19/09/2019 01:54
Quá khó để tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ bỏ đồ nhựa dùng một lần
Với tiện ích mà đồ nhựa mang lại cộng với giá thành quá rẻ, việc từ bỏ dùng đồ nhựa là quá khó đối với các tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ.
Việt Nam nằm trong top những quốc gia phát thải rác thải nhựa ra biển nhiều nhất năm 2010, số liệu này được tờ The Wall Street Journal công bố vào 2018 khiến không ít người Việt giật mình. Rõ ràng, việc sử dụng túi ni lông, ly nhựa, ống hút nhựa... đã quá quen thuộc với chúng ta, từ rất lâu, đặc biệt là những người kinh doanh, buôn bán.
Túi nilon, ly nhựa từ lâu nay được dùng để đựng đồ ăn thức uống. |
Việc lên án các đồ vật bằng nhựa dùng một lần được truyền thông khá nhiều trong thời gian gần đây, và người Việt cũng đã chú ý và quan tâm đến vấn đề này.
Bằng chứng là đã có những trào lưu thay đồ nhựa bằng các chất liệu “xanh” khác như sử dụng bình giữ nhiệt inox thay vì chai nhựa cho những nhu cầu cá nhân, mặt hàng bình giữ nhiệt inox đã được tiêu thụ rất mạnh nhờ trào lưu này.
Hàng loạt thương hiệu cafe, đồ uống thay ly nhựa bằng ly giấy, thay ống hút nhựa bằng ống hút cỏ - giấy- inox. Nhiều công ty tặng bình giữ nhiệt inox cho nhân viên, nhiều hệ thống siêu thị gói thực phẩm bằng giấy, nhiều bệnh viện chuyển dùng túi nilon sang túi giấy,... và còn nhiều nữa.
Quá khó để cáctiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ từ bỏđồ nhựa dùng một lần. |
Nghe có vẻ tinh thần bảo vệ môi trường của người kinh doanh đang “sôi sục”, đông đảo. Tuy nhiên, chỉ một vài thương hiệu đồ uống, một vài quán cafe, một vài công ty, một vài siêu thị bắt đầu thay đổi thì chưa là gì so với hàng trăm ngàn hộ kinh doanh nhỏ lẻ ngoài kia - những người dùng nhiều đồ nhựa nhất.
Những xe hàng rong đầy túi nilon
Dạo quanh các con đường ăn vặt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hay xung quanh các trường cao đẳng, đại học... rất dễ bắt gặp nhiều xe hàng rong bán đồ ăn, thức uống, và đa số, họ đều dùng rất nhiều đồ nhựa.
Các hàng bánh tráng trộn, trà sữa, trà tắc, cá viên chiên, hủ tiếu... đều dùng túi nilon, ly nhựa mỏng, hộp xốp để đựng thức ăn. Vì là hàng rong nên đa số người mua đều mang đi, vì thế đối với tiểu thương, dùng đồ nhựa rất tiện dụng, nhanh chóng và không có vật dụng nào có thể thay thế.
Với tiện ích mà đồ nhựa mang lại cộng với giá thành quá rẻ, việc từ bỏ dùng đồ nhựa là quá khó đối với các tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ. |
Bà Bích, bán bánh tráng trộn trên đường Nguyễn Văn Bảo, đoạn gần trường Đại học Công nghiệp TP.HCM chia sẻ, mỗi ngày bà phải dùng khoảng 3kg túi nilon để đựng thức ăn. Đa số khách đều mua mang đi, nên với bà, chỉ có dùng túi nilon là tiện lợi và rẻ nhất.
Những bịch bánh tráng trộn vẫn là món ăn vặt yêu thích của nhiều bạn trẻ. |
Túi giấy, bà Bích cũng đã nghe qua. Tuy nhiên giá thành của chúng quá cao, đắt gấp đôi túi nilon. Nếu chuyển sang đựng đồ ăn bằng túi giấy, bà Bích buộc phải tăng giá bán lên, như vậy sẽ chả có ai mua hàng bà nữa, bà thẳng thắn.
Đồ nhựa vẫn đắt hàng
Các con đường Lê Quang Sung, Ngô Nhân Tịnh, Hậu Giang (quận 6)... là những nơi chuyên cung cấp các mặt hàng ly nhựa, chai nhựa, túi nilon... lớn và lâu đời tại TP.HCM, với cả giá sỉ và lẻ, muốn mua bao nhiêu cũng có.
Các con đường Lê Quang Sung, Ngô Nhân Tịnh, Hậu Giang (quận 6) là những nơi chuyên cung cấp đồ nhựa. |
Đa số các đồ dùng bằng nhựa ở đây đều mờ mịt về nguồn gốc. Khách hàng chủ yếu là những người buôn bán đồ ăn lề đường, vì mua số lượng lớn nên đến đây lấy sỉ, với giá rất rẻ. Mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất là ly nhựa, ống hút và túi nilon với giá trung bình khoảng: 10.000 đồng/kg túi nilon (tùy kích cỡ), 500 đồng/ly nhựa (từ ly mỏng đến loại chất lượng hơn có in logo), 40.000 đồng/kg ống hút.
Mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất là ly nhựa, ống hút và túi nilon. |
Chị Tuyền (33 tuổi) buôn bán đồ nhựa đã hơn 10 năm tại đường Ngô Nhân Tịnh (quận 6) cho biết, trước đây, hàng hóa của chị được vận chuyển đến tận các tỉnh miền Tây. Nhưng mấy năm gần đây, những nơi này không còn nhập đồ nhựa từ cửa hàng của chị nữa. Ngày càng có nhiều đại lý như chị phát triển tại các tỉnh nhỏ nên khu Ngô Nhân Tịnh này không còn sôi động như trước.
Tuy nhiên, trong thành phố, nhu cầu đồ nhựa lại ngày một tăng do các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ xuất hiện ngày càng nhiều. Cửa hàng chị Tuyền chưa bao giờ vắng khách.
Đa số các đồ dùng bằng nhựa ở đây đều mờ mịt về nguồn gốc,với cả giá sỉ và lẻ, muốn mua bao nhiêu cũng có. |
Là một cư dân TP.HCM, chị Tuyền cũng nghe báo đài nói nhiều về việc hạn chế dùng đồ nhựa, hưởng ứng theo phong trào giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Nhưng dù sao, việc kinh doanh này đã nuôi sống gia đình chị nhiều năm nay, nên bỏ thì không thể được. Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều hộ kinh doanh đồ nhựa ở đây.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp