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chúng tôi được nghe chị chia sẻ câu chuyện của chính mình. Cách đây 5 năm, khi đến đây khám và được bác sĩ chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2, chị rất lo sợ. Sau khi được hàng xóm giới thiệu bài thuốc với lời cam đoan sẽ giúp hết bệnh, chị tin tưởng mua về dùng. Sau 6 tháng tự ý dùng thuốc gia truyền, chị cảm thấy ngày càng mệt mỏi, sụt cân và khát nước nhiều hơn. Khi gia đình đưa chị quay lại bệnh viện khám thì chỉ số đường huyết đã tăng quá cao và được chỉ định nhập viện để ổn định đường huyết.
Trường hợp khác là người bệnh tên N.K.S (37 tuổi, giáo viên tiểu học tại An Giang). Anh đi khám và dùng thuốc rất điều độ. Nhưng do quá ám ảnh bởi căn bệnh này nên anh ăn uống kiêng khem đến mức giảm gần như tối đa đường, tinh bột và chất đạm trong khẩu phần, chỉ dùng rau luộc mỗi ngày. Mặc dù chỉ số đường huyết ổn định, nhưng lúc nào anh cũng thấy mệt mỏi, tâm lý nặng nề. Đôi khi, anh không muốn tiếp xúc với những người xung quanh do mặc cảm về bệnh tật, khiến công việc bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống giảm sút.
Bác sĩ CK1 Trần Minh Triết - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, những rối loạn tâm lý ở người bệnh đái tháo đường rất thường gặp, nhưng thường bị bỏ sót trong thực hành lâm sàng.
Đây là vấn đề rất cần được quan tâm bởi tâm lý của người bệnh là một yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị, nếu không được giải tỏa và tháo gỡ kịp thời sẽ khiến người bệnh hoang mang, tìm đến những phương pháp điều trị không khoa học hoặc bỏ dở liệu trình điều trị giữa chừng.
Điều này khiến tình trạng bệnh nặng hơn, có thể xuất hiện nhiều biến chứng khác hoặc rối loạn lo âu, thậm chí là trầm cảm, khiến việc điều trị khó khăn hơn và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Advertisement
Advertisement