07/10/2020 20:34
Phương Tây vẫn mơ mộng sẽ... 'đánh bại' Putin
The Hill cho rằng cần phải “thấu hiểu” cách nhìn nhận của Tổng thống Putin, một người có thế giới quan phân biệt rạch ròi giữa tốt và xấu, đúng và sai.
Tìm cách hiểu Putin
Trang The Hill của Mỹ mới đây có bài phân tích về Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó nêu ra “hướng dẫn” để hiểu nhà lãnh đạo Nga, coi đây là bước đi đầu tiên để “đánh bại” ông.
Theo tờ báo Mỹ, những phân tích chính trị thường mang dáng dấp quan điểm của đời sống thực. Theo đó, điều quan trọng đối với công tác phân tích rủi ro chính trị là không nên tưởng tượng rằng bạn sẽ làm gì nếu bạn là một nhân vật nào đó, mà nên cảm thông ở mức độ đủ để hiểu rằng nhân vật đó sẽ làm gì. The Hill khẳng định, mục tiêu là không nhằm nghĩ về bản thân bạn mà là hiểu được người khác.
Theo đánh giá của tờ báo Mỹ, để hoàn toàn hiểu được lợi ích và mục tiêu của một đối thủ chiến lược có bản chất rất khác mình là một thách thức thực tế to lớn nhất và cũng khó có thể làm được điều này. Tuy nhiên, nếu làm được điều này thì lợi ích đem lại là vô cùng to lớn.
Tờ The Hill của Mỹ thường xuyên có các bài phân tích về nước Nga và Tổng thống Putin. |
Đề cập đến nhà lãnh đạo Nga, The Hill cho rằng giới lãnh đạo và bình luận phương Tây liên tiếp đặt câu hỏi vì sao Tổng thống Putin lại hành xử như vậy và không hành động “ít nhất giống như một nhà lãnh đạo dân chủ Tây Âu”? Theo tờ báo này, câu trả lời là: “Ông ấy không phải là nhà lãnh đạo dân chủ Tây Âu”.
Theo The Hill, những câu hỏi như vậy là ngây thơ. Công việc của một sĩ quan tình báo thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB) có tiếng ở cả Đông Đức và Nga đã tạo nên hành trang cho sự nghiệp sau này của Tổng thống Putin. Tờ báo Mỹ nhấn mạnh, ông Putin đã bất lực chứng kiến Liên Xô tan xã và tiếp đến là việc Nga từ một siêu cường trở thành một "con nợ" quốc tế.
Điều quan trọng khác giải thích cho uy tín dài lâu của Tổng thống Putin, điều mà The Hill cho rằng vốn khó hiểu đối với nhiều nhà phân tích phương Tây, là khao khát của ông nhằm lấy lại vị thế địa chiến lược của Nga. Cuối năm 2019, hơn 60% người dân Nga khi được hỏi vẫn đánh giá tích cực cho thành tích của ông Putin. The Hill cho rằng đây là tỷ lệ tín nhiệm khiến không ít lãnh đạo phương Tây phải ghen tị.
Tờ báo Mỹ giải thích rằng, Tổng thống Putin không chỉ đơn thuần là một nhà địa chiến lược để có thể hiểu và đánh giá đúng tình hình đất nước mình trong bối cảnh tình trạng kinh tế suy giảm, nhân khẩu học nguy cấp và tham nhũng tràn lan đã không thể giúp Nga duy trì được vị thế siêu cường của mình như thời Chiến tranh Lạnh. The Hill thừa nhận, mặc dù tồn tại những yếu kém nhưng Nga lại có không ít sức mạnh về năng lực quân sự, năng lượng và một nhà lãnh đạo cứng rắn và sắc sảo có khả năng nắm giữ quyền lực lâu dài, đủ để đất nước tìm cách quay trở lại vị thế siêu cường.
Tổng thống Nga Putin trong cuộc nói chuyện trực tuyến với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov ngày 7/10. |
Từ góc nhìn của tờ báo Mỹ thì nhà lãnh đạo Nga đánh giá việc Tây Âu bất ngờ tỏ quan ngại về vấn đề Ukraine và Belarus chỉ là thói đạo đức giả che giấu chương trình nghị sự luôn mở rộng của phương Tây vốn nhằm ngăn chặn Moscow trở lại vị thế siêu cường bằng cách bác bỏ tầm ảnh hưởng chính đáng của Nga.
The Hill viết: “Không giống như những nhà phân tích Tây Âu đi theo chủ nghĩa lý tưởng của Wilson, ông Putin cho rằng hệ thống quốc tế vẫn vận hành theo cách thức cũ trong hàng trăm năm qua. Trong cách nhìn nhận của ông Putin, hệ thống này vẫn phải phụ thuộc vào chính trị quyền lực và những phạm vi ảnh hưởng như nó vẫn vậy kể từ thời cổ đại”.
Do đó, The Hill đã so sánh việc Nga quan tâm tới Belarus và Ukraine cũng giống như việc Mỹ luôn quan tâm hơn cả so với các nước khác việc ai sẽ lãnh đạo Mexico. The Hill cho rằng cần phải “thấu hiểu” cách nhìn nhận của Tổng thống Putin, một người có thế giới quan phân biệt rạch ròi giữa tốt và xấu, đúng và sai. Tờ báo Mỹ kết luận rằng việc thấu hiểu quan điểm này sẽ là bước đi đầu tiên để đánh bại nhà lãnh đạo Nga.
Góc nhìn từ nước Nga
Ở chiều ngược lại, Tổng thống Putin thời gian qua cũng từng đưa ra những phát biểu công khai nhận định về tình hình nước Mỹ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình hồi tháng 6, Tổng thống Nga đã đưa ra những so sánh về cách ứng phó đại dịch COVID-19 giữa Nga và Mỹ, đồng thời mô tả tình trạng “khủng hoảng nội bộ sâu sắc” mà Mỹ đang phải trải qua.
Khi đó, Tổng thống Putin từng nói rằng tại Nga “đang thoát dần đại dịch với những mất mát tối thiểu, còn tại Mỹ thì mọi thứ không đi theo hướng đó”. Ông Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi đang làm việc rất suôn sẻ và dần thoát khỏi đại dịch một cách tự tin, với những mất mát tối thiểu,… hệ thống chính trị của Nga đã xử lý khủng hoảng tốt hơn hệ thống chính trị của Mỹ, bởi giới chức ở cấp liên bang và cấp địa phương đã làm việc một cách thống nhất, không có bất đồng như ở Mỹ...”.
Nhà lãnh đạo Nga tỏ ra tự tin khi đánh giá về nước Mỹ. |
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm: “Tôi không thể tưởng tượng được có ai đó trong chính phủ Nga hay chính quyền các khu vực nói rằng họ sẽ không làm những điều chính phủ hay tổng thống yêu cầu. Đó có vẻ như là vấn đề đang xảy ra trong các đội ngũ ở Mỹ…”.
Bên cạnh đó, ông Putin nhận định, COVID-19 đã phơi bày “những cuộc khủng hoảng nội bộ sâu sắc” tại Mỹ. Tổng thống Nga nói: “Tôi nghĩ vấn đề ở đây là các lợi ích nhóm, lợi ích đảng được đặt lên cao hơn lợi ích của toàn xã hội và lợi ích của người dân”.
Trong một bài viết được đăng tải trên tờ New York Times của Mỹ, Tổng thống Nga Putin còn đề cập đến cuộc khủng hoảng sắc tộc đã đẩy các thành phố trên khắp nước Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Trong bài viết, ông Putin nhấn mạnh rằng nước Nga, và trước đó là Liên Xô, luôn có sự đồng cảm rất lớn đối với cuộc chiến đòi các quyền cơ bản của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Ông viết: “Nếu cuộc chiến giành các quyền cơ bản, quyền pháp lý… trở nên hỗn loạn, thì chẳng có gì tốt đẹp cho đất nước”.
Liên quan tới cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay, trong cuộc họp với lãnh đạo các phe phái trong Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 6/10, Tổng thống Putin đã bày tỏ tin tưởng Nga sẽ sớm phát triển vaccine thứ b ngừa COVID-19.
Ông lưu ý các nghị sĩ rằng vaccine do Viện Gamaleya phát triển, đang trải qua giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng, đã được đăng ký và đang được lưu hành công khai, và hy vọng loại vaccine khác, do Trung tâm nghiên cứu Vector ở Novosibirsk phát triển, sẽ được đăng ký trong những ngày tới.
Tổng thống Nga Putin không ít lần khiến phương Tây ngỡ ngàng khi công bố các thành tựu của Nga trong lĩnh vực quân sự, y học... |
Ông Putin nói: “Đây đều là những loại vaccine đẳng cấp cao nhất thế giới - cả vaccine thứ nhất và thứ 2. Tôi tin chắc Nga sẽ sớm có vaccine thứ 3”. Tổng thống Nga nhấn mạnh sẽ cần hàng triệu liều vaccine và chỉ ra sự cần thiết phải tổ chức sản xuất hàng loạt vaccine.
Cho tới nay, vaccine Sputnik V, do Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya phát triển, được Bộ Y tế Nga đăng ký ngày 11/8, đã trở thành vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 trên thế giới. Hồi cuối tháng 9, Cục Sở hữu trí tuệ Liên bang Nga (Rospatent) đã cấp cho Vector bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19.
Về vấn đề kinh tế của Nga, hồi tháng trước ông Putin cũng đưa ra đánh giá, sự sụt giảm GDP của nước này do đại dịch COVID-19 ít hơn so với các nước khác, không chỉ do cấu trúc của nền kinh tế, mà phần lớn là do các biện pháp hỗ trợ của chính phủ.
Phát biểu tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế, Tổng thống Putin nói: "Tôi muốn lưu ý mức độ suy thoái kinh tế ở Nga, sự sụt giảm GDP ít hơn so với các quốc gia hàng đầu khác. Chúng ta biết rằng trong quý 2 năm nay, mức suy giảm GDP của Nga là 8,5%, ở Mỹ -9,5%, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) -15%...Rõ ràng là các biện pháp có mục tiêu, được suy nghĩ kỹ lưỡng và quan trọng nhất là hỗ trợ kịp thời các tập thể lao động, doanh nghiệp, toàn bộ các ngành công nghiệp, được Chính phủ Nga thực hiện ở cấp liên bang và cấp địa phương".
Những phân tích và phát biểu trên cho thấy phương Tây dường như chưa thể hiểu được nước Nga cũng như Tổng thống Putin, trong khi ông Putin lại rất tự tin khi đưa ra những đánh giá về phương Tây, đồng thời nắm rõ những vấn đề của đất nước. Xem ra, phương Tây vẫn chưa thể tiến tới “bước đầu tiên” để có thể “đánh bại” nhà lãnh đạo Nga như đề xuất của The Hill.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp