17/11/2020 12:32
Pfizer sẽ tiêm vaccine COVID-19 thí điểm tại 4 bang của Mỹ
Pfizer cho biết 4 bang Rhode Island, Texas, New Mexico và Tennessee đã được chọn cho chương trình thí điểm tiêm chủng COVID-19.
Tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ ngày 16/11 cho biết sẽ bắt đầu một chương trình tiêm chủng COVID-19 thí điểm tại 4 bang của Mỹ, để giúp tinh chỉnh kế hoạch phân phối và triển khai vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng của công ty này, theo TTXVN.
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong một tuyên bố, Pfizer cho biết 4 bang Rhode Island, Texas, New Mexico và Tennessee đã được chọn cho chương trình thí điểm này, vì sự khác biệt về quy mô tổng thể, sự đa dạng của dân số và cơ sở hạ tầng miễn dịch.
Pfizer cũng nêu rõ rằng "4 bang trong chương trình thí điểm sẽ không nhận được các liều vaccine ngừa COVID-19 sớm hơn các bang khác, cũng như sẽ không nhận được bất kỳ sự xem xét khác biệt nào nhờ chương trình thí điểm này".
Hôm 9/11, Pfizer tuyên bố vaccine thử nghiệm mà hãng này phối hợp với tập đoàn BioNTech của Đức phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người, đưa 2 hãng này trở thành nhà sản xuất dược phẩm đầu tiên cho thấy dữ liệu thành công ban đầu từ một thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn về vaccine ngừa COVID-19.
Uğur Şahin, giám đốc BioNTech, nhà khoa học đứng sau thành công vaccine Pfizer, tin rằng sản phẩm của mình có thể giúp chấm dứt đại dịch. Ảnh: Guardian |
Theo Şahin, cha đẻ của vaccine Pfizer, vaccine tấn công nCoV theo nhiều cách khác nhau. "Nó cản trở virus tiếp cận với các tế bào. Ngay cả khi mầm bệnh tìm cách xâm nhập, tế bào T vẫn có thể ‘đánh phủ đầu’ và loại bỏ chúng", ông giải thích.
Vaccine của Pfizer/BioNTech được điều chế dựa trên phân tử di truyền RNA, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh.
Trong khi phát triển vaccine thông thường, các nhà khoa học lấy thông tin di truyền từ virus và nuôi cấy nó trong tế bào người, phương pháp RNA chỉ yêu cầu mã di truyền của virus. Do đó, quá trình sản xuất có thể rút ngắn còn một phần ba, theo VnExpress.
Thế mạnh của Pfizer trong điều chế vaccine cùng những hành động nhanh chóng của cơ quan quản lý đã giúp đẩy nhanh quá trình phát triển thành 10 tháng, thay vì nhiều năm. "Chúng ta sẽ không mất thời gian để chờ đợi. Tưởng tượng bạn muốn đi từ đầu này đến đầu kia của London trong cảnh tắc đường. Bạn sẽ mất nửa ngày. Dự án của chúng tôi như việc đi trên một con phố vắng tanh", giáo sư Şahin nói.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement