Giá đất ở một số địa phương tại Hà Nội đã tăng chóng mặt, sau khi thành phố dự kiến ban hành quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6 tới. Tại xã Xuân Canh, huyện Đông Anh - nơi dự kiến sẽ được định hướng xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, những khu đất gần đê sông Hồng có giá chào bán gấp đôi, gấp ba chỉ trong một tuần. Nhiều khu đất trước kia có giá dưới 20 triệu đồng/m2 giờ lên 50 - 60 triệu đồng/m2. Thậm chí, nhân viên môi giới còn cho biết có thể bán "ăn" chênh lệch 5 - 8 triệu/m2 chỉ qua một ngày.
Không chỉ đất ở, đất bãi bồi khu vực ngoài đê, giá tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng cũng tăng mạnh. Một số môi giới cho biết giá đất nông nghiệp khu vực Tây Hồ khoảng 30 - 60 triệu đồng/m2, mua bán giấy viết tay.
Một số khu vực khác như Hòa Lạc, Ba Vì (Hà Nội), hồ Đồng Chanh (Hòa Bình)... được ghi nhận tăng giá đất 2 - 3 lần chỉ trong một năm. Những thửa đất diện tích từ 1.000 m2 trở lên, có tầm nhìn ra các khu vực hồ, đầm được cho là đặc biệt thu hút người mua. Họ kỳ vọng giá trị các khu đất có thể tăng hoặc làm homestay kinh doanh, khu nghỉ dưỡng cho gia đình.
Hải Phòng cũng chưa dứt cơn sốt đất từ năm 2020 tới nay tại 2 huyện Thủy Nguyên và An Dương. Giá đất tăng 30 - 40%, thậm chí gấp đôi chỉ từ cuối năm 2020 đến nay. Giá đất tăng "nóng" bởi thông tin Hải Phòng sẽ triển khai các thủ tục pháp lý để chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố, huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025.
TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cũng ghi nhận "sốt" ở các ô đất trong Quy hoạch dân cư thuộc các dự án chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng. Các dự án bao gồm Khu dân cư Bắc cầu Bang, xã Thống Nhất do CTCP Thống Nhất 508 làm chủ đầu tư, Quy hoạch khu dân cư xã Thống Nhất do công ty TNHH Phúc An làm chủ đầu tư, các khu dân cư đô thị tại phường Cao Xanh, Hà Khánh và một số dự án khác. Chính quyền thành phố nhận định thực chất đây là hoạt động mua đi bán lại trong chính các nhóm môi giới, tạo các giao dịch "mồi" để dụ dỗ khách hàng.
Tại xã Gia Thịnh, Gia Viễn, Ninh Bình, giá đất nền gần dự án Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình được cho là tăng gấp đôi, gấp 3 trong vòng một năm. Dự án này mới được tỉnh phê duyệt quy hoạch chung diện tích gần 2.000 ha ở 7 xã của hai huyện Gia Viễn và Nho Quan với tổng mức đầu tư khoảng 1 - 1,5 tỷ USD.
Lãnh đạo huyện Gia Viễn thông tin giá đất tăng do một số nhà đầu tư bất động sản ở nơi khác đến và "thổi" giá lên cao. "Cơn sốt" diễn ra trong thời gian ngắn, từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3.
Tại Bắc Giang, "sốt đất" xảy ra ven các khu, cụm công nghiệp, ven các dự án được đề xuất đầu tư từ nhiều tập đoàn. Cụ thể, Foxconn muốn làm nhà máy sản xuất, gia công máy tính... tại KCN Quang Châu, Việt Yên; Kinh Bắc đầu tư hạ tầng phần diện tích 93 ha cũng tại KCN này. Tập đoàn Vingroup đề xuất lập quy hoạch khu đô thị kết hợp sân golf 1.500 ha tại TP Bắc Giang và huyện Yên Dũng...
Theo lãnh đạo một xã của huyện Yên Dũng - địa phương xảy ra "sốt đất" gần KCN Song Khê - Nội Hoàng, KCN Vân Trung, khoảng 90% là các hợp đồng giao dịch chuyển nhượng của các "cò" đất mua đi bán lại.
Tại Nghệ An, đất nền một số nơi như TP Vinh, Cửa Lò, Đô Lương, Yên Thành tăng giá chóng mặt. Các lô đất được ghi nhận tăng giá sau khi diễn ra các phiên đấu giá gián tiếp. Lãnh đạo huyện Đô Lương chia sẻ nguyên nhân khiến đất nền nông thôn "sốt" chủ yếu do khách hàng ở những nơi khác đổ về mua đầu cơ, bên cạnh đó là do một số chính sách tín dụng đã được nới lỏng.
Tại Quảng Trị, đất đấu giá trong các thửa thuộc Khu đô thị Bắc sông Hiếu hay Khu đô thị Nam Đông Hà (TP Đông Hà) đều tăng. Giá đấu vượt giá sàn khoảng 20 - 40%, nguyên nhân do người dân ở các tỉnh thành như Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội... đổ về tham gia đấu giá. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh còn cho biết nhiều tập đoàn, nhà đầu tư bất động sản, du lịch sinh thái, khu đô thị thương mại… đã đến Quảng Trị để tìm hiểu đầu tư theo quy hoạch của địa phương.
Lợi dụng thông tin này, nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh bất động sản đã tìm cách thu gom đất rồi tăng giá bán.
