19/10/2020 01:56
Quảng Bình lũ lên mức lịch sử, vượt đỉnh lũ năm 1979, người dân chới với kêu cứu trong đêm
Chiều tối 18/10, rất nhiều nơi ở Quảng Bình, người dân khẩn thiết kêu gọi lực lượng cứu hộ hỗ trợ xuồng, áo phao để thoát ra khỏi vùng ngập.
Hơn 1 giờ sáng 19/10, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia phát tin lũ đặc biệt lớn ở Quảng Bình.
Theo đó, tại trạm Lệ Thuỷ sông Kiến Giang lũ lên 4,79m, trên mức lũ lịch sử 1979 tới 88cm. Hiện nước lũ vẫn đang lên, dự báo sáng sớm mai, lũ có thể còn dâng thêm 70cm nữa, lên tới 5,5m, trên mức báo động 3 đến 2,8m.
Ngập lụt sâu, nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng, thấp tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới.
Tỉnh Quảng Bình đã cập nhật số điện thoại đường dây nóng, trực ban của lực lượng tìm kiếm cứu nạn để người dân gọi khẩn cấp.
Số điện thoại khẩn cấp của các đơn vị cứu hộ được tỉnh Quảng Bình công bố tối 18/10. Ảnh: gov.vn |
trước đó, vào 16h, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Bình cho biết từ 16h ngày 18/10, nước lũ sông Kiến Giang (Lệ Thủy) đã trên báo động 3 và vượt mốc lũ lịch sử 1979. Khoảng 80% nhà dân ở Lệ Thủy bị ngập, trong đó một nửa ngập sâu từ 1-1,7m.
Tại thị trấn Kiến Giang và các xã Sơn Thủy, An Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy, Liên Thủy… của huyện Lệ Thủy, có nơi ngập sâu từ 3-5m.
Khu vực TP Đồng Hới, từ 17h, mực nước sông Nhật Lệ đã vượt báo động 3 là 0,8m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2013 là 0,08m. Đồng Hới đã có hơn 1.500 hộ dân bị ngập lụt. Riêng phường Phú Hải có 100% hộ dân bị ngập, từ 0,5-1m, có nơi ngập sâu trên 1,7m.
Huyện Bố Trạch cũng có 33 thôn, bản bị cô lập, hơn 1.000 nhà bị ngập từ 0,3-1,5m.
Lũ lên nhanh, bất ngờ khiến người Quảng Bình trở tay không kịp, hàng nghìn ngôi nhà ngập trong biển nước. Ảnh: Thanh Niên |
Cập nhật tình hình ở Tuyên Hóa, Quảng Bình lúc 8h tối nay, chị Vũ Loan lo lắng chia sẻ: "Mưa lớn kèm gió to. Nước cứ cao lên. Bây giờ không biết làm gì nữa, chỉ biết cầu mong trời thương cho nước rút thôi".
Cập nhật lúc gần 1h sáng 19/10, CEO Fasgo Nguyễn Hữu Tuất lo lắng cho biết tình hình Lệ Thủy rất nguy cấp. "Mưa to, không thấy nóc nhà. Ngay lúc này chỉ mong cứu người, chẳng ai còn cứu của nữa. Mỗi F5 có một lời kêu cứu, nhưng gần như mọi lời kêu cứu trong nỗi tuyệt vọng, ném vào mênh mông đêm tối mịt mùng, mưa xé trời đất. Chỉ mong trời kịp sáng, mưa tạnh để bà con được cứu", anh Tuất viết trên facebook cá nhân.
Anh cũng mong muốn các cơ quan chức năng, mạnh thường quân ứng cứu với các biện pháp khẩn cấp cao nhất nlà hỗ trợ cứu người bằng thuyền lớn đi biển và lực lượng ngư dân tham gia ứng cứu. Vì chỉ có ngư dân đi biển mới có đủ cả thuyền, kinh nghiệm, sức khoẻ và khả năng cứu người giữa mênh mong nước lũ.
Ngoài ra, anh cho rằng khẩn cấp nhất là huy động hệ thống phao cứu sinh, thuyền hơi, can nhựa để cứu những người đang kẹt trong vùng lũ. Thành lập ngay trung tâm cứu hộ với hệ thống Line điện thoại để tiếp nhận yêu cầu cứu trợ và đánh dấu trên hệ thống bản đồ Google Map, để ai cũng có thể biết và hỗ trợ cứu hộ.
Tất cả chỉ mong cứu người. Mong ông trời có mắt hãy thương!
Quảng Trị chìm trong biển nước, ngập nặng hơn so với trận "đại hồng thủy" năm 1999. Ảnh: Thời đại. |
Tại Quảng Trị, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong hôm nay, lũ lên dâng cao hơn đỉnh lịch sử năm 1999 đến 0,3-0,4m, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Tại huyện Vĩnh Linh, chị Thanh Trà, đang mang thai đầu sắp tới ngày sinh, nên rất lo lắng vì nếu chuyển dạ bất ngờ rất khó để đi liên hệ với đội cứu hộ. Chị Trà cho hay, hiện tại ở Vĩnh Linh những chỗ nào ngập sâu đã được lực lượng cứu hộ dùng Cano chở đi đến khu vực an toàn hơn. Nhà nào vẫn còn trong khả năng ứng phó thì vẫn ở lại.
Bà con cùng nhau kết bè để di dời đàn lợn chạy lũ. Ảnh: NVCC. |
Tối 18/10, Thủ tướng có Quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp 4.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Mỗi tỉnh 1.000 tấn, để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định.
Cũng trong ngày 18/10, Thủ tướng có công điện yêu cầu tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 tỉnh Thừa Thiên Huế và tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Tối 18/10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và Bình Định. Theo cơ quan này, chiều 18/10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to. Nguy cơ cao ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Dự báo trong đêm 18 và rạng sáng mai 19/10, lượng mưa các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 200mm; lượng mưa các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 80mm. Trước đó, bản tin thời tiết tại khu vực Trung Trung Bộ dự báo từ 18/10-21/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nên sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to, riêng Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa ở Quảng Bình và Quảng Trị lên đến 400-600 mm, có nơi trên 700 mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 2, riêng lũ trên các sông ở Quảng Trị đều đã xấp xỉ và vượt báo động 3. Lúc 21h10 tối 18/10, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh phát tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và ngập úng khu vực Hà Tĩnh. Theo dự báo trong 6 giờ tới, tại Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, dao động từ 100 - 200mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở 14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ở mức "cao và rất cao". Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh tối 18/10 cũng thông báo tăng lưu lượng xả tràn hồ Kẻ Gỗ từ 23h đêm, với lưu lượng xả tràn từ 400m3/s đến 500m3/s. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp