12/01/2022 11:51
Phiên giao dịch chứng khoán sáng 12/1: Cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị xả mạnh
Sau khi tăng nóng bằng lần chỉ trong thời gian ngắn, nhóm cổ phiếu bất động sản, nhất là các mã vừa và nhỏ đã bị chốt mạnh trong tuần này và sáng nay tiếp tục có nhiều mã giảm sàn.
Sau tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2022 rất thành công với việc VN-Index thiết lập đỉnh cao lịch sử mới ở ngưỡng 1.536,24 điểm (mức đỉnh đóng cửa 1.528,57 điểm) trong phiên phiên 6/1, cùng dòng tiền chảy mạnh trở lại, thị trường đã gặp những trắc trở trong tuần giao dịch thứ 2.
Ngay khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần thứ 2 của năm (10/1), đã xảy ra các sự cố lớn trên thị trường. Đầu tiên là tình trạng, nghẽn, lag, đơ trên hệ thống HOSE lại tái diễn trong phiên chiều, khiến lệnh chuyển từ HOSE về hệ thống một số công ty chứng khoán bị gián đoạn trong khoảng 20 phút.
Điểm thứ hai đó là hàng loạt mã cổ phiếu vừa và nhỏ tăng nóng bị chốt lời ồ ạt, nên đồng loạt “quay xe” giảm mạnh, có nhiều mã còn từ trần giảm xuống sàn, trong đó FLC thiết lập kỷ lục thanh khoản với gần 135 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý đến sau khi phiên giao dịch kết thúc. Theo đó, nhà đầu tư sau đó phát hiện trên website của FLC có bản công bố thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC công bố bán 175 triệu cổ phiếu từ ngày 10/1 đến 17/1. Thông báo được ký ngày 5/1, nhưng trên hệ thống của HOSE lại không hề có thông báo này.
Tiếp sau đó, đã lộ ra thông tin ông Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1. Vụ việc đã tạo ra sóng gió và rất nhiều ý kiến trên thị trường. Để xử lý, HOSE ngày 11/1 đã có thông báo sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022 của ông Trịnh Văn Quyết.
Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi đặt ra sau thông báo trên của HOSE như căn cứ vào quy định nào để đưa ra việc hủy giao dịch này và việc xử lý thế nào với gần 20.000 tài khoản đối ứng đã mua lượng cổ phiếu này? Không những thế, với một nửa số lượng cổ phiếu FLC còn lại được khớp trong phiên 10/1 sẽ xử lý thế nào, thậm chí là với cả phiên 11/1 do ảnh hưởng từ phiên trước đó. Ngoài ra, các cổ phiếu vừa và nhỏ khác cũng bị ảnh hưởng bởi giao dịch sẽ xử lý thế nào?...
Trở lại với phiên giao dịch sáng nay (12/1), bị ảnh hưởng tâm lý với những lùm xùm quanh giao dịch của FLC, các mã khác trong hệ sinh thái này sáng nay đã bị bán tháo và đồng loạt giảm sàn với dư bán sàn rất lớn như ROS còn dư bán sàn gần 62 triệu đơn vị, FLC còn dư bán sàn hơn 30 triệu đơn vị, AMD dư bán sàn hơn 11 triệu đơn vị, HAI dư bán sàn gần 15 triệu đơn vị. Trên HNX, KLF cũng còn dư bán sàn hơn 15,5 triệu đơn vị, hay ART còn dư bán sàn hơn 6 triệu đơn vị.
Không chỉ nhóm FLC, lực bán mạnh cũng diễn ra ở nhiều mã bất động sản tăng nóng khác như QCG, NVT, NBB, HAR, CII.
Trong đó, cặp đôi mẹ con CII - NBB cũng bị ồ ạt bán ra. Trước đó, việc Tân Hoàng Minh đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm với giá 2,4 tỷ đồng/m2, trên các diễn đàn, nhiều nhà đầu tư đưa ra định giá đất mà CII sở hữu tại Thủ Thiêm lên tới 10,4 tỷ USD (130.000 - 150.000 tỷ đồng) và hô hào mua vào. Tuy nhiên, sau khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc, cổ phiếu này đã bị xả mạnh sáng nay với lượng dư bán sàn lên tới 20 triệu đơn vị. NBB cũng chung cảnh ngộ với dư bán sàn gần 1 triệu đơn vị.
Lực bán mạnh ở nhóm này khiến VN-Index rung lắc, giảm điểm đầu phiên. Tuy nhiên, lực đỡ từ các mã bluechip, đáng kể là sự trở lại của nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép và dầu khí theo đà tăng của giá dầu đã giúp VN-Index bật trở lại.
Thông tin hỗ trợ cho thị trường là Quốc hội cho biết chưa có đủ cơ sở để tăng thuế giao dịch chứng khoán. Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư tại cuộc họp báo sau kỳ họp Quốc hội bất thường hôm qua (11/1), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhìn nhận, các bộ chuyên môn giải thích lý do chưa tăng thuế chứng khoán, bất động sản là hợp lý, chưa có đủ cơ sở để trình tăng thuế tại kỳ họp này.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp