26/02/2017 06:56
Quỹ đất tiềm năng giúp TP.HCM làm nhà giá rẻ
Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng phát triển NƠXH trước tiên cần sử dụng quỹ đất công từ các nông trường, nhà xưởng cần di dời, đất trích lập theo Luật Nhà ở, sau nữa mới đến xã hội hóa.
Theo quan điểm của Hiệp hội, TP.HCM có thể tận dụng nguồn lực là quỹ đất công rất lớn một cách hợp lý, hiệu quả để giải quyết bài toán nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp tại đô thị đang quá tải.
Quỹ đất công các nông trường
Công trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), Phạm Văn Cội, nông trường bò sữa (huyện Củ Chi) do Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn quản lý hay nông trường Láng Le do UBND huyện Bình Chánh quản lý đều là những địa chỉ phù hợp để phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra còn có nông trường Tam Tân do UBND huyện Củ Chi quản lý có tổng diện tích khoảng 8.685 ha, chưa tính quỹ đất các nông trường ở huyện Cần Giờ và một số khu đất được quy hoạch đất dự trữ của thành phố đều có thể xem xét điều chỉnh quy hoạch để dành một phần quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, để làm được nhà ở xã hội tại các nông trường này sẽ cần phải được đầu tư bổ sung rất lớn về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trước hết là đường giao thông, xe điện ngầm, xe buýt.
Song song đó là đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, dịch vụ, phát triển các khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm.
Quỹ đất công đang làm nhà xưởng sản xuất ô nhiễm
Hiện nay nhà xưởng thuộc quản lý Nhà nước đang sản xuất nhưng gây ô nhiễm, cần phải di dời vào khu công nghiệp tại các quận, huyện trên địa bàn TP HCM không phải là nhỏ. Lãnh đạo thành phố cần rà soát lại quỹ đất này tại các cơ quan nhà nước thuộc diện sắp xếp lại theo Quyết định 09.
Ngoài ra còn có quỹ đất công của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện chủ trương cổ phần hóa hoặc thoái vốn nhà nước hiện nay. Nếu các quỹ đất này được đấu giá, đấu thầu và có cơ chế thì có thể huy động được thêm một nguồn lực rất lớn để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội của thành phố.
Quỹ đất công tạo lập trong quá trình quy hoạch đô thị
Trong quá trình quy hoạch và hình thành các khu đô thị vệ tinh, công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, TP HCM có thể tận dụng quỹ đất công để phát triển nhà ở xã hội nhằm kích thích phát triển đô thị.
Đó là các Khu đô thị mới Nam Sài Gòn 2.965 ha, Khu đô thị công nghiệp Tây Bắc (Củ Chi) 6.000 ha, Khu đô thị cảng Hiệp Phước 3.600 ha, Khu chế xuất Tân Thuận 320 ha; Khu công nghệ cao 913 ha; Khu chế xuất Linh Trung I,II,III, 326 ha; Công viên phần mềm Quang Trung 43 ha...
Thành phố cũng đã chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu công nghệ cao để có thể dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Đối với các khu vực được quy hoạch đô thị mới, hoàn toàn có điều kiện để quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ với điều kiện phải hỗ trợ phát triển hạ tầng kết nối đồng bộ.
Quỹ đất nhà xã hội trích lập theo Luật Nhà ở
Luật Nhà ở và cả Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 20% quỹ đất kinh doanh để phát triển nhà ở xã hội theo nhiều phương thức tùy vào quy mô. Ví dụ: đối với dự án từ 10 ha trở lên thì phải xây dựng nhà ở xã hội tại dự án.
Đối với dự án dưới 10 ha thì có thể lựa chọn phương thức xây dựng nhà ở xã hội tại dự án, hoặc hoán đổi bằng quỹ đất, quỹ nhà ở xã hội ở vị trí khác, hoặc quy đổi giá trị bằng tiền nộp vào ngân sách địa phương để phát triển nhà ở xã hội.
Quỹ đất từ chính sách xã hội hóa nhà giá rẻ
TP HCM có thể huy động các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội và xem đây như một nguồn lực tiềm năng để tạo lập quỹ đất cho các dự án nhà giá rẻ.
Trong thời gian qua, đã có những doanh nghiệp tư nhân đã đưa quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở xã hội, như Công ty Thủ Thiêm, Công ty Hoàng Quân, Công ty Nam Long... trong đó, đáng chú ý nhất là các dự án nhà ở xã hội cho thuê dài hạn của Công ty Lê Thành.
Ngoài ra TP HCM cũng ghi nhận hàng chục nghìn cá nhân, hộ gia đình đã đầu tư phát triển các khu nhà trọ, phòng trọ (mặc dù phần lớn chưa đảm bảo chất lượng, thiếu tiện ích và dịch vụ) đã giải quyết được phần lớn nhu cầu thuê nhà của công nhân, lao động, người nhập cư như đã nêu trên.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp