17/02/2017 07:00
Rác ngoài đường, không phải chuyện của tôi
Những đống rác nhếch nhác tại các điểm du lịch, rác chất cao ngay bên biển cấm đổ rác, thậm chí rác nằm ngay cạnh thùng rác là những hình ảnh quen thuộc đến trở thành bình thường.
Vứt rác khắp nơivì ai cũng làm vậy
Theo bạn Phan P. khibước vào nhà riêng mỗi người thì đều sạch sẽ, tươm tất nhưng khi ra đường, nhiều người lại chẳng quan tâm đến vấn đề môi trường chung.
Nhiều bạn đọc phản ánh mình luôn bắt gặp người dắt chó ỉa bậy ra ngoài đường.
Chị Kim Huyền, một người Việt đang sống tại Nhật cho biết người Nhật có ý thức rất cao trong việc bảo vệ môi trường và không bao giờ vứt rác bừa bãi. Nếu không tìm được thùng rác thì họ sẽ bỏ rác vào túi áo hoặc túi xách để mang về nhà mình.
Rác thải sinh hoạt cũng được phân loại và đổ bỏ từng loại theo ngày quy định. Khi dắt chó đi dạo, người dân sẽ mang theo túi nilong và chai nước để dọn phân xong thì rửa đường cho sạch.
TS Phạm Thị Thúy kể không ít lần, bà chứng kiến sinh viên, học sinh ăn uống xong thì vứt rác đầy trong hộc bàn hay sân trường rồi vô tư đứng lên đi về, để mặc ai dọn thì dọn dù rác đó do mình thải ra. Ngay cả ở những nơi người ta đến để gửi gắm lòng tin, bày tỏ lòng thành và những ước nguyện của mình như chùa chiến,thì dọc lối đi cũng đầy rác.
Theo TS Phạm Thị Thúy, việc xả rác bừa bãi của nhiều người là do ảnh hưởng đám đông.
“Trong đám đông, một người xả rác thì những người khác sẽ thấy thế mà làm theo. Lúc này, ý thức bỏ rác đúng nơi quy định hay dọn rác thải xung quanh cũng mất đi. Hầu hết mọi người vẫn biết xả rác là không đúng, không văn minh nhưng đám đông như vậy nên… họ cũng theo”, TS Nguyễn Thị Thúy nói.
Một vấn đề khác được các chuyên gia đề cập là nhiều người nghĩ rằng dọn dẹp rác là việc của công nhân vệ sinh, không phải của mình nên cứ muốn vứt đâu thì vứt.
Giáo dục ý thức từ nhỏ, người lớn làm gương
GS.TSKH Phạm Hoàng Hải, Viện Môi trường và phát triển bền vững kỳ vọng những quy định xử phạt cụ thể, mức phạt cao đối với hành vi vứt rác bừa theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ sẽ là một giải pháp tích cực nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Đồng tình, TS Phạm Thị Thúy nêu quan điểm nên tổ chức lực lượng giám sát, nhắc nhở, xử phạt ngay nếu phát hiện hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng để chấm dứt tình trạng một người vi phạm không bị gì thì người khác làm theo.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đều có chung nhận định việc giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, vứt rác đúng nơi quy định, bảo vệ môi trường phải được bắt đầu từ trẻ nhỏ và ở tất cả những môi trường mà trẻ có mặt như gia đình, nhà trường, đường phố, công viên…
Quan trọng nhất, người lớn phải làm gương tốt cho trẻ. Chỉ giáo dục bằng lời nói, thiếu hành động thực tế sẽ không có tác dụng.
Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, GS.TSKH Phạm Hoàng Hải cho biết ngoài phạt tiền, nhiều nước còn áp dụng hình thức phạt lao động công ích để người vi phạm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không tái phạm việc vứt rác bừa bãi.
Chẳng hạn tại Singapore, người vi phạm sẽ phải mặc một bộ đồ đặc biệt dành cho người bị phạt vì xả rác bừa bãi và đi dọn rác. Đây là hình phạt bổ sung với mong muốn chính sự xấu hổ sẽ làm họ chấm dứt mãi mãi hành vi xấu của mình.
Phân loại rác: chuyện còn xa vời?
Theo GS.TSKH Phạm Hoàng Hải, việc phân loại rác thải tại nhà đã được nói đến và khuyến khích áp dụng từ vài năm nay, tuy nhiên thực tế vẫn còn những bất cập.
“Đã có những đợt phát động mọi người nên chia rác thành ba loại ngay tại hộ gia đình, một là thùng rác cho rác thải có thể phân hủy, hai là chất thải khó phân hủy và ba là chất thải độc hại. Nhưng sau đó, chính bản thân tôi từng chứng kiến những người thu gom rác đổ cả ba thùng rác đã phân loại vào một chỗ với lý do đến bãi rác thì họ sẽ tự phân lại”, ông Hải nói.
GS.TSKH Phạm Hoàng Hải cho rằng cần phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ thì mới mong việc phân loại rác được thực hiện một cách hiệu quả từ hộ gia đình đến các khâu xử lý khác sau đó.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp