06/12/2017 09:28
Phạm luật giao thông ở nội thành, phạt gấp đôi?
Các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc phản ứng từ người dân trước đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt vi phạm giao thông ở nội thành TP.HCM.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đang nghiên cứu lập dự thảo nâng mức phạt vi phạm giao thông khu vực nội thành lên gấp đôi. Tại buổi thảo luận chiều 4/12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa IX, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cũng đã nhắc đến đề xuất này.
Tăng phạt để… thêm vốn
Theo giải trình của Sở GTVT TP.HCM, thực trạng giao thông tại TP đang là vấn đề rất nan giải. Diện tích đất dành cho giao thông hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 7.841 ha (theo quy hoạch là 22.305 ha). Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị cũng chỉ đạt 8,5% (quy hoạch đạt 22,3%). Tổng chiều dài các tuyến đường vào khoảng 4.155 km, đạt mật độ 1,98 km/km², trong khi theo quy chuẩn xây dựng phải đạt từ 10 - 13,3 km/km².
Thêm vào đó, TP thiếu trầm trọng bến bãi (đạt khoảng 18% so với quy hoạch), cộng với lượng phương tiện cá nhân đang tăng chóng mặt khiến các phương tiện phải chiếm dụng mặt đường, chạy lòng vòng tìm chỗ lưu đậu càng làm tình trạng kẹt xe khu vực trung tâm TP thêm nghiêm trọng.
Hoạt động vận tải hành khách công cộng hiện cũng rất khó khăn khi diện tích bến bãi dành cho xe buýt, taxi hiện chỉ khoảng 29,99 ha (đạt 36,95% so với quy hoạch). Tính từ đầu năm 2016 tới nay, dù nhiều công trình bến bãi, cầu vượt đã được đầu tư và đưa vào khai thác nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về chỗ đậu, đỗ phương tiện.
Sở GTVT TP.HCM đề xuất nâng mức phạt vi phạm giao thông khu vực nội thành lên gấp đôi để tạo thêm nguồn thu, cải thiện hạ tầng giao thông. |
Để cải thiện hạ tầng giao thông, ông Bùi Xuân Cường cho rằng giai đoạn 2016-2020, TP cần khoảng 500.000 tỉ đồng. Mức này là quá lớn so với nguồn vốn mà TP có thể cân đối là 122.000 tỉ đồng. Việc thiếu vốn dẫn đến khó thực hiện các mục tiêu trong chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại TP, như số kilomet đường mới, cầu mới, quỹ đất dành cho giao thông… Điển hình là 2 dự án đường Vành đai 2 và 3, theo nghị quyết của HĐND TP, đến năm 2020, phải hoàn thành nhưng do nguồn vốn eo hẹp, việc đầu tư xây dựng 2 tuyến đường này sẽ khó thực hiện.
Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP.HCM đề nghị HĐND TP.HCM xem xét nâng mức phạt vi phạm giao thông ở khu vực nội thành lên gấp đôi so với hiện nay để bổ sung nguồn thu cho đầu tư hạ tầng giao thông. "Việc tăng mức phạt không cần phải áp dụng cơ chế đặc thù mà TP hoàn toàn có thể quyết định theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính" - ông Cường nói.
Phải đánh giá tác động
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết dự thảo về đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm giao thông thực hiện theo trình tự cụ thể, trong đó có lấy ý kiến từ người dân cùng các sở - ban - ngành cũng như có đánh giá tác động khi thực hiện để trình HĐND TP xem xét, quyết định. "Trước mắt, chúng tôi rà soát lại toàn bộ hành vi vi phạm, mức phạt cho từng hành vi cũng như nghiên cứu phân vùng cùng phạm vi áp dụng. Nếu được phép thực hiện, nguồn thu từ việc nâng mức phạt sẽ được bổ sung vào nguồn ngân sách và khi đó TP sẽ quyết định phân bổ cho lĩnh vực nào" - ông Khánh nhấn mạnh.
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam), đánh giá đề xuất trên phù hợp với mục đích tăng sức răn đe, xử lý các hành vi vi phạm để giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, không nên xem việc nâng mức phạt lên gấp đôi ở khu vực nội thành nhằm tăng nguồn thu để đầu tư, cải tạo hạ tầng giao thông bởi việc này còn có nhiều nguồn khác.
Ông Nguyên cũng nhìn nhận việc đánh giá tác động phải thực hiện kỹ lưỡng, cũng như cân nhắc phản ứng từ người dân. "BOT Cai Lậy là một ví dụ, bởi thực tế khi chuẩn bị lập trạm, các đơn vị được cho là đã có đánh giá tác động nhưng thực tế đã bị người dân, nhất là các tài xế phản ứng dữ dội. Vì vậy, với việc nâng mức phí như trên, theo tôi cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng" - ông lưu ý.
Nên cân nhắc Một vấn đề chuyên gia cho rằng TP.HCM cần cân nhắc việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông khu vực nội thành. Bởi lẽ trước đây, Nghị định 34/2010/NĐ-CP và cả Nghị định 71/2012/NĐ-CP có quy định "Áp dụng thí điểm đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các TP trực thuộc trung ương" nhưng từ ngày 1/1/2014, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được áp dụng theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, đã không còn đề cập đến quy định này. Trước băn khoăn này, theo Sở GTVT, tại điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013), HĐND TP trực thuộc trung ương được quyền quyết định về việc quy định mức phạt dành riêng đối với vi phạm giao thông tại nội thành. |
Advertisement