05/02/2020 09:57
Rau xanh khan hàng, tăng giá đột biến do đâu?
Sau Tết, giá rau xanh tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ tăng đột biến, còn tại các siêu thị các gian hàng rau trống trơn vì không còn hàng bán.
Ghi nhận từ ngày 29/1, các chợ truyền thống đã bắt đầu hoạt động trở lại, theo đó giá các loại thực phẩm sẽ tăng nhẹ trong những ngày đầu năm. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, giá các loại thực phẩm tăng đột biến, gấp 4-5 lần so với giá thông thường, khiến người tiêu dùng phải lo lắng.
Chia sẻ trên báo Dân Việt, một người dân mua rau tại chợ Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thực phẩm tăng giá nhiều lần so với trước Tết. Rau muống trái vụ trước Tết 10.000 đồng thì giờ tăng lên 20.000 đồng/mớ, 1 cây súp lơ nhỏ trước Tết giá chỉ khoảng 12.000 đồng giờ tăng lên 35.000 đồng.
“Tôi chỉ mua ít rau cải, rau thơm, hành và vài quả cà chua thôi mà cũng đã gần 50.000 đồng. Các loại rau thơm, rau sống trước cả nhà tôi chỉ mua khoảng 15.000 đồng là đủ ăn, giờ mua lên 30.000 đồng ăn vẫn thấy thiếu”, chị Hà nói.
Rau xanh đột ngột tăng giá mạnh khiến người dân lo lắng. |
Theo một tiểu thương bán rau tại chợ Quan Nhân, hiện tượng rau tăng giá không chỉ ở một vài cửa hàng mà xảy ra trên cả thị trường, nếu giảm thì đến hết tháng Giêng mới giảm được.
Người bán cho biết, nguyên nhân khiến rau tăng giá mạnh là do thời tiết khắc nghiệt, xuất hiện mưa đá ngay đúng dịp Tết khiến nhiều vụ rau bị hư hại, nhiều ruộng rau xanh mất trắng nên nguồn hàng vô cùng khan hiếm.
"Chúng tôi lấy hàng cũng không dễ dàng, mỗi loại chỉ lấy được vài bó bán rải rác trong ngày. Vì rau đắt nên khách cũng mua hạn chế hơn, nhiều người hỏi giá xong rồi không mua nữa, hoặc chỉ mua một lượng vừa phải”, bà Tú, tiểu thương tại chợ Quan Nhân cho hay.
Cũng theo các tiểu thương, nếu cứ tình trạng mưa rét kéo dài thì những ngày tới rau vẫn tiếp tục đắt đỏ.
"Rau đắt không chỉ người tiêu dùng chóng mặt mà tiểu thương chúng tôi cũng thất thu", bà Tú nói thêm.
Trong khi giá rau tại chợ truyền thống tăng chóng mặt thì các loại rau bán ở siêu thị vẫn giữ mức giá cũ. Cụ thể, cải thìa trong hệ thống siêu thị Vinmart ở mức 28.900 đồng/kg, hành lá 50.000 đồng/kg, mồng tơi 22.000 đồng/kg. Tuy nhiên, phần lớn các siêu thị không có đầy đủ các loại rau xanh hoặc có với số lượng ít.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân đổ xô đi siêu thị mua thực phẩm dự trữ dẫn đến tình trạng thiếu hàng để bán. Tại các cửa hàng rau sạch, quầy rau chủ yếu có các loại rau củ như khoai tây, cà rốt, su hào, hành tây, các rau gia vị... Còn lại, các loại rau xanh ăn theo ngày không có nhiều, vì thế không đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân ở khu vực lân cận.
Các kệ rau xanh tại siêu thị trống trơn vì không đủ nguồn hàng bán. |
Nhân viên bán hàng tại siêu thị ở khu vực Trung Hòa – Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, kể từ sau Tết mặt hàng rau xanh luôn trong tình trạng không đủ hàng để phục vụ khách.
“Sáng 3/2, chúng tôi cũng đã nhập về 1 lượng rau củ tương đối, nhưng chỉ sau 1vài giờ đã hết sạch hàng. Phải đến sáng hôm sau mới có đợt hàng mới", chị Trang, nhân viên bán hàng nói.
Cũng theo chị Trang, sau Tết nhu cầu của người dân về rau xanh rất cao nhưng nguồn cung lại hạn chế. Một phần là do sau Tết các nhà cung cấp chưa làm việc trở lại, hơn nữa, đợt mưa đá dịp Tết vừa qua khiến rau củ hỏng hết. Cộng thêm đó, dịch bệnh Corona đang diễn biến phức tạp nên nhiều người mua dự trữ, lo lắng giá cả sẽ tăng bất thường.
Sau tết, đa phần các loại thực phẩm từ thịt cho đến rau xanh sẽ đồng loạt tăng giá, nhưng rau xanh tăng giá mạnh nhất, có những loại tăng giá gấp đôi nhưng vẫn không đủ đáp ứng khách hàng.
Nhiều người bán hàng lâu năm cho biết, so với thời điểm sau tết Nguyên đán năm ngoái, giá rau củ năm nay đắt hơn hẳn. Có lẽ khoảng 1 – 2 tuần nữa, khi cuộc sống ổn định trở lại, thời tiết tốt lên sẽ khiến mặt hàng rau xanh trở lại mức giá thường ngày.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp