27/01/2018 08:15
Quy hoạch độ thị đang có xu hướng tăng hệ số sử dụng đất nhưng giảm diện tích công cộng
Việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, thường có xu hướng tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất nhưng giảm diện tích công cộng.
Ngày 26/1, Bộ Xây dựng cho biết đã có 51 địa phương triển khai lập Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Trong số này, một số địa phương đã hình thành các khu vực phát triển đô thị.
Các địa phương cũng hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các dự án mới theo quy định, từng bước tạo sự thống nhất trong quy trình triển khai các dự án đầu tư phát triển đô thị. Đặc biệt, các quy định quản lý về phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng đã được ban hành và phù hợp với thực tiễn.
Đây cũng là cơ sở để các đô thị tiếp tục huy động vốn thực hiện các chương trình, dự án cấp quốc gia và cấp vùng về phát triển đô thị như dự án phát triển tăng trưởng xanh, dự án phát triển đô thị loại vừa, dự án đô thị động lực, hạ tầng kỹ thuật...
Quy hoạch và quản lý đô thị năm 2018 cũng có nhiều điểm cần khắc phục. |
Tuy nhiên, trong quy hoạch và quản lý đô thị năm 2018 cũng có nhiều điểm cần khắc phục. Cụ thể như, chất lượng một số đồ án quy hoạch xây dựng, đô thị còn thấp. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, không đúng quy trình, thủ tục, thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích công cộng, hạ tầng cây xanh.
Công tác lập, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại một số đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ. Việc quản lý, kiểm soát phát triển đô thị còn hạn chế.
Tình trạng điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình nhà ở cao tầng tại một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, gây lãng phí lớn và giảm chất lượng phát triển đô thị.
Việc phát triển đô thị không đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, một số nội dung không theo quy hoạch, kế hoạch cũng như chưa đảm bảo sự kết nối giữa đô thị và vùng, nhất là về hạ tầng khung... cũng là những bất cập cần sớm được giải quyết.
Năm 2017, Bộ Xây dựng đã công nhận phân loại cho 12 đô thị. Các địa phương đã thẩm định, công nhận đối với 11 đô thị loại 5. Đến nay, cả nước có 813 đô thị, gồm 2 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại 1, 23 đô thị loại 2, 45 đô thị loại 3, 84 đô thị loại 4, 640 đô thị loại 5. Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,5%, tăng 0,9% so với năm 2016.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp