25/09/2019 16:29
Phiên chiều 25/9: Dòng bank không cứu nổi thị trường
Tưởng chừng VN-Index sẽ có phiên đảo chiều ngoạn mục nhờ sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng cuối cùng chỉ số lại đóng cửa trong sắc đỏ một cách đáng tiếc khi chốt phiên chiều nay (25/9).
Trong phiên sáng, sau nửa phiên đầu giằng co trong biên độ hẹp, áp lực bán gia tăng mạnh nửa cuối phiên đã đẩy VN-Index xuống dưới ngưỡng 985 điểm.
Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã kéo VN-Index lên thẳng qua tham chiếu. Khi nhiều nhà đầu tư đã nghĩ tới kết thúc có hậu cho phiên giao dịch hôm nay, thậm chí VN-Index có thể chinh phục được mốc 990 điểm đã để lỡ trong phiên hôm qua, thì bất ngờ vào cuối phiên, lực bán ra tăng khiến bên mua rụt tay, đẩy VN-Index quay đầu và thêm chút lực bán trong đợt ATC đã khiến chỉ số này đóng cửa trong sắc đỏ một cách đáng tiếc.
Chốt phiên, VN-Index giảm 0,83 điểm (-0,08%), xuống 987,3 điểm với số mã tăng, giảm cân bằng, cùng 142 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 171,6 triệu đơn vị, giá trị 3.628,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% về khối lượng nhưng giảm 11% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 50 triệu đơn vị, giá trị 968 tỷ đồng.
Trong các mã lớn, trong khi SAB không còn giữ được sắc xanh khá đậm của phiên sáng khi chốt ở mức tham chiếu 263.000 đồng, thì VCB, BID, TCB lại đảo chiều tăng giá thành công, trong đó BID tăng tốt 1,14% lên 39.900 đồng. Ngoài ra, MSN, VHM cũng về được tham chiếu. Chỉ còn VIC, VNM, GAS, VRE giảm giá, trong đó cũng như phiên sáng, chỉ có GAS giảm trên 1%.
Về thanh khoản, ngoài TCB, phiên chiều có thêm 2 mã nữa trong nhóm này được khớp trên 1 triệu đơn vị là BID và VRE, trong đó VRE thanh khoản tốt nhất với 1,7 triệu đơn vị, TCB khớp 1,6 triệu đơn vị và BID khớp 1,45 triệu đơn vị.
Ngoài 3 mã ngân hàng trên, một số mã ngân hàng khác cũng đảo chiều tăng giá như CTG, VPB, STB, cùng sắc xanh được giữ vững tại HDB và EIB, trong khi TPB, MBB đứng giá tham chiếu. Trong phiên chiều cũng ghi nhận sự tích cực của MWG và FPT, trong đó MWG nới rộng đà tăng lên 2,87%, đóng cửa ở mức 125.500 đồng, còn FPT đảo chiều tăng 2,14% lên 57.400 đồng.
Trong khi đó, cũng chứng kiến nhiều mã nới rộng đà giảm như VJC, PLX, HPG, POW, PNJ, BHN.
Về thanh khoản, giống như thường lệ, ROS lại có giao dịch rất sôi động trong phiên chiều khi có tới 16 triệu đơn vị được khớp trong phiên này, nâng tổng khối lượng khớp cả phiên hôm nay lên 19,45 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa vẫn giảm 1,11% xuống 26.700 đồng.
HBC lùi xuống vị trí thứ 2 với 5,17 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa tăng 3,55% lên 14.600 đồng. HPG là mã có thanh khoản tốt thứ 3 với 3,96 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,13% xuống 21.900 đồng, MBB với 3,58 triệu đơn vị, ASM với 3,57 triệu đơn vị và cùng đứng ở mức tham chiếu.
Trong khi đó, HNX lại rơi thẳng đứng ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều xác lập mức đáy của ngày. Tại đây, lực bắt đáy nhập cuộc giúp chỉ số này hồi phục dần, tiến đến gần mốc tham chiếu, nhưng không đủ sức để giúp HNX-Index thoát khỏi phiên giảm điểm.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,19%), xuống 103,81 điểm với 62 mã tăng và 68 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,16 triệu đơn vị, giá trị 396,6 tỷ đồng, tăng 34% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,89 triệu đơn vị, giá trị 152,5 tỷ đồng.
Ngoài HUT và ART, trong phiên chiều, HNX có thêm 5 mã nữa gia nhập nhóm thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là PVS, ACB, SHB, CEO và NVB. Trong đó, HUT vẫn giữ phong độ với mức thanh khoản 1,77 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức trần 2.400 đồng, còn dư mua trần và ATC hơn 1,4 triệu đơn vị.
ART vẫn giữ mức tham chiếu 2.000 đồng với 1,24 triệu đơn vị, nhưng lùi xuống vị trí 5 về thanh khoản sau HUT, PVS, ACB, SHB.
Trong các mã lớn, dù có lực cầu bắt đáy khá tốt, nhưng ACB không thoát khỏi sắc đỏ khi chốt phiên với mức giảm 0,86% xuống 23.000 đồng với 1,52 triệu đơn vị. Tương tự, PVS cũng giảm 0,5% xuống 20.100 đồng với 1,58 triệu đơn vị. SHB đứng giá tham chiếu 6.500 đồng với 1,47 triệu đơn vị. CEO cũng đứng giá tham chiếu 10.100 đồng với 1,1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, chỉ số chính của sàn này cũng đuối dần trong phiên chiều và chỉ kịp hồi trở lại trong ít phút cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,27%), xuống 56,72 điểm với 85 mã tăng và 69 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,36 triệu đơn vị, giá trị 170 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,16 triệu đơn vị, giá trị 39,48 tỷ đồng.
Trên thị trường này chỉ có duy nhất PXL là có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị (1,17 triệu), nhưng đóng cửa giảm 6% xuống 4.700 đồng. Hai mã có thanh khoản tốt nhất phiên sáng là C4G và BSR vẫn duy trì nhịp với 0,63 triệu đơn vị và 0,81 triệu đơn vị. Trong đó, C4G đóng cửa tăng 5,97% lên 7.100 đồng, còn BSR lại giảm 1,08% xuống 9.200 đồng.
Trong các mã đáng chú ý, ACV, VBB đảo chiều tăng giá cùng với GVR, VGI, VEA, VGT.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, trong khi các hợp đồng tương lai trái phiếu vẫn chết thanh khoản, thì các hợp đồng tương lai VN30 lại phân hóa. Trong đó, 2 hợp đồng có ngày đáo hạn gần nhất là VN30F1910 (đáo hạn 17/10) và VN30F1911 (đáo hạn 21/11) tăng 0,13% lên 911,1 điểm và 0,39% lên 911 điểm, thì 2 hợp đồng có thời hạn đáo hạn dài hơn giảm 0,31% và 0,36%.
Về thanh khoản VN30F1910 vẫn có thanh khoản tốt nhất với 70.160 hợp đồng được chuyển nhượng, tương đương với hôm qua; khối lượng mở 18.087 hợp đồng, tăng 10,8% so với phiên hôm qua.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng nhiều hơn hôm qua với 8 mã, trong khi số mã giảm chỉ còn 6 mã và 2 mã đứng tham chiếu. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CREE1901 với 344.730 đơn vị, đóng cửa giảm 0,54% xuống 1.850 đồng. Tiếp đến là CVNM1901 với 322.150 đơn vị, đóng cửa tăng 5,06% lên 830 đồng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp