17/09/2019 09:08
Rời chỗ đăng ký thường trú bao lâu thì phải chuyển hộ khẩu?
Trường hợp đã đăng ký thường trú tại một nơi cố định nhưng chuyển chỗ ở đi nơi khác thì trong thời hạn bao lâu phải chuyển hộ khẩu?
Thời hạn đăng ký thay đổi nơi thường trú
Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới, nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú, người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú (theo Điều 23 Luật Cư trú năm 2006 sửa đổi năm 2013).
Chỗ ở hợp pháp bao gồm: Nhà ở; Tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; Nhà khác không thuộc các trường hợp nêu trên nhưng được sử dụng nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
Như vậy, trong thời hạn 01 năm kể từ ngày thay đổi chỗ ở hợp pháp phải làm thủ tục chuyểnhộ khẩu. Quá thời hạn nói trên có thể bị phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng do không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Thủ tục đăng ký thường trú do đổi chỗ ở
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Bản khai nhân khẩu (đối với nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên);
- Giấy chuyển hộ khẩu. Đối với các trường hợp phải cấp Giấy chuyển hộ khẩu:
Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh;
Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã (đối với thành phố trực thuộc Trung ương); tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh (đối với tỉnh).
Bước 3: Nhận sổ hộ khẩu tại trụ sở nơi nộp hồ sơ.
Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp
Theo Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP, giấy tờ, tài liệu chứng chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là một trong các loại sau:
Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);
- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);
- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước;
- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
- Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã);
- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;
- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quanhành chính Nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
- Giấy tờ có xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;
- Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở.
Trường hợp không có giấy đăng ký thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó.
Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở
Văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân (trường hợp văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã).
Đối với nhà ở, nhà khác tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của UBND cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý băng văn bản.
(Nguồn: LuatVietNam)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp