14/04/2022 09:45
Phần Lan và Thụy Điển sẽ đưa ra quyết định có gia nhập NATO hay không vào tháng 6
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và người đồng cấp Thụy Điển cho biết, quyết định gia nhập liên minh quân sự NATO có thể được 2 quốc gia này đưa ra vào cuối tháng 6.
Phát biểu với các phóng viên tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển hôm thứ Tư (13/4), Thủ tướng Marin cho rằng có nhiều quan điểm khác nhau để nộp đơn xin gia nhập NATO và nước này sẽ phải phân tích những điều này rất cẩn thận.
“Nhưng tôi nghĩ quá trình của chúng tôi thảo luận sẽ khá nhanh, nó sẽ diễn ra trong vài tuần tới”, bà Marin nói thêm.
Cũng tại buổi họp báo chung với người đồng cấp Thụy Điển, Thủ tướng Marin cho biết Quốc hội sẽ thảo luận việc Nga xâm lược Ukraina đã dẫn đến “sự thay đổi môi trường an ninh của chúng ta” như thế nào và đánh giá việc đó đã tạo ra một sự thay đổi lịch sử trong thế trận quốc phòng của Phần Lan ra sao.
“Chúng ta cần phải thẳng thắn về những hậu quả và rủi ro, cả dài hạn và ngắn hạn”, nữ Thủ tướng Phần lan nói thêm.
Tuy nhiên, bà dự đoán rằng "không có cách nào khác để có được sự đảm bảo an ninh ngoài khả năng răn đe và phòng thủ chung của NATO", và quyết định có thể được đưa ra vào cuối tháng 6.
Phần Lan và Thụy Điển, có chung đường biên giới và môi trường an ninh tương tự, đã có mối hợp tác sâu sắc hơn với NATO kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết quyết định tấn công Ukraina của Moscow là một bước ngoặt.
“Trước và sau ngày 24 tháng 2, cảnh quan an ninh đã hoàn toàn thay đổi”, bà nói với các phóng viên. “Trước tình hình đó, chúng tôi phải thực sự nghĩ điều gì là tốt nhất cho Thụy Điển và hòa bình của chúng tôi trong tình hình mới này”.
Thủ tướng Andersson cho biết, hai quốc gia có khung thời gian tương tự để gia nhập NATO và “có lý do chính đáng cho điều đó”, ám chỉ thực tế rằng cả Stockholm và Helsinki đều không muốn là nước cuối cùng đứng ngoài liên minh.
Nga đã cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển không nên gia nhập NATO, một liên minh được thành lập vào năm 1949 nhằm chống lại mối đe dọa từ Liên Xô, cho rằng động thái này sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng "liên minh này vẫn là một công cụ hướng tới đối đầu".
Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga, trong nhiều thập kỷ đã từ chối đứng về phía nào, một quan điểm giữ hòa bình nhưng cũng hạn chế chủ quyền của nước này.
Sau Cách mạng Nga năm 1917, Phần Lan đã được lãnh đạo Liên Xô Vladimir Lenin trao trả độc lập một cách hòa bình, mặc dù một cuộc nội chiến đẫm máu đã nổ ra giữa đảng bảo thủ cầm quyền và những người được Liên Xô hậu thuẫn.
Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã cố gắng thực hiện một cuộc thôn tính vào tháng 11 năm 1939 trong cuộc chiến được gọi là Chiến tranh Mùa đông.
Thụy Điển cũng có một lịch sử lâu dài về quân đội không liên kết nhưng đã gửi vũ khí đến một quốc gia đang xảy ra chiến tranh - Ukraina - lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai.
Đảng Dân chủ Xã hội do Thụy Điển cầm quyền cho đến nay đã từ chối tư cách thành viên NATO. Hôm thứ Hai, họ cho biết họ đang xem xét lại chính sách an ninh quốc tế của mình trong bối cảnh Nga tấn công Ukraina.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp