28/09/2017 11:37
Phát cuồng vì 'soái ca'
Tháng 9/2017, hình ảnh chàng trai cầm cờ trong lễ khai giảng tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trở thành tâm điểm chú ý trên báo mạng.
Sau một thời gian ngắn xuất hiện và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, bức ảnh về nam sinh cầm cờ được một cộng đồng các bạn trẻ cho là đẹp trai “soái ca”, có “góc nghiêng thần thánh”, thu hút hơn 60.000 lượt thích, gần 2.000 chia sẻ và nhiều bình luận.
Phần lớn những bình luận khen vẻ đẹp trai của nam sinh này và phong cho anh chàng thành “soái ca” trong lòng tuổi teen. Chẳng rõ anh bạn này có sung sướng khi trở thành soái ca hay không, nhưng do lượng người truy tìm gửi tin nhắn, đề nghị kết bạn dồn dập nên anh chàng đã khóa tài khoản cá nhân trên mạng xã hội.
Không lâu sau đó, cộng đồng mạng trẻ tuổi lại sôi sùng sục vì một nam sinh… cầm bảng là học sinh Trường THPT chuyên Amsterdam - Hà Nội, xuất hiện trong chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia mới đây. Thậm chí, sau khi bạn trẻ này xuất hiện thoáng qua trong chương trình, cả một tờ báo mạng được giới trẻ yêu thích còn giật tít: “Xuất hiện vài giây trong chung kết Olympia, nam sinh Trường Ams khiến các cô gái xin link bằng được”.
Và cũng gần như ngay lập tức, trang cá nhân của cậu bạn này được lùng sục, chia sẻ chóng mặt, hình ảnh từ thời mặc bỉm cho đến trưởng thành của cậu xuất hiện trên các báo mạng lẫn mạng xã hội, cũng với những mỹ từ: Chàng trai có góc nghiêng thần thánh, chàng trai năm ấy chúng ta cùng theo đuổi, con nhà người ta, “soái ca” vạn người mê…
Việc giới trẻ Việt mê mẩn diễn viên Hàn Quốc đẹp trai, soái ca này nọ, giờ xưa rồi, một bộ phận người trẻ bây giờ chỉ chăm chăm lên mạng xem có “con nhà người ta” nào chợt xuất hiện để rồi xuýt xoa là “soái ca”, là “thần thánh” bất kể là trai nước nào, còn trẻ hay tuổi ương ương.
Rõ ràng là chuyện cuồng “soái ca” đã và đang len lỏi vào đời sống của người trẻ Việt. Kéo theo đó, không ít tờ báo mạng cũng “đu” theo, nghiện đưa từ soái ca vào tin bài của mình để tăng view, nào là “Kinh hoàng chứng kiến soái ca cởi trần đứng lái xe máy”, “Soái ca nhà tù bất ngờ nổi tiếng vì mắt có hai màu kỳ lạ”; thậm chí nhiều bình luận còn rất thô thiển…
“Soái ca” thực ra là cụm từ không còn xa lạ với các bạn trẻ yêu thích ngôn tình. Hình tượng “soái ca” được mô tả với vẻ ngoại hình đẹp trai, tài giỏi, thông minh, lịch lãm, si tình và thủy chung với duy nhất một nữ nhi.
Còn “soái ca” hiểu theo nghĩa hiện nay, là để chỉ một anh chàng đẹp trai, lịch thiệp, phong độ, nhà giàu, thậm chí có quyền lực, giải quyết mọi chuyện bằng cú điện thoại hay cú phất tay đúng nghĩa. Nhưng đó là phim, là chuyện, còn ra đời thực, chỉ cần đẹp trai một chút, tướng tá coi bộ lực lưỡng một chút thôi, cũng đã được cho là “soái ca” vạn người mê rồi!
Tại sao chuẩn thần tượng của giới trẻ ngày càng trở nên dễ dãi đến vậy? Nếu như trước đây, chỉ có những tấm gương xuất chúng cả về tài năng và đạo đức mới được tôn lên làm thần tượng, giờ đây, ngay cả những “ngôi sao xẹt”, nổi tiếng nhờ scandal, hay đơn giản là xuất hiện trên báo mạng và mạng xã hội lung linh, cũng trở thành thần tượng, thành “soái ca” của giới trẻ.
Khi sức ép từ chuyện học hành đè nặng, thế giới giải trí lại đa sắc đa màu, người trẻ chọn theo sở thích cá nhân - thích trai đẹp, gái xinh, người ga lăng, để thỏa mãn phần nhìn hay đơn giản để giải trí, là điều không tránh khỏi. Đã thế, truyền thông mạng lại không mặn mà tuyên truyền về những tấm gương đẹp từ cuộc sống mà chỉ tập trung tung hô ca sĩ, diễn viên càng khiến suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ bị lệch lạc.
Có nhiều bạn trẻ chưa thật sự hiểu về thần tượng nhưng vẫn tôn thờ vì ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Và biết đâu, tôn thờ, suy tôn thần tượng mới được coi là sành điệu?
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp