02/08/2017 01:02
Quốc Cường Gia Lai có thể mất 100 triệu USD với dự án Khu dân cư Phước Kiển
Đến hết tháng 10, nếu không có đất sạch ở dự án Phước Kiển thì công ty sẽ bị đối tác phạt 100 triệu USD. Thế nhưng, hiện tại dự án này vẫn còn gần 100 hộ dân chưa chịu di dời.
Dân khốn khổ
Dự án Khu dân cư Phước Kiển nằm ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM rộng 91,69ha. Hiện tại, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã đền bù được 92% và còn khoảng 7ha là chưa thỏa thuận được với người dân.
Theo thống kê, dự án Phước Kiển còn 94 hộ dân chưa chịu di dời để bàn giao mặt bằng cho QCG. Chịu cảnh quy hoạch treo hơn 10 năm qua, những hộ dân ở đây không điện, không nước sạch, không phòng cháy chữa cháy… Toàn bộ nước sinh hoạt và rác thải từ những hộ dân ở đây được đưa ra sông Ông Lớn và rạch Cây Khô.
Ông Đặng Văn Tiên (số nhà 172, ấp 5, xã Phước Kiển) cho biết, đất mà QCG mua làm dự án là đất mà ông bà tổ tiên để lại. Ông Tiên đang có hơn 200m2 đất thổ cư, nhà có sổ hồng đầy đủ. Ông Tiên cùng các anh chị em đã ở đây hàng chục năm qua nhưng cuộc sống rất khốn khổ.
“Sống giữa Sài Gòn, chỉ cách trung tâm quận 1 có 5km mà chúng tôi không có điện và nước sạch. Hiện tại, gần 100 hộ dân ở đây phải câu điện nhờ một hộ dân cách dự án Phước Kiển 200m với giá 3.500 đồng/kw, nước máy 20.000 đồng/m3, nước giếng 8.000 đồng/m3. Nhà cửa hư hỏng, xuống cấp cũng không được sửa chữa. Đường sá cứ đến mùa triều cường là ngập”, ông Tiên nói.
Ông Tiên mong muốn QCG nhanh chóng đền bù để di dời đi chỗ khác sinh sống. Tuy nhiên, ông Tiên cho biết đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ giấy tờ nào, phương án đền bù, quyết định thu hồi đất.
Bà Đặng Thị Hồng (số nhà 127, ấp 5, xã Phước Kiển) đã ở tại đây hơn 40 năm qua. Ngoài nhà ở, bà còn có hơn 700m2 đất nông nghiệp. Bà Hồng cho biết, năm 2003 có thông tin quy hoạch rồi treo đến nay.
Cách đây hai năm, QCG có xuống thông báo giá đền bù đất thổ cư là 7,2 triệu đồng/m2 và đất nông nghiệp là 3 triệu đồng/m2. “Lúc đó, cán bộ xã Phước Kiển và người của Công ty Quốc Cường Gia Lai có về đây đo vẽ nhưng chúng tôi không đồng ý với giá đền bù đó nên thôi”, bà Hồng nói.
“Tiền đền bù là của đối tác trả chứ không phải chúng tôi trả. Chúng tôi cũng muốn làm cho xong để bán dự án và lấy tiền của mình. Nhưng dân đòi đền bù đất nông nghiệp mà 20-30 triệu đồng/m2 thì tiền đâu chúng tôi đền”, bà Loan nói.
Theo bà Loan, 94 hộ dân còn lại trong dự án có diện tích rất đa dạng. Có người vài chục mét vuông nhưng cũng có người đang sở hữu vài trăm và cả ngàn mét vuông.
Dân đòi đền bù với giá từ 15-17 triệu đồng/m2 nhưng doanh nghiệp chỉ đền được với giá 10 triệu đồng/m2 đối với những căn nhà hoặc đất nông nghiệp có diện tích dưới 100m2 trở xuống. Đó là nhân đạo để người dân đủ tiền đi mua nhà ở nơi khác. Đó là về nhân đạo, QCG phải nói rất rõ như vậy. Còn những người dân có đất trên 100m2 thì QCG sẽ đền bù 5 triệu đồng/m2 thổ cư, 3 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp.
“Nếu về đúng pháp lý thì chúng tôi không đền bù. Ông huyện phải vào đây. Ông làm đi, tại ông không quản lý được. Nhà nước trả lương cho ông để làm gì khi để người dân cất nhà vô tội vạ như vậy”, bà Loan bức xúc.
Theo bà Loan, đền 10 triệu đồng/m2 thì có năm nhà đi nhưng rồi thôi, không ai đi nữa. Tuy nhiên, đền 10 triệu đồng thì những căn nhà 50m2 cũng chỉ có 500 triệu đồng nên người dân không đủ tiền để đi, tội cho những người có nhu cầu ở thật. Tuy rằng, người ta lấn chiếm nhưng đuổi người ta đi thì phải cho người ta chỗ ở chứ không lẽ để họ ra vỉa hè ở.
“Thôi thì về nhân đạo, bản thân tôi đi làm từ thiện để làm gì. Tôi sẽ bỏ thêm vài chục tỉ đồng vào đây, bằng tiền túi của tôi chứ không phải tiền của Hội đồng quản trị. Trung bình, một căn nhà tái định cư sẽ hết 850 triệu đồng thì công ty sẽ bỏ 500 triệu đồng, còn lại thì tôi sẽ lo. Thay vì tôi đi làm từ thiện ở các nơi thì tôi sẽ làm từ thiện ở đây”, bà Loan cho biết.
Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG cho rằng, đền bù không xong, công ty phải nhiều lần xin gia hạn dự án. Giờ trả cũng không có ai nhận. Vì dự án này, QCG phải nợ tiền của các đối tác, ngân hàng. Từ khi dính vào dự án này, QCG như ở tù. Ai mua thì công ty này sẽ bán, lỗ bao nhiêu thì chịu nhưng không ai mua. Vừa rồi có đối tác hỏi mua nhưng họ cũng yêu cầu QCG giao đất sạch.
“Việc huyện Nhà Bè trả lời không tham gia vào quá trình đền bù, giải tỏa là ông đang làm sai đó. Bao nhiêu lần, chúng tôi yêu cầu huyện Nhà bè trả lời bằng văn bản, đóng dấu vô. Nếu ổng dám trả lời bằng văn bản thì chúng tôi mang đi kiện ngay. Tôi cũng không sống nổi với cái này nữa”, bà Loan nói.
Tình hình ở dự án Phước Kiển đẩy QCG vào tình thế rất ngặt nghèo. Vừa rồi, QCG nhận 50 triệu USD từ Công ty Cổ phần Đầu tư Sunny Island. Nếu hết tháng 10 này, không giải tỏa xong dự án thỉ QCG phải đền cho đối tác số tiền gấp đôi.
“Tất cả giấy tờ về khu đất phía đối tác cầm hết rồi. Nếu tháng 10 không giải tỏa xong thì họ lấy hết khu đất này hoặc chúng tôi phải đền lại cho đối tác 100 triệu USD. Coi như người ta phạt mình đó. Mình chết thôi!”, bà Loan nói.
Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG cũng khẳng định, nếu đến tháng 10 này giải tỏa không xong thì công ty sẽ mời luật sư kiện UBND huyện Nhà Bè.
Làm việc với chúng tôi vào sáng ngày 1/8, ông Bùi An Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, dự án Khu dân cư Phước Kiển thì QCG đã đền bù được 92%. Còn lại là thỏa thuận chưa được do giá cả hai bên đưa ra không khớp nhau. Đối với những dự án này, chủ đầu tư phải tự đền bù giải tỏa. Đó là nguyên tắc, chính quyền địa phương chỉ làm cầu nối giữa người dân và chủ đầu tư để hai bên tìm được tiếng nói chung.
“Thực ra mà nói, nhiều hộ dân ở trong khu vực này pháp lý không hoàn thiện, thiếu thốn điện nước. Mong muốn của Nhà Bè là hình thành nên các khu đô thị mới, đảm bảo sự phát triển chung của TP.HCM nhưng quyền lợi của người dân trong khu vực này phải được đảm bảo”, ông Hòa nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà cho biết thêm, chính quyền đã đề nghị công ty Quốc Cường tái định cư cho người dân. Với điều kiện của những người dân thuộc phần đất của dự án thì họ không đủ sức để có được chỗ ở mới phù hợp với quy hoạch chung của Nhà Bè. Do đó, QCG nên hỗ trợ người dân để họ sớm di dời. Tuy nhiên, việc tái định cư phải đảm bảo đủ diện tích tách thửa theo Quyết định 33 của UBND TP.HCM.
“Đến nay, huyện Nhà Bè đã tổ chức ba lần cho người dân gặp gỡ, đối thoại với chủ đầu tư. Cái giá mà người dân ở đây mong muốn công ty Quốc Cường là từ 15-20 triệu đồng/m2”, ông Hòa nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp