24/04/2021 15:09
Phát hiện thêm hai biến chủng COVID-19 mới
Chủng được nhóm chuyên gia tại Đại học Texas A&M (Mỹ) tìm ra, chỉ ít ngày sau khi họ phát hiện một biến chủng virus mới khác có tên BV-1.
Theo kênh truyền hình KBTX-TV của đài CBS, hai biến chủng nCoV mới là BV-2 và BV-3, tương tự cách đặt tên của BV-1, theo tên Brazos Valley, nơi Đại học Texas A&M và Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu đặt trụ sở. Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu và Đại học Texas A&M cũng là đơn vị phát hiện ra hai biến chủng virus mới này.
Mẫu gene của biến chủng BV-2, BV-3 được tìm thấy từ những bệnh phẩm thu thập từ đợt xét nghiệm axit nucleic cho sinh viên, giảng viên tại Đại học Texas A&M. Theo Giáo sư Ben Neuma, người đứng đầu khoa Virus học, Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu - Đại học Texas A&M, hai biến chủng virus mới chỉ chứa những đột biến rất nhỏ so với BV-1.
“Mảnh xoắn khuẩn SARS-CoV-2 dính vào tế bào có hình dạng giống quả chuối. Ở đầu, chúng có sự thay đổi khiến BV-2 có khả năng bám dính vào tế bào tốt hơn và chặn được một số kháng thể. Nhìn chung, đây là sự thay đổi duy nhất của biến chủng này”, ông Neuma cho hay. Biến chủng BV-2 chủ yếu được tìm thấy nhiều ở Mexico và Texas.
Điều khiến vị chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu, Đại học Texas A&M, lưu tâm đó là biến chủng BV-3. Bước đầu, các nhà nghiên cứu phát hiện cấu trúc gene của BV-3 là sự kết hợp của hai chủng khác nhau, trong đó có chủng B.1.1.7 từ Anh. Chúng tái tổ hợp và trộn lẫn bên trong một biến chủng. Các nhà khoa học chưa thể xác định biến chủng virus mới này có độc lực và khả năng lây nhiễm như thế nào.
Ông Neuma nhấn mạnh số lượng mẫu bệnh phẩm mang biến chủng mới của dòng BV mới chỉ phát hiện ở một số nơi. Tuy nhiên, chúng có nguy cơ lan rộng nếu không được sớm ngăn chặn. Sự kết hợp giữa những đột biến mạnh trong mã gene của nó có thể khiến biến chủng mới lây lan nhanh chóng, gây bệnh nặng và chống lại các kháng thể trung hòa.
Trước đó, ngày 21/4, nhóm chuyên gia trên phát hiện biến chủng mang tên BV-1, có những tương đồng về mặt di truyền, liên quan đến chủng B.1.1.7 từ Anh. Biến chủng có trong mẫu nước bọt của nam sinh mắc COVID-19 khi nhà trường sàng lọc diện rộng.
Theo ABC News, mẫu bệnh phẩm của sinh viên trên có kết quả dương tính vào ngày 5/3. Đến 25/3, anh tái dương tính với SARS-CoV-2 sau khi xét nghiệm axit nucleic cho kết quả âm tính. Ngày 9/4, kết quả xét nghiệm là âm tính và thanh niên này không còn triệu chứng mắc COVID-19. Điều này cũng khiến các nhà nghiên cứu lo lắng khi tình trạng mắc COVID-19 kéo dài, tái dương tính ở những người trẻ tuổi, vốn có sức đề kháng mạnh.
Advertisement
Advertisement