22/09/2020 10:35
Quy trình bổ nhiệm Thẩm phán ở Mỹ diễn ra như thế nào?
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ chính thức đưa ra đề cử trong ngày 25 hoặc 26/9 lựa chọn ứng cử viên thay thế vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao của bà Ruth Bader Ginsburg. Vậy việc bổ nhiệm Thẩm phán Tối cao ở Mỹ diễn ra như thế nào?
Quy trình bổ nhiệm
Phần lớn các Thẩm phán Tòa án tối cao xuất thân từ những gia đình có hoạt động đảng phái rất tích cực và khoảng 1/3 trong số họ có quan hệ với các luật gia và liên hệ chặt chẽ với các gia đình có truyền thống phục vụ trong ngành tư pháp. Tất cả các Thẩm phán Tòa án tối cao đều đã học luật, đã từng hành nghề luật và nhiều người trong số họ đã làm Thẩm phán của Tòa án nào đó trước khi được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án tối cao. Và hầu hết trong số họ đều cùng định hướng chính trị với Tổng thống bổ nhiệm họ.
Hiến pháp và luật không quy định về các tiêu chuẩn cần thiết để một người có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán liên bang. Tuy nhiên, có ít nhất bốn yếu tố sau, mặc dù không chính thức, song hết sức thiết yếu:
-
Năng lực chuyên môn: Thông thường các Thẩm phán liên bang thường được bổ nhiệm trong số các luật sư nổi bật về khả năng chuyên môn.
-
Phẩm chất chính trị: Hầu hết những ứng cử viên cho vị trí Thẩm phán đều phải có thành tích nhất định về hoạt động chính trị vì hai lý do.Thứ nhất, vị trí Thẩm phán vẫn được coi là một phần của hệ thống chính trị bảo trợ; những người đã phục vụ trong đảng phái thường có nhiều khả năng được bổ nhiệm làm Thẩm phán liên bang hơn. Thứ hai, Thẩm phán tương lai thường phải có một số hoạt động chính trị, bởi nếu không thì Tổng thống, các Thượng nghị sỹ hoặc lãnh đạo đảng phái tại địa phương - những người đề cử ứng cử viên thẩm phán, sẽ không biết đến họ.
-
Khẳng định sự mong muốn: Một số Thẩm phán tương lai đã tự mình tiến hành những chiến dịch vận động kín đáo hoặc ít nhất cũng phát tín hiệu rằng họ đã sẵn sàng để phục vụ tại Tòa án.
-
Yếu tố may mắn: Là thành viên của một đảng thích hợp tại thời điểm phù hợp hoặc được những nhà môi giới quyền lực chú ý tới tại đúng thời điểm cần thiết thường góp phần đáng kể để giúp một người trở thành Thẩm phán. Sự may mắn cũng quan trọng như là năng lực chuyên môn của người đó.
Tất cả thẩm phán liên bang (bao gồm Thẩm phán Tòa án tối cao) đều do Tổng thống bổ nhiệm sau khi tham khảo ý kiến theo đúng quy trình với đội ngũ chuyên gia cao cấp của Nhà Trắng, Văn phòng Chưởng lý, một số Thượng nghị sĩ và các nhà hoạt động chính trị khác. Cục điều tra liên bang (FBI) thường tiến hành kiểm tra an ninh theo thủ tục. Sau khi việc bổ nhiệm được công bố công khai, các nhóm lợi ích khác nhau có thể vận động ủng hộ hoặc chống lại ứng cử viên. Tương tự, Ủy ban của Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ đánh giá phẩm chất và năng lực của ứng cử viên. Ủy ban tư pháp của Thượng viện tiến hành cuộc điều tra để xem xét xem ứng cử viên có phù hợp với vị trí này hay không. Việc bổ nhiệm sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Thượng viện, phê chuẩn theo đa số phiếu đơn thuần.
Tòa án tối cao Mỹ tại Washington. |
Tổng thống: Về mặt kỹ thuật, Tổng thống đề cử tất cả các ứng cử viên vào chức vụ Thẩm phán, tuy nhiên, về mặt lịch sử, Tổng thống thường quan tâm nhiều hơn tới việc bổ nhiệm các Thẩm phán Tòa án tối cao.
Bộ Tư pháp: Hỗ trợ cho Tổng thống trong quy trình tuyển lựa Thẩm phán là hai vị trí then chốt do Tổng thống bổ nhiệm trong Bộ Tư pháp - Chưởng lý Hoa Kỳ và Phó Chưởng lý. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là tìm kiếm các ứng cử viên phù hợp với những tiêu chuẩn chung do Tổng thống đặt ra để bổ nhiệm. Khi đã tìm được, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành thẩm tra kỹ lưỡng từng ứng cử viên một. Họ có thể đề nghị FBI điều tra về đặc điểm, tính cách và xuất thân của ứng cử viên; họ thường đọc các bản sao của mọi bài báo hoặc bài phát biểu mà ứng cử viên đã viết hoặc đánh giá về các ý kiến được nêu ra của một Thẩm phán đương nhiệm; họ có thể kiểm tra với lãnh đạo đảng chính trị ở địa phương để xác định rằng ứng cử viên là một người trung thành với đảng và có xu hướng ủng hộ những quan điểm chính sách công chủ yếu của Tổng thống.
Các nhóm lợi ích: Một số nhóm gây áp lực tại Hoa Kỳ đại diện cho đời sống chính trị trị thường vận động ủng hộ hoặc chống lại việc đề cử Thẩm phán. Họ không ngần ngại thúc giục Tổng thống rút lại đề cử nếu các giá trị chính trị và xã hội của người được đề cử khác với họ, hoặc vận động Thượng viện ủng hộ đề cử người mà họ ưa thích.
Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ (ABA): Ủy ban tư pháp liên bang thuộc Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ đóng một vai trò thiết yếu trong việc đánh giá năng lực chuyên môn của các ứng cử viên dựa trên ba tiêu chuẩn: khí chất của Thẩm phán, năng lực chuyên môn và tính liêm chính. Một ứng cử viên được Ủy ban phê chuẩn sẽ được xếp loại là “đủ điều kiện” hoặc “rất có khả năng”, trong khi những người không được chấp nhận sẽ được phê là “không đủ điều kiện”.
Ủy ban tư pháp của Thượng viện: Ủy ban Tư pháp của Thượng viện phải xem xét tất cả những vị trí đề cử vào chức vụ Thẩm phán liên bang và đưa ra khuyến nghị cuối cùng trước toàn thể Thượng viện. Như vậy, vai trò của Ủy ban này là thẩm tra các cá nhân được đề cử vào chức vụ Thẩm phán, chứ không phải là nêu tên của những ứng cử viên tiềm năng. Ủy ban tổ chức các buổi điều trần về tất cả những vị trí đề cử, trong đó việc nghe các nhân chứng trình bày và thảo luận đều được tiến hành không công khai. Các buổi điều trần về việc bổ nhiệm Thẩm phán quận thường chỉ mang tính hình thức. Tuy nhiên, phiên điều trần của Ủy ban đối với việc đề cử các Thẩm phán Tòa phúc thẩm và Tòa án tối cao thực sự là một quy trình nghiêm túc.
Thượng viện: Bước cuối cùng trong quy trình bổ nhiệm các Thẩm phán liên bang là việc có được đa số phiếu của Thượng viện. Các tài liệu ghi chép cho thấy rằng Tổng thống thường thành công nhất trong việc thuyết phục Thượng viện chấp thuận việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao khi các ứng cử viên có lai lịch, phẩm chất không gây tranh cãi và thiên hướng chính trị ôn hòa, và khi đảng của Tổng thống đồng thời kiểm soát Thượng viện, hoặc ít nhất đa số trong Thượng viên có cùng những quan điểm và giá trị cơ bản với Tổng thống.
Nhiệm kỳ: Thẩm phán ngừng thực hiện những nhiệm vụ xét xử của mình khi nghỉ hưu theo nguyện vọng hoặc do tình trạng sức khỏe yếu kém hay qua đời, hoặc khi họ chịu sự kỷ luật.
Trước đó, theo TTXVN, ngày 18/9, các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin Thẩm phán Toà án Tối cao Mỹ Ruth Bader Gínburg đã qua đời ở tuổi 87.
Tờ USA Today đưa tin Thẩm phán Ginsburg, một chính khách kỳ cựu và nổi tiếng của Mỹ, đã qua đời sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư tụy.
Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ, bà Ruth Bader Ginsburg. Ảnh: TTXVN |
Bà Ginsburg được ví như biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng tại nước Mỹ, sau nhiều năm hoạt động không biết mệt mỏi nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và người thuộc giới tính thứ ba. Bà được bổ nhiệm vào Tòa án tối cao Mỹ năm 1993 dưới thời Tổng thống Bill Clinton, trở thành người phụ nữ thứ hai được bổ nhiệm vào cơ quan này.
Việc bà Ginsburg qua đời được dự báo sẽ làm thay đổi tính cân bằng của Tòa tối cao Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump có cơ hội bổ nhiệm thêm một thẩm phán theo đường lối cánh hữu bảo thủ, sau các ông Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh. Tòa án tối cao Mỹ luôn duy trì 8 vị thẩm phán và 1 chánh án tại vị, họ có thể làm việc trọn đời.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp