11/09/2020 18:39
Rộ thông tin tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn bán Vinschool và Vinmec, Vingroup nói gì?
Tập đoàn Vingroup bác thông tin tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ bán chuỗi trường học Vinschool và chuỗi bệnh viện Vinmec.
Hãng thông tấn Reuters ngày 11/9 đưa tin, Tập đoàn Vingroup đang xem xét bán cổ phần kiểm soát tại mảng y tế Vinmec và mảng giáo dục Vinschool. Động thái trên sẽ là bước tiếp theo cho việc tập đoàn này loại bỏ các mảng kinh doanh không cốt lõi, và củng cố bảng cân đối tài chính trong bối cảnh lợi nhuận sụt giảm.
Các nguồn tin riêng cho Reuters biết, Vingroup có thể tìm kiếm người mua hệ thống 27 trường tư thục Vinschool và chuỗi 7 bệnh viên tư nhân Vinmec. Cho đến nay, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã không chỉ định bất kỳ cố vấn nào cho việc bán cổ phần, nhưng trong các cuộc đàm phán không chính thức, đã có hai người mua thể hiện sự quan tâm đến hai mảng kinh doanh trên của Vingroup.
Một nguồn tin thứ ba cho biết, Vingroup đã nhận được “sự quan tâm sơ bộ” về thương vụ này. Nếu thành công, việc bán cổ phần tại hai mảng trên sẽ thu về khoảng 1,5 tỷ USD.
Các kế hoạch này được xem là một phần trong động thái của Vingroup nhằm giảm bớt thiệt hại ở một số đơn vị của tập đoàn, đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Hệ thống Vinschool đang có 27 trường tư thục. Ảnh: Vingroup |
Tuy nhiên, chiều nay, 11/9, Tập đoàn Vingroup đã bác thông tin bán Vinschool và Vinmec mà Reuters đưa tin.
“Chúng tôi khẳng định không có kế hoạch bán cổ phần Vinmec và Vinschool. Vinmec và Vinschool có ý nghĩa quan trọng trong hệ sinh thái của Vingroup, và chúng tôi vẫn cam kết phát triển hệ thống này trở nên tốt đẹp, toàn diện hơn. Với Vinmec, chúng tôi vẫn liên tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác uy tín trong và ngoài nước, để phát triển và nâng tầm Vinmec lên tầm đẳng cấp quốc tế.
Với Vinschool, chúng tôi không có kế hoạch mở rộng quốc tế, nên không có kế hoạch hợp tác nào”, đại diện Vingroup khẳng định.
Vingroup ban đầu có hệ sinh thái gần như hoàn chỉnh để phục vụ một người dân Việt Nam, từ khi sinh ra đến lúc lâm bệnh, già yếu.
Bloomberg từng ví von cuộc sống người dân gắn liền với Vingroup như sau: “Một em bé có thể được sinh ra trong một bệnh viện Vinmec, lớn lên ở Vinhome, theo học tại Vinschool và tiếp tục đến VinUniversity.
Một gia đình có thể lái một chiếc xe VinFast trên đường đến một khu nghỉ dưỡng tại Vinpearl. Trong cuộc sống hàng ngày, họ có thể nói chuyện trên điện thoại VinSmart và mua sắm cho các thương hiệu quốc tế tại trung tâm thương mại Vincom”.
Thế nhưng tập đoàn này đã bán chuỗi siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi VinMart cho Tập đoàn Masan vào cuối năm ngoái. Reuters cho rằng, tiềm năng bán cổ phần của Vinschool và Vinmec sẽ tương tự như thế.
Vingroup khẳng định sẽ phát triển và nâng tầm Vinmec lên đẳng cấp quốc tế. Ảnh: Vingroup |
Theo Reuters, việc mở rộng quy mô hoạt động trong những năm qua đã đẩy nợ của Vingroup lên cao, và việc thua lỗ tại một số dự án liên doanh đã siết chặt dòng tiền của Vingroup.
Tập đoàn của ông Vượng có kế hoạch tăng khoản nợ lên tới 1,1 tỷ USD trước cuối năm, để tái cấp vốn cho các khoản nợ hiện có.
S&P Global và Fitch đã cắt giảm triển vọng xếp hạng của họ đối với Vingroup xuống mức tiêu cực so với mức ổn định trong năm ngoái. Lý do được đưa ra là lo ngại về việc tập đoàn này phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị bất động sản giàu tiền mặt Vinhomes, để tài trợ cho các dự án mới của mình.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, Vingroup thu về 38.576 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.354 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hai con số này lần lượt giảm 36,8% và 60,2% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng lãi ròng trong 6 tháng đầu năm nay là khoản lợi nhuận bán niên thấp nhất của Vingroup kể từ năm 2016.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp