Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Phát hành tín phiếu, một mũi tên trúng hai đích của NHNN

Ngân hàng

18/07/2017 11:59

Ngày 17/7, NHNN đã bất ngờ phát hành tín phiếu NHNN với khối lượng phát hành là 8,000 tỷ đồng, kỳ hạn 1 tuần và lãi suất trúng thầu 1,3%/năm.

Đây là đợt phát hành tiếp theo sau hơn 4 tháng NHNN đã không sử dụng công cụ này để điều hành chính sách tiền tệ kể từ ngày 3/3/2017.

Phát hành tín phiếu đồng nghĩa với việc NHNN sẽ hút bớt tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng. Như vậy có hai câu hỏi cần phải được làm rõ, thứ nhất là tại sao NHNN lại phát hành tín phiếu vào thời điểm hiện tại? Và động thái này của NHNN sẽ tác động như thế nào đến diễn biến của thị trường trong thời gian tới?

Một mũi tên trúng hai đích

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh doanh nguồn vốn đến từ các ngân hàng thương mại trong nước (traders), động thái trên của NHNN xuất phát từ việc nhiều ngân hàng đã mua được một khối lượng lớn nguồn vốn bằng ngoại tệ (long position) từ khách hàng trong thời gian qua nhưng lại không chịu bán lại cho NHNN.

Việc phát hành tín phiếu sẽ góp phần đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (interbank) có xu hướng tăng lên thay vì đang duy trì ở mức rất thấp như hiện nay, khoảng 1,7%/năm đối với các khoản cho vay kỳ hạn 1 tuần.

Lãi suất tăng lên sẽ khiến cho chi phí nắm giữ ngoại tệ trở lên đắt đỏ hơn, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá giữa đồng USD và VND đang có xu hướng giảm xuống. Do đó, việc các ngân hàng buộc phải bán lại ngoại tệ cho NHNN sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Việc NHNN phải trả lãi cho các ngân hàng nắm giữ tín phiếu không chỉ dừng lại ở mục đích nhằm mua được ngoại tệ để tăng dữ trữ ngoại hối, mà đồng thời còn nhằm hướng tới mục tiêu tăng cung tiền cho nền kinh tế. Theo đó, một khối lượng tiền đồng tương ứng sẽ được bơm ra hệ thống ngân hàng.

Thanh khoản của toàn hệ thống do vậy sẽ tiếp tục được nâng lên, qua đó góp phần hỗ trợ cho các ngân hàng có dư địa để hạ thấp mặt bằng lãi suất huy động vốn trên thị trường 1 như định hướng điều hành xuyên suốt của NHNN trong thời gian vừa qua.

Diễn biến nào cho thị trường tiền tệ trong thời gian tới?

Như phân tích ở trên thì nhiều khả năng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ tạm thời đảo chiều tăng lên. Tuy nhiên, tăng lên mức bao nhiêu lại phụ thuộc rất nhiều vào động thái tăng hay giảm khối lượng tín phiếu phát hành của NHNN cũng như khối lượng ngoại tệ mua được từ các tổ chức tín dụng. Do đó, rất khó để có thể dự đoán chính xác diễn biến của thị trường tiền tệ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào mục tiêu hàng đầu của NHNN lúc này là hỗ trợ thanh khoản cho cả hệ thống thì kịch bản tốt nhất có thể xảy ra sẽ là, NHNN mua được một lượng ngoại tệ đủ lớn, đồng thời được hút về một phần tiền đồng thông qua phát hành tín phiếu.

Khi nào lãi suất trên thị trường liên ngân tăng trở lại mức 2-3%/năm thì sẽ dừng lại. Khi đó, chênh lệch giữa lãi suất trên thị trường 1 và 2 sẽ duy trì ở mức 2-3%.

Mục tiêu cuối cùng là giảm lãi suất huy động trên thị trường 1

Nếu diễn biến của thị trường tiền tệ chỉ dừng lại như phân tích ở trên thì gần như sẽ không có sự đóng góp nào cho việc hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng.

Khi thanh khoản của toàn hệ thống được cải thiện mà không gây áp lực lên tỷ giá thì NHNN sẽ tiếp tục có động thái nhằm hạ mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1, qua đó kéo mặt bằng lãi suất cho vay ra nền kinh tế giảm theo. Chi phí vốn giảm sẽ khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy GDP tăng trưởng.

Để hạ mặt bằng lãi suất huy động, NHNN sẽ tiếp tục phải thực hiện một trong hai động thái dưới đây. Thứ nhất, hạ trần lãi suất huy động thay vì duy trì mức 5,5%/năm từ năm 2014 đến nay. Thứ hai, giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) nhằm giúp các ngân hàng có được nguồn vốn rẻ hơn so với huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế.

Việc lựa chọn giải pháp nào cũng sẽ gây ra các phản ứng phụ, có tính chất tiêu cực, tuy nhiên giải pháp thứ hai được xem là phù hợp hơn xét trong tổng thể các yếu tố thị trường hiện tại.

HÀ ĐÔNG (Trí thức trẻ)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement