21/02/2020 08:23
Phận long đong của Khu công nghiệp Phú Tân: “Xẻ thịt” làm khu dân cư (bài 3)
Giảm diện tích từ 133ha xuống còn 107ha, Công ty Nam Kim lấy 26ha xin chuyển thành Khu Đô thị Dịch vụ Hòa Phú rồi đi huy động vốn.
Chưa xong
Ngày 9/10/2019, Công ty Nam Kim gửi hồ sơ lên Ban quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương đăng ký điều chỉnh thông tin nhà đầu tư và giảm diện tích đất ở dự án Khu công nghiệp Phú Tân.
Cụ thể, Công ty Nam Kim đề nghị nội dung ghi tại giấy chứng nhận đầu tư, chuyển người đại diện pháp luật từ bà Nguyễn Kim Hương ở quận 11, TP.HCM qua bà Nguyễn Thị Nhung, sinh ngày 8/7/1992, trú tại Khu phố 4, phường Mỹ Phước, thị xã Bến cát, tỉnh Bình Dương.
Công ty Nam Kim đã quây tôn một phần diện tích Khu công nghiệp Phú Tân để làm Khu Đô thị Dịch vụ Hòa Phú. |
Nội dung thứ 2 mà Công ty Nam Kim xin mở rộng mục tiêu dự án thành đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, kinh doanh và cho thuê nhà xưởng, đầu tư xây dựng và kinh doanh công trình thương mại dịch vụ. Quy mô đất khu công nghiệp giảm từ 133,291ha xuống còn 106,539ha ở dự án Khu công nghiệp Phú Tân. Diện tích giảm xuống khoảng 26ha, Công ty Nam Kim quy hoạch thành Khu Đô thị Dịch vụ Hòa Phú.
Theo bản thuyết minh của Công ty Nam Kim, Khu Đô thị Dịch vụ Hòa Phú sẽ hình thành khoảng 1.177 căn hộ nhà ở liền kề và 4.292 căn hộ chung cư. Quy mô dân số 10.717 người.
Đến ngày 30/5/2019, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định số 1447/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Đô thị Dịch vụ Hòa Phú ở phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Theo đó, phía Bắc của Khu Đô thị Dịch vụ Hòa Phú giáp Khu công nghiệp Phú Tân, đường Lê Lai. Phía Nam giáp Khu công nghiệp Phú Tân, đường số 8. Phía Đông giáp đường D2, D5, Khu công nghiệp Phú Tân. Phía Tây giáp hành lang đường điện 110kv. Khu Đô thị Dịch vụ Hòa Phú có diện tích 266.968,7m2. Quy mô dân số khoảng 10.717 người.
Tính chất của Khu Đô thị Dịch vụ Hòa Phú là khu đô thị dịch vụ, bao gồm các nhóm nhà ở, các công trình dịch vụ phục vụ cho cư dân trong dự án và trong Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị Bình Dương.
Luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, muốn chuyển một phần đất khu công nghiệp thành đất ở, chủ đầu tư khu công nghiệp phải làm tờ trình gửi UBND tỉnh xin chuyển một phần đất khu công nghiệp sang đất ở. Sau đó, UBND tỉnh làm đề án gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Sau khi được Thủ tướng duyệt giảm diện tích đất khu công nghiệp chủ đầu tư mới làm các bước tiếp theo như một dự án nhà ở thông thường.
Tại văn bản 14493/BTC-ĐT của Bộ Tài chính trả lời Ban quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương về nội dung điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu công nghiệp Phú Tân của Công ty Nam Kim vào ngày 29/11/2019, Bộ Tài Chính cũng nói rằng, việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Khu công nghiệp Phú Tân thì thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư được căn cứ tại điểm g khoản 1 Điều 31 và khoản 4 Điều 40 Luật Đất đai 2014, dự án thuộc quyền quyết định và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định, phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thì UBND tỉnh Bình Dương mới được phép duyệt quy hoạch Khu Đô thị Dịch vụ Hòa Phú. |
Do đó, UBND tỉnh Bình Dương có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của các bộ ngành có liên quan, chỉ đạo nhà đầu tư hoàn chỉnh nội dung hồ sơ đầu tư dự án để trình Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Tương tự, Bộ Xây dựng cũng nói, theo Luật đầu tư 2014, nhà đầu tư cần lập hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư để làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu Công ty Nam Kim phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng.
Huy động vốn?
Đáng nói hơn, dù sổ đỏ số BO 579813 thuộc thửa đất số 164, 129, 187 tờ bản đồ số 04, 05, 06 thế chấp cho Ngân hàng OCB để Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi vay hơn ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nhiều hình thức khác nhau Công ty Nam Kim đã ký hợp đồng vay tiền của hàng trăm người nhưng có dấu hiệu huy động vốn trái phép của khách hàng để thực hiện dự án.
Cụ thể, Công ty Nam Kim ký kết hợp đồng vay với các khách hàng để mượn tiền. Lãi suất được hai bên thống nhất cho hợp đồng vay là 20%/năm. Tiền lãi được tính trên cơ sở 365 ngày. Lãi vay do Công ty Nam Kim trả cho khách hàng sau khi thanh lý hợp đồng. Khách hàng phải cam kết không rút tiền đã cho vay trước thời hạn.
Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, từ tháng 5/2019 đến hết tháng 9/2019 Công ty Nam Kim đã có 651 giao dịch với khách hàng qua ngân hàng với tổng số tiền khoảng hơn 405 tỷ đồng, chưa kể giao dịch tiền mặt. Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng. Đáng nói hơn, hợp đồng vay tiền của Công ty Nam Kim còn thể hiện rõ số lô đất, diện tích. Điều này đặt ra nghi vấn, Công ty Nam Kim đã huy động vốn trái phép tại Khu Đô thị Dịch vụ Hòa Phú?
Công ty Nam Kim có dấu hiệu huy động vốn trái phép tại Khu Đô thị Dịch vụ Hòa Phú? |
Báo cáo tài chínhchính của Công ty Nam Kim tại ngày 30/6/2019 cho thấy, khoản nợ phải trả của Công ty Nam Kim là 925,09 tỷ đồng, chiếm 73% tổng nguồn vốn. Trong đó, chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (637,99 tỷ đồng) và phải trả ngắn hạn khác (159,34 tỷ đồng), chi phí lãi vay phải trả là 126,69 tỷ đồng. Tất cả nợ vay này đều từ cá nhân, tổ chức và không có vay ngân hàng.
Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động kinh doanh của Công ty Nam Kim, trong đó có việc thực hiện dự án Khu công nghiệp Phú Tân chủ yếu dựa vào vốn vay ngắn hạn của các tổ chức, cá nhân với thời gian vay ngắn, lãi suất cao. Điều này tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động kinh doanh liên tục của Công ty Nam Kim.
Phản khoa học
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, theo Luật đất đai và Luật kinh doanh bất động sản hiện hành, nếu được Thủ tướng đồng ý chủ trương, chủ đầu tư này phải thực hiện thêm hàng loạt thủ tục khác.
Điển hình như xin chấp thuận chủ đầu tư, điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng khu công nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án nhà ở... cho đến khi được cấp giấy chứng nhận riêng cho phần diện tích chuyển đổi thì chủ đầu tư mới được chuyển nhượng dự án, huy động vốn.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Ngọc Phương, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho rằng, việc nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp xin chuyển một phần đất sang làm khu dân cư đang đi ngược xu hướng chung là di dời nhà máy ra xa khu dân cư.
Tách bạch với nơi sản xuất nhằm tạo ra môi trường sống an lành cho người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Quá trình này nhằm khắc phục tình trạng phát triển tự phát do lịch sử để lại nhưng phải trả giá rất đắt, không chỉ là tiền mà là đảo lộn đời sống của hàng vạn người dân.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, việc xây khu dân cư trong lòng khu công nghiệp là phản khoa học, đi ngược lại xu hướng của thế giới. |
Việc cho chuyển đổi đất công nghiệp thành khu dân cư ở Long An hay Bình Dương chính là đi lại vết xe đổ của nhiều tỉnh thành khác. Sắp tới đây, khi môi trường sống bị đe dọa, giữa doanh nghiệp và cư dân lại xảy ra mâu thuẫn, khi đó lại phải di dời hoặc cuộc sống lại bị đảo lộn hay nhà máy lại phải ra đi...
Ông Phương dẫn chứng, 10 năm trước UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I ra khỏi khu dân cư để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm. Thế nhưng hiện nay, tỉnh Đồng Nai vẫn loay hoay với việc di dời vì doanh nghiệp không đồng thuận, mức bồi thường quá cao.
Cụ thể, để đẩy nhanh di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I, Đồng Nai sẽ chấm dứt cho thuê và thu hồi đất của những doanh nghiệp đã hết hạn thuê đất. Với doanh nghiệp còn thời hạn thuê đất, tỉnh đưa vào danh sách thực hiện bồi thường để họ sớm chuyển đi. Tại Khu công nghiệp Biên Hòa I hiện có khoảng 80 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 40 doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất đến năm 2051.
Theo Tổng Công ty Sonadezi, tổng mức đầu tư đề án di dời và chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I là hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 2.400 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 7.500 tỷ đồng, gần 1.300 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.
Liệu rằng, việc UBND tỉnh Bình Dương đồng ý chuyển một phần Khu công nghiệp Phú Tân thành Khu Đô thị Dịch vụ Hòa Phú, để người dân sống chung với nhà máy rồi sau này lại phải loay hoay phương án di dời như tỉnh Đồng Nai?
Phận long đong của Khu công nghiệp Phú Tân: Đìu hiu như chợ chiều (bài 4) Rộng hơn 133ha nhưng hiện tại Khu công nghiệp Phú Tân chỉ có hai công ty thuê đặt nhà máy với diện tích 17ha. Phần còn lại hoang hóa, cằn cỗi! |
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp