Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Quá khứ vàng son, vì sao Licogi trượt dài trong thua lỗ?

Doanh nghiệp

16/08/2018 08:11

Đặt ra mục tiêu hoành tráng nhưng đã nửa năm trôi qua, Tổng công ty Licogi lại bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục vì nợ quá nhiều.

Nợ đầm đìa

Báo cáo tài chính bán niên 2018 đã soát xét của Tổng Công ty Licogi (LIC) cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc trong lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm trước, từ khoản lỗ 950 triệu đến nay đã chuyển thành lãi 2,6 tỷ.

Tuy nhiên, doanh thu kỳ này chỉ bằng phân nửa cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 79 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán vật liệu xây dựng giảm từ 12,2 tỷ xuống còn 6,6 tỷ đồng. Doanh thu cung cấp dịch vụ giảm từ 29,9 tỷ đồng chỉ còn 6,6 tỷ đồng. Nguồn thu chủ lực từ hợp đồng xây dựng giảm xuống còn 70,52 tỷ đồng. Cùng đà giảm với doanh thu, giá vốn bán hàng nửa đầu năm 2018 chỉ còn 79,47 tỷ đồng.

Licogi có một lịch sử bề thế.
Licogi có một lịch sử bề thế.

Như vậy, lợi nhuận gộp của LIC ghi nhận khoản lỗ 375 triệu đồng. Tuy nhiên, LIC có được khoản cổ tức tăng thêm 16 tỷ đồng, lãi tiền gửi tăng gần 8 tỷ đồng mà doanh thu tài chính tăng 44%. Ngoài ra, chi phí tài chính còn giảm nhẹ so với năm trước chỉ còn hơn 48 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm chỉ còn 18,65 tỷ đồng. Tất cả đã giúp cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lội ngược dòng chuyển từ lỗ sang lãi 11,52 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, LIC trích khấu hao cho các tài sản cố định đang dừng hoạt động và không phát sinh doanh thu khác nên LIC bị lỗ khác gần 9 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế, lãi ròng công ty mẹ gần 2,6 tỷ.

Còn ở quý I năm 2018, LIC đạt kết quả kinh doanh hợp nhất cũng không mấy khả quan khi lỗ ròng gần 20 tỷ đồng. Cụ thể, trong quý I công ty đạt doanh thu 546,6 tỷ đồng, hụt 50 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh hơn xuống 472 tỷ đồng đã đẩy lãi gộp tăng 9% lên 74 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn tiết kiệm được 12,6 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, 2 tỷ chi phí bán hàng.

Nhờ đó, Licogi chỉ lỗ ròng 19,7 tỷ đồng, giảm nhiều so với khoản lỗ 36,6 tỷ cùng kỳ năm trước. Phần lỗ ròng của cổng đông công ty mẹ là 26 tỷ đồng. Giải trình về kết quả kinh doanh quý I, LIC cho rằng chi phí các ban điều hành công trình đã hết sản lượng, doanh thu nhưng vẫn phải duy trì để làm hồ sơ thanh, quyết toán các công trình.

Việc tiếp tục thua lỗ quý I đã đẩy lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tính đến 31/3/2018 là âm 553 tỷ đồng, bào mòn 61% vốn góp của chủ sở hữu. Theo đó, vốn chủ sở hữu của LIC tiếp tục giảm từ 436 tỷ đầu năm xuống 426 tỷ đồng vào cuối quý I, trong khi nợ phải trả tăng thêm 152 tỷ đồng.

Hoạt động không mấy khả quan nhưng tại đại hội cổ đông 2018, Tổng công ty Licogi đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với doanh thu 529 tỷ đồng, tăng 22% và lỗ trước thuế 55,5 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với số lỗ năm trước 101,4 tỷ đồng. LIC tiếp tục không chia cổ tức năm 2018.

Khi hợp nhất, Licogi đề ra mục tiêu doanh thu tăng trưởng 26% đạt 3.411 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 96 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ 59 tỷ năm trước. Đồng thời, Licogi nâng mạnh vốn đầu tư phát triển từ 609 tỷ đồng năm 2017 lên 1.629 tỷ đồng.

Về kế hoạch thoái vốn, LIC tiếp tục thoái vốn tại 13 doanh nghiệp theo Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên các năm 2016 và 2017 như Licogi 10, Licogi 12, Licogi 13, Licogi 14, Licogi 15, Licogi 16… Danh mục thoái 100% vốn của tổng công ty được bổ sung thêm 3 cái tên là Công ty Cổ phần Cơ giới và Xây lắp số 9, Công ty Cổ phần Licogi 17 và Công ty Cổ phần Thủy điện Bắc Hà.

Thiếu tiền hoạt động

Nhìn vào hoạt động kinh doanh èo uột hiện tại, sẽ không ít người chạnh lòng bởi quá khứ hào hùng của Licogi. Licogi là một tổng công ty chuyên ngành xây lắp thuộc Bộ Xây dựng, với 28 đơn vị thành viên hoạt động trên địa bàn cả nước. Từ khi thành lập năm 1960 đến nay, Licogi đã tham gia thi công nhiều công trình lớn có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng…

Tiền thân của Licogi là Công ty Thi công Cơ giới trên cơ sở Đoàn thi công cơ giới thuộc Bộ Thủy lợi-Kiến trúc, thành lập ngày 8/8/1960. Công ty này được thành lập dựa trên sự hợp nhất của Công trường cơ giới 10 Sơn Tây, 15 Thanh Hóa, 32 Việt Trì, 64 Thác Bà, 68 Hoàng Thạch, Đội cơ giới 7 Hà Bắc….

Trải qua rất nhiều lần hợp nhất, chuyển giao phần vốn Nhà nước giữa các bộ ngành, vào ngày 18/10/2013, Bộ Xây dựng quyết định chuyển giao quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu phần vốn Nhà nước của Licogi từ Tập đoàn Sông Đà về Bộ Xây dựng.

Sau đó, Licogi tổ chức IPO tại HNX và chào bán thành công 100% số cổ phần đưa ra đấu giá. Ngày 19/12/2015, LIC đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và cuối năm 2015 đăng ký hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Nhưng hiện tại, Licogi chìm trong thua lỗ và nợ nần.
Nhưng hiện tại, Licogi chìm trong thua lỗ và nợ nần.

Hiện tại, vốn điều lệ của Licogi là 900 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu niêm yết trên Upcom là 90 triệu nhưng vốn hoá thị trường chỉ 387 tỷ đồng. Cổ phiếu LIC của Licogi thường xuyên giao dịch bằng nửa mệng giá khi thường lanh quanh mức 4.500 đồng/cổ phiếu.

Điều đáng lo ngại hơn, trong báo cáo tài chính soát xét quý II năm 2018, kiểm toán đã lưu ý đến hàng loạt các khoản mục có liên quan đến những kỳ kế toán trước. Đầu tiên, liên quan đến việc chưa nhận được kết quả phê duyệt kết quả cổ phần hóa giai đoạn từ 1/1/2013 đến 31/12/2015 nên các kết quả kinh doanh những năm sau có thể bị ảnh hưởng khi có quyết định chính thức.

Thứ hai, liên quan đến một số lô đất thuộc Khu đô thị Nam ga Hạ Long, năm 2017 Licogi đã ghi nhận doanh thu và giá vốn hàng bán lần lượt là 16,7 tỷ và 12,7 tỷ đồng. Nếu LIC hạch toán theo VAS 14 thì doanh thu và giá vốn hàng bán tương ứng đối với các lô đất đã bàn giao trong năm là 19,9 tỷ và 4,7 tỷ đồng. Như vậy lỗ kế toán trước thuế năm 2017 sẽ giảm khoảng 700 triệu đồng.

Thứ ba, liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, trong năm 2016 trước khi bàn giao dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt cho công ty con, LIC đã tính toán lại chi phí lãi vay của các năm trước và ghi nhận vốn hóa lãi vay cho dự án này một khoản có giá trị 87,46 tỷ đồng. Việc hạch toán này không tuân theo chuẩn mực kế toán VAS 16.

Tại thời điểm 1/1/2017, LIC đã thực hiện vốn hóa lãi vay vào dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt với tổng giá trị lũy kế 282,58 tỷ đồng. Do thời gian kéo dài, phần lãi vay để phục vụ dự án này đã được công ty mẹ vốn hóa và một phần trong đó được dùng làm tài sản góp vốn khi thành lập công ty con.

Do thời gian thực hiện dự án quá dài, kiểm toán không thu thập đủ thông tin để xác minh tính chính xác của các khoản mục liên quan gồm “Đầu tư vào công ty con”, “Phải thu ngắn hạn khác”, và “Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang” liên quan đến dự án. 

Ngoài ra, số liệu trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm 30/6/2018 cho thấy tài sản ngắn hạn chỉ ở mức 786,6 tỷ đồng trong khi nợ ngắn hạn lên đến 2.124 tỷ đồng. Điều này dẫn đến việc kiểm toán nghi ngờ khả năng trả nợ.

Licogi cũng có khoản lỗ lũy kế giữa niên độ 2018 là 393 tỷ đồng, chiếm 44% vốn điều lệ. Tất cả những điểm lưu ý này cho thấy yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của Licogi.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement