Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Quay lại sàn chứng khoán sau 10 năm bị hủy niêm yết, cổ phiếu Bông Bạch Tuyết liên tục tăng trần

Chứng khoán

15/06/2018 16:44

Niêm yết trên HNX vào ngày 12/6, đến nay cổ phiếu Bông Bạch Tuyết đã có tới 4 phiên tăng trần và đang giao dịch ở mức 4.700 đồng/cổ phiếu.

10 năm vắng bóng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/6, cổ phiếu BBT của Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết tăng trần 14,6% lên mức 4.700 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên tăng trần liên tiếp thứ 4 của BBT kể từ lúc lên sàn vào ngày 12/6. Hiện tại, vốn hoá của BBT ở mức 28 tỷ đồng.

Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết được đăng ký giao dịch 6,84 triệu cổ phiếu trên Upcom với mã chứng khoán BBT. Ngày giao dịch đầu tiên 12/6/2018. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 2.300 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau 10 năm bị huỷ niêm yết trên HOSE, BBT đã quay trở lại sàn chứng khoán.

Trong ngày giao dịch đầu tiên, BBT tăng trần tới 39,13% lên mức 3.200 đồng/cổ phiếu. Ở phiên giao dịch thứ 2 vào ngày 13/6, BBT tăng trần 12,5% lên vùng giá 3.600 đồng/cổ phiếu. Ở phiên giao dịch hôm qua 14/6, BBT tăng trần 13,89% lên mức 4.100 đồng/cổ phiếu.

Bông Bạch Tuyết trở lại sàn chứng khoán sau 10 năm vắng bóng.
Bông Bạch Tuyết trở lại sàn chứng khoán sau 10 năm vắng bóng.

Trên sàn chứng khoán, BBT không phải là cái tên xa lạ. Bông Bạch Tuyết niêm yết trên HOSE từ tháng 3/2004 với mã chứng khoán BBT. Là doanh nghiệp có tiếng trong ngành sản xuất bông băng vệ sinh, y tế thời đó, Bông Bạch Tuyết còn là một trong những doanh nghiệp đầu tiên góp mặt trên thị trường chứng khoán. 

Tuy nhiên, khác với giai đoạn sau cổ phần hóa, kết quả kinh doanh của Bông Bạch Tuyết bắt đầu xuống dốc từ sau khi niêm yết, nội bộ công ty xảy ra nhiều xung đột, hoạt động sản xuất không hiệu quả.

Đến tháng 7/2008, công ty ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh do không có vốn. Đến tháng 9/2009 công ty mới hoạt động trở lại. Ngập ngụa trong thua lỗ, cổ phiếu BBT bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE từ tháng 7/2008. Phiên giao dịch cuối cùng trên HOSE vào ngày 31/7/2009 đóng cửa ở mức giá sàn 5.400 đồng/cổ phiếu. BBT cũng là cổ phiếu đầu tiên bị hủy niêm yết trên HoSE.

Sau 9 năm bị hủy niêm yết, tháng 8/2017 Bông Bạch Tuyết đã chốt danh sách cổ đông ngừng nhận hồ sơ chuyển quyền sở hữu chứng khoán để đăng ký giao dịch trên HNX. BBT trở lại sàn chứng khoán với 4 năm liên tiếp có lãi sau chuỗi ngày thua lỗ kéo dài. Doanh thu thuần năm 2017 đạt trên 92,4 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016. Hai năm liên tiếp 2016, 2017 công ty đều lãi trên 14 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông năm 2017 của Bông Bạch Tuyết cũng đã thông qua phương án phát hành 2,96 triệu cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 68,4 tỷ lên 98 tỷ đồng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Bông Bạch Tuyết cũng rút tên Công ty Cổ phần May Gia Định ra khỏi danh sách cổ đông dự kiến mua cổ phần riêng lẻ trong đợt phát hành này theo đề nghị của Công ty May Gia Định và bổ sung Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên Huế là đối tượng chào bán toàn bộ lượng cổ phần phát hành riêng lẻ lần này. Đây là tiền đề để BBT quay trở lại sàn chứng khoán sau 10 năm vắng bóng.

Tiền thân của Bông Bạch Tuyết là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết thành lập năm 1960, là nhà máy của tư nhân chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ. Sau đó, nhà máy đổi tên thành xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết vào năm 1979.

Năm 1992, BBT đổi tên thành công ty Bông Bạch Tuyết. Đây cũng là thời điểm đánh dấu những bước phát triển mạnh mẽ khi công ty trở thành doanh nghiệp tiên phong nhập khẩu dây chuyền sản xuất băng vệ sinh dán. Cải tiến công nghệ, tung sản phẩm mới chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm của Bông Bạch Tuyết nhanh chóng bao phủ khắp thị trường cả nước.

Đến năm 1997, Bông Bạch Tuyết chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 11,4 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 30% vốn. Mô hình hoạt động mới đưa sản phẩm bông y tế của Bông Bạch Tuyết chiếm 90% thị phần cả nước, còn sản phẩm băng vệ sinh chiếm 30%.

Năm 2004, Bông Bạch Tuyết trở thành công ty thứ 23 niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Nhưng cũng kể từ đây, những tháng năm thua lỗ của doanh nghiệp này bắt đầu. Cụ thể, từ 2005-2008, nội bộ công ty thường xuyên xảy ra xung đột, quản lý gặp nhiều mâu thuẫn, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Năm 2006, Bông Bạch Tuyết lỗ 8,5 tỷ đồng và năm 2007 lỗ tiếp 6,8 tỷ đồng.

Sự thất bại của Bông Bạch Tuyết được các chuyên gia nhận định là do sai lầm trong chính sách đầu tư. Không tập trung chính vào mảng mình có thế mạnh là bông y tế mà dàn trải, thiếu nghiên cứu khi mạnh tay đầu tư cho sản phẩm băng vệ sinh phụ nữ.

Thoát hiểm ngoạn mục

Trái ngược với đà tăng trần của Bông Bạch Tuyết, phiên giao dịch 15/6 thị trường chứng kiến cảnh đảo chiều ngoạn mục. Ở phiên sáng Vn-Index đã rơi mạnh xuống dưới mốc 1.010 điểm và giao dịch chủ yếu trong sắc đỏ trong phiên chiều. Tuy nhiên, Vn-Index đã may mắn thoát hiểm trong phút cuối.

Cụ thể, trong phiên sáng, sau khi giằng co trong phần lớn thời gian của phiên, Vn-Index đã lao mạnh xuống dưới mốc 1.010 điểm khi đóng cửa phiên khi nhóm cổ phiếu lớn đồng loạt giảm giá. Trong khi đó, Hnx-Index dù cũng có những rung lắc mạnh cuối phiên nhưng vẫn giữ được sắc xanh khi chốt phiên sáng.

Ở phiên giao dịch buổi chiều, lực cung giá thấp thiết giảm, trong khi lực cầu trở lại với nhiều mã lớn, nhất là nhóm ngân hàng giúp Vn-Index dần hồi phục nhưng gặp nhiều khó khăn do đà giảm tại 2 mã lớn nhất là VIC và VHM cùng với một số mã bluechip khác như VPB, SBT, ROS, HDB, DPM, FPT, VJC. 

Tưởng chừng VN-Index tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp, thì bất ngờ trong đợt khớp lệnh ATC, sự bật dậy mạnh mẽ của VCB, GAS, BID, CTG… đã giúp Vn-Index thoát hiểm ngoạn mục.

Vn-Index may mắn giữ được sắc xanh trong phiên 15/6.
Vn-Index may mắn giữ được sắc xanh trong phiên 15/6.

Chốt phiên giao dịch 15/6, Vn-Index tăng 0,79 điểm lên 1.016,51 điểm. Thị trường có 140 mã tăng và 147 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 165.43 tỷ đồng, giá trị 4.943 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng nhưng tăng nhẹ 7,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 902 tỷ đồng.

Hnx-Index tăng 0,99 điểm lên 115,90 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 45 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị 1.059 tỷ đồng. HNX có 74 mã tăng giá, 64 mã đứng giá, 80 mã giảm giá.

Phiên hôm nay thị trường tiếp tục diễn biến giằng co và rung lắc mạnh. Tuy nhiên nhờ dòng tiền bắt đáy tiếp tục chảy vào thị trường giúp các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt xanh trở lại giúp các Vn-Index và HNX tăng điểm.

Cụ thể, trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 18 mã tăng giá và 11 mã giảm giá. Các mã tăng giá mạnh nhất trong nhóm này là GAS tăng 1.900 đồng/cổ phiếu, SAB tăng 1.500 đồng/cổ phiếu, CTD tăng 1.200 đồng/cổ phiếu, BMP tăng 1.300 đồng/cổ phiếu. 

Ở chiều giảm giá có ROS giảm tới 4.200 đồng xuống mức giá sàn 56.800 đồng/cổ phiếu, VIC giảm 2.500 đồng/cổ phiếu, VJC giảm 2.000 đồng/cổ phiếu, BVH giảm 1.500 đồng/cổ phiếu. Chính việc giảm mạnh của những mã cổ phiếu này đã tạo sức ép rất lớn lên các chỉ số.

Rất may, sự tích cực đã xuất hiện trở lại ở các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường như dầu khí và ngân hàng. Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, các mã cổ phiếu trụ cột trong nhóm đều bật tăng như VCB tăng tới 900 đồng/cổ phiếu, MBB tăng 800 đồng/cổ phiếu, ACB và BID đều tăng 700 đồng/cổ phiếu. Các mã như: CTG, KLB, LPB, SHB, TCB có mức tăng giá nhẹ.

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng rất tích cực với sắc xanh lan tỏa. Các mã như PLX, POW, PVB, PVD, PVS, PVY, TDG đều ở chiều tăng giá. Chỉ còn 2 mã cổ phiếu dầu khí giảm giá nhẹ là BSR và OIL giảm 100 đồng/cổ phiếu.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, những mã vốn hóa lớn nhất nhóm này giảm mạnh như VIC, VHM. Tuy nhiên, vẫn còn có những mã rất tích cực như NVL tăng 400 đồng/cổ phiếu, VRE tăng 500 đồng/cổ phiếu. Những cổ phiếu vốn hóa lớn vừa và nhỏ thuộc nhóm bất động sản tăng mạnh mẽ như CEO, CIG, HTT, PPI… được kéo lên mức giá trần.

Dù các chỉ số giữ được sắc xanh nhẹ nhưng khối ngoại tiếp tục bán ròng rất mạnh trên cả 2 sàn. Trên HOSE khối ngoại đã bán ròng hơn 23,1 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị bán ròng 542 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VIC với giá trị bán ròng hơn 534 tỷ đồng. ROS giảm sàn nhưng lại được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trên HOSE với giá trị mua ròng gần 101 tỷ đồng.

Trên HNX, khối ngoại bán ròng tới hơn 2 triệu đơn vị, với giá trị bán ròng 41,68 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất VGC đạt hơn 23,6 tỷ đồng, VCG trên 21,5 tỷ đồng.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement