29/08/2017 04:27
Ráo riết tìm đối tác cho 3 đại dự án ethanol đang 'đắp chiếu'
Báo cáo gửi lên Bộ Công Thương của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã hé lộ một số thông tin về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém của 3 dự án nhà máy nhiên liệu sinh học chậm tiến độ, kém hiệu quả của Tập đoàn này.
Như tin đã đưa trước đó, từ tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, PVN đã quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol ở 3 tỉnh Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước. Công suất mỗi nhà máy là 100 triệu lít/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30%, còn lại vay tín dụng 70%.
Tuy nhiên, hiện chỉ có dự án tại Quảng Ngãi và Bình Phước đã đầu tư xong, riêng dự án tại Phú Thọ được thực hiện đầu tư sớm nhất (tháng 9/2009) nhưng chưa hoàn thành do nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 11/2011.
Trong số 3 dự án này, dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất bên cạnh việc đội vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng và bị lỗ 200 tỷ đồng sau một năm hoạt động và phải ngừng được coi là một “bài toán khó” trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ ngành công thương.
Theo báo cáo của PVN, dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất dự kiến tái khởi động trong năm 2017 để có sản phẩm từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, các cổ đông của Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (bao gồm BSR và PVOil) vẫn chưa thống nhất được kế hoạch khởi động vận hành sản xuất kinh doanh.
Ethanol Dung Quất cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đối tác để tiếp tục thực hiện dự án.
Hiện chủ đầu tư lên phương án hợp tác với Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành. Đoàn công tác của Tín Thành đã khảo sát làm việc với BSR-BF về phương án hợp tác vận hành nhà máy. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc liên quan đến việc khắc phục hệ thống xử lý nước thải và tỷ lệ chia lợi nhuận. Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục trao đổi với đối tác.
Đối với phương án để Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) nhận lại nhà máy để khởi động vận hành, đồng thời khắc phục hệ thống xử lý nước thải, hiện PTSC đang nghiên cứu tuy nhiên, PVN cho rằng, phương án này sẽ khó khả thi.
Một phương án khác cũng được tính đến là hợp tác với Công ty Tùng Lâm. Theo đó, Tùng Lâm chủ yếu là tư vấn, hỗ trợ chủ đầu tư khởi động lại nhà máy, tư vấn giải pháp tối ưu vận hành, xử lý nước thải. Theo phương án này, thực chất vẫn là chủ đầu tư tự vận hành và các cổ đông phải góp vốn để vận hành lại, năm 2017 là 27,79 tỷ đồng, năm 2018 là 91,84 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện các cổ đông (BSR, PVOil) vẫn chưa có ý kiến về phương án hợp tác với Công ty Tùng Lâm.
Tương tự, tại dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước, sau chuyến khảo sát làm việc của Tổ công tác tại Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước với cổ đông chính của dự án là Công ty Toyo Thái Lan với cổ đông Licogi 16 ngày 19-20/7/2017, PVOil đã phối hợp với chủ đầu tư (Công ty OBF) rà soát, xây dựng phương án tái khởi động nhà máy với mục tiêu khởi động, vận hành nhà máy từ 1/1/2018 và làm việc với công ty Tùng Lâm rà soát tìm giải pháp tiết giảm giá thành nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
PVN cho biết, hiện PVOil đã ký hợp đồng với CTCP Thẩm định giá Miền Nam (SIVC) thực hiện thẩm định giá trị công ty OBF. Đồng thời, ký hợp đồng với CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) lập phương án thoái vốn tại OBF và các phương án xử lý khác nếu việc thoái vốn không thành công để trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trước ngày 31/8/2017 theo đúng chỉ đạo.
Tại dự án, nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, PVN cho biết, hiện tại, nhóm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với đầu mối là CTCP Đầu tư Thái Sơn tiếp tục nghiên cứu phương án hợp tác theo hướng tái cấu trúc và tiếp tục đầu tư để đưa nhà máy vào vận hành. PVOil đang triển khai công tác định giá tài sản để làm cơ sở xây dựng phương án chuyển nhượng, thoái vốn.
Advertisement
Advertisement