25/09/2020 07:43
Rau diếp cá cũng đưa vào sản phẩm OCOP thì cần xem lại
Đó là ý kiến của đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), tại hội thảo "Giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP (đề án Mỗi xã một sản phẩm) và đặc sản Bến Tre" vừa diễn ra tại TP.HCM.
Theo Đại diện Saigon Co.op, mỗi địa phương phải lựa chọn sản phẩm OCOP như thế nào một vấn đề rất quan trọng, nên chỉ cần chọn sai sản phẩm là sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng khi kết nối với người tiêu dùng.
Ví dụ như trà đinh lăng, khắp cả nước đều trồng trà đinh lăng vậy sức cạnh tranh của tỉnh mình nằm ở chỗ nào? Ví dụ như mặt hàng chả lụa hay rau diếp cá cũng đưa vào danh mục OCOP thì cần xem lại. Rau diếp cá là một loại rau có phổ biến đâu đâu người ta cũng trồng được thì nó có phải là đặc sản của vùng miền hay không?
Tương tự như chả lụa với từng địa phương từng vùng miền thì sẽ ăn một vị khác nhau, thế thì câu chuyện phát triển OCOP sẽ như thế nào? để khi chào sản phẩm thì các nhà phân phối sẽ tiếp nhận, đồng bộ, để tránh tình trạng doanh nghiệp sản xuất mà nhà phân phối không tiêu thụ được. Vì thế việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền là rất quan trọng.
Các doanh chia sẻ kết nối giao thương. |
Đại diện này, còn cho biết hiện tại sản phẩm OCOP chưa được đầu tư đúng mức về khâu quảng bá, tiếp thị giúp nhà bán lẻ và người tiêu dùng nhận biết trên thị trường. Cùng với đó hàng hóa của doanh nghiệp địa phương cần có sự đầu tư mẫu mã, thiết kế bao bì trước khi đưa ra thị trường cũng như đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu, đổi mới sáng tạo sản phẩm mới trên cơ sở khảo sát thị trường, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Còn theo ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc thu mua hệ thống siêu thị Big C, đơn vị sản xuất cần yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn. Đơn cử, doanh nghiệp khởi nghiệp cần chú trọng đảm bảo sản lượng, khâu vận chuyển và cung ứng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhà cung cấp cũng cần tích cực tham gia những chương trình tiếp thị, trưng bày, giới thiệu dùng thử sản phẩm mới dành cho người tiêu dùng.
Về phía doanh nghiệp, theo bà Ngô Thị Kiều Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ phẩm dừa Phú Long (tỉnh Bến Tre), doanh nghiệp mong muốn nhà bán lẻ, nhà phân phối trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành, tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre vào kênh phân phối hiện đại.
Đặc biệt, doanh nghiệp kỳ vọng sở, ngành các địa phương kết nối nhà bán lẻ, nhà phân phối với mức chiết khấu phù hợp, dành riêng cho đơn vị sản xuất địa phương, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương.
Rất nhiều sản phẩm được kết nối giao thương tại đây. |
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, tỉnh Bến Tre cần tận dụng thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển để phát triển và xây dựng thương hiệu xuất khẩu cho nhiều sản phẩm như trái cây, thủy hải sản...; trong đó, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre sẽ giúp đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh mở rộng cơ hội giao thương, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - phân phối.
Đánh giá về hoạt động kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre vào thị trường TP.HCM, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai địa phương đã mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, nhà bán lẻ... Nhà phân phối trên địa bàn TP.HCM đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác cung ứng hàng hóa trong thời gian tới.
Hội thảo "Giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP (đề án Mỗi xã một sản phẩm) và đặc sản Bến Tre" tại TP.HCM, do UBND tỉnh Bến Tre tổ chức. Theo đó, sở, ngành, doanh nghiệp và đơn vị sản xuất đến từ tỉnh Bến Tre đã mang sản phẩm giới thiệu với các hệ thống phân phối tại TP.HCM nhằm kết nối giao thương đưa hàng hóa vào siêu thị.
Advertisement
Advertisement