Tại Đà Nẵng, giá đất một số khu đô thị phía Nam như Hòa Xuân, Hòa Quý, FPT, Phước Lý, Hòa Liên... đều tăng 100 - 200 triệu đồng so với trước Tết Nguyên đán. Thông tin được các môi giới, "cò đất" tung ra để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc sốt đất không có thật bởi thị trường này gần như đóng băng do ảnh hưởng của COVID-19.
"Sốt đất" vẫn còn nguyên tính nóng hổi là khu vực xã An Khương và xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước sau khi có thông tin lãnh đạo địa phương khảo sát vị trí lập dự án sân bay lưỡng dụng Téc Ních. Giá đất khu vực này đã được môi giới, đối tượng đầu cơ trong và ngoài tỉnh đẩy lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực tế, theo ghi nhận từ UBND huyện Hớn Quản.
Huyện cho rằng "cơn sốt ảo về đất nền" diễn ra phức tạp ở các xã, thị trấn, đặc biệt là các xã có đất nông nghiệp tách khỏi lâm nghiệp như Minh Đức, Đồng Nơ, Tân Hiệp, An Phú, Minh Tâm. "Cơn sốt" được ghi nhận chỉ diễn ra khoảng chục ngày, chủ yếu là chiêu bài đẩy giá từ giới đầu cơ.
Sau Bình Phước, thông tin tái khởi công sân bay Phan Thiết, Bình Thuận vào cuối tháng 3 cũng đẩy thị trường này sôi động trở lại sau đợt "sốt" năm 2019. Tại xã Thiện Nghiệp - nơi xây dựng sân bay Phan Thiết, “cò đất” nườm nượp đổ về.
Chính quyền địa phương ghi nhận nhiều môi giới mua đất trước đây giờ nâng giá lên bán lại. Chính quyền cũng yêu cầu các sở, ngành quản lý chặt, ngăn chặn ngay tình trạng lấn chiếm đất đai của nhà nước khu vực gần dự án sân bay Phan Thiết nhằm sang nhượng, mua bán bất hợp pháp.
Một địa phương khác cũng đang rậm rịch "sốt đất" trở lại là Cần Giờ, TP. HCM, sau khi quy hoạch 1/500 khu đô thị lấn biển Cần Giờ được thông qua với 5 phân khu, diện tích gần 3.000 ha với vốn đầu tư 217.000 tỷ đồng. Giá nhà đất tại khu vực này đã bắt đầu “nhảy múa”, có những nơi vị trí đẹp giá trên 50 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, cũng liên quan Cần Giờ, Sở Giao thông vận tải TP HCM có đề xuất bổ sung sân bay cỡ nhỏ tại đây vào Đồ án quy hoạch mạng lưới sân bay vùng TP.HCM.
Trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ lo ngại về đề án chuyển đổi 5 huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ thành quận vì có thể sẽ tác động rất lớn đến giá đất, gây xáo trộn và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Ông lấy ví dụ khi có thông tin về việc sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức đã xảy ra trường hợp như mảnh đất giá từ vài chục triệu đồng/m2 đã tăng lên hơn 100 triệu đồng/m2.
Báo cáo của Bộ Xây dựng có chỉ ra giá bất động sản 2 tháng đầu năm nay tăng, có nơi tăng trên 10% so với đầu năm 2020. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng từ việc các địa phương tăng khung giá đất.
Ngoài ra, hàng loạt nguyên nhân khác như chuyển dịch dòng vốn đầu tư để đảm bảo an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh; giới đầu cơ lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng "sốt đất" là hiện tượng giá đất tăng với một tốc độ đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn. Đa phần, các cơn "sốt đất" xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và làm đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn. Nó dễ trở thành "sốt đất" ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và đồn thổi.
Trong các cơn "sốt đất" thì nhu cầu chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ.
Chuyên gia từ Savills đánh giá hiện tượng "sốt đất" có thể dẫn đến những hệ quả trước mắt cho người dân địa phương do mất đi nguồn thu nhập chính. Những nhà đầu tư cá nhân mạo hiểm dùng đến đòn bẩy kinh tế có thể sẽ mất khả năng chi trả nếu thị trường không đạt như kì vọng, dẫn đến gánh nặng tài chính quá lớn.
Về lâu dài, nền kinh tế vĩ mô và xã hội sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi người không còn chú trọng đến việc lao động sản xuất mà chỉ tập trung vào hưởng lợi từ việc lên giá đất. Vì thế người dân cần được nâng cao về nhận thức để không bị dao động bởi những thông tin không đầy đủ và tạo ra những cơn "sốt ảo".
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VNRea) cho rằng hệ quả của việc "sốt đất" là hút nguồn lực nhà đầu tư vào vòng xoáy tăng giá, làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Các địa phương bị cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống bởi tăng giá đất kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng... Như vậy, việc phát triển kinh tế địa phương nơi có "sốt đất" là khó có thể xảy ra.
Đồng thời, "sốt đất" có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ. Điều này cũng tạo áp lực tăng giá các loại nhà ở trong bối cảnh một số thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang... đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm căn hộ.
Đại diện VNRea kiến nghị chính quyền các địa phương phải vào cuộc để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai; Cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Lãnh đạo địa phương cần gắn trách nhiệm với các hiện tượng "sốt đất", quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch.
Nhà nước cần thiết phải điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm bất động sản thì người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin; quản lý chặt chẽ sàn giao dịch, môi giới.