10/03/2021 15:42
Quả phật thủ dùng để làm gì?
Quả phật thủ không dùng ăn trực tiếp như trái cây được, nhưng dùng làm thuốc, chế biến các món ăn ngon bổ dưỡng.
Phật thủ là loại quả thuộc chi cam chanh. Hoa nở có mùi thơm và quả thì không có nước, bên trong cũng không có ruột mà chỉ có phần lõi xốp.
Do đó, phật thủ không thể ăn trực tiếp được. Tuy nhiên, nó có thể được dùng làm nguyên liệu chế biến các món ăn ngon bổ dưỡng cũng như các bài thuốc quý.
Phật thủ dùng làm thuốc
Theo Đông y, quả phật thủ có vị đắng, chua và tính ấm nên có tác dụng điều trị các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, viêm gan, đau họng, ngực tức đầy, mạng sườn trướng đau...
Các nghiên cứu dược lý cho thấy quả phật thủ còn có thể giải trừ sự co thắt cơ trơn hay hạ huyết áp cũng như cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa... Quả phật thủ còn chứa rất nhiều vitamin C, đường, acid hữu cơ, dầu chanh, glycozit.
Nếu dùng làm thuốc, người ta thường thu hái quả chín về, thái dọc thành từng miếng mỏng, phơi khô. Liều dùng cho mỗi ngày từ 4 - 8g, cùi quả phơi khô, sắc uống, làm trà thuốc hoặc lấy vỏ quả ngâm rượu uống.
Hãm trà từ quả phật thủ
Trà phật thủ cũng là một thức uống thơm, mát mà còn có thể chữa thêm các bệnh về dạ dày: đau dạ dày cấp tính, đau dạ dày mãn tính…
Phật thủ 10g rửa sạch, thái nhỏ, cho nước sôi hãm uống thay nước chè ngày một lần. Dùng cho các bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng, co thắt tâm vị, đầy ợ hơi và buồn nôn.
Làm mứt với quả phật thủ
Nếu ngày Tết bạn đã rất quen thuộc với các loại mứt: dừa, cà rốt, gừng… thì mứt phật thủ hẳn là rất lạ lẫm và thú vị. Công thức khá đơn giản nhưng thành phẩm lại không kém phần hấp dẫn chút nào. Món mứt này còn có thể bảo quản sử dụng từ 6 tháng tới 1 năm nữa.
Để làm mứt, đầu tiên bạn cần rửa sạch quả phật thủ, lau khô, thái thành những miếng hạt lựu có kích thước khoảng 1cm. Sau đó cho vào nồi inox đáy dày hoặc hợp kim, đổ nước gấp đôi lượng miếng phật thủ đã cho vào nồi, đậy vung và đun sôi.
Khi sôi nên giảm lửa xuống, mở vung và đun tiếp khoảng 30 - 40 phút, lúc này phần nước sẽ chỉ còn xăm xắp với phần phật thủ. Với những người thích ăn ngọt thì có thể cho thêm đường vào nồi, để lửa vừa, dùng thìa gỗ đảo đều để đường thấm kĩ vào phần thịt quả.
Phật thủ ngâm rượu
Phật thủ ngâm rượu vừa có thể dùng trang trí phòng khách cũng có thể sử dụng trong việc chữa chứng rối loạn tâm thần ý thức.
Quả phật thủ phải rửa sạch để ráo và cắt phiến ngâm rượu trắng từ 7 - 10 ngày. Mỗi lần uống từ 40 - 50 ml (không nên uống quá) sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị các chứng rối loạn tâm thần ý thức (trầm cảm ức chế...). Điều trị đau bụng kinh, chữa ho đờm và viêm phế quản. Điều trị các chứng rối loạn tâm thần ý thức như trầm cảm.
Giải rượu bằng quả phật thủ
Nếu bạn đang tìm cách uống rượu tẹt ga ngày tết mà không say thì bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn cách đơn giản nhất để giã rượu trong ngày Tết.
Để giải rượu trong những ngày tết các bạn cần lấy 30g phật thủ tươi (hoa hoặc quả) sau đó sắc lên rồi cho người đang say rượu uống. Cách này đơn giản mà cực hữu hiệu giúp những người say rượu không bị đau đầu mà rất tình táo.
Cháo phật thủ chữa ho sốt
Cháo phật thủ cũng là một món không thể không kể tới, sử dụng rất tốt cho người bị đau tức vùng ngực, ho…
Bạn có thể dùng phật thủ 10g - 15g, gạo tẻ 60g - 80g. Nấu phật thủ và lấy nước bỏ bã, nấu với gạo tẻ. Khi cháo chín cho thêm đường trắng khuấy đều, đun sôi. Dùng cho các trường hợp sốt ho, đau tức vùng ngực do tràn dịch màng phổi.
Phật thủ dùng làm gia vị
Đặc biệt, phật thủ cũng được dùng làm gia vị trong cả các món ăn như: gà hấp lá sen cùng nấm và phật thủ, phật thủ hầm trái cây và nấm, ruột heo hầm phật thủ… đều là các món ăn ngon và bổ dưỡng.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement