12/08/2020 06:23
Ông trùm truyền thông Hong Kong Jimmy Lai vừa bị bắt là ai?
Ông trùm truyền thông Hong Kong Jimmy Lai vừa bị chính quyền đặc khu bắt giữ là một nhân vật “cộm cán” đối lập với Bắc Kinh từ những năm 90.
Lê Trí Anh, còn được biết đến với nghệ danh Jimmy Lai, là một doanh nhân người Hong Kong. Ông thành lập Giordano, một nhà bán lẻ quần áo lớn của Châu Á và Next Digital, một công ty truyền thông niêm yết tại Hong Kong và tờ báo nổi tiếng Apple Daily.
Từ công nhân xưởng may thành “cha đẻ” paparazzi tại Hong Kong
Lê Trí Anh sinh ra tại Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 1948. Theo Asian Nikkei Review, năm 12 tuổi, ông nhập cảnh vào Hong Kong bằng cách trốn trên một chiếc thuyền. Khi đến nơi, Jimmy Lai bắt đầu làm lao động phổ thông trong một xưởng may với mức lương chỉ 8 USD mỗi tháng (khoảng 185.000 đồng).
Từ một đứa trẻ lao động tay chân, ông đã thăng tiến lên vị trí quản lý nhà máy. Năm 1975, Lê Trí Anh sử dụng tiền thưởng cuối năm của mình để đầu tư cổ phiếu. Một thời gian sau, ông bán ra và huy động được tiền mặt để mua lại cổ phần của một nhà máy may mặc đã phá sản- Công ty Comitex. Ông bắt đầu khởi nghiệp với nghề sản xuất áo len. Khách hàng của Comitex bao gồm JC Penney, Montgomery Ward, và các nhà bán lẻ khác của Mỹ.
Lê Trí Anh từ một cậu bé lao động phổ thông tự mở được chuỗi bán lẻ quần áo lớn của Châu Á. Ảnh: CBC |
Bằng cách thưởng cho người bán các ưu đãi về tài chính, ông đã xây dựng thành công một chuỗi bán lẻ quần áo toàn châu Á. Chuỗi này có hơn 8.000 nhân viên tại 2.400 cửa hàng trên 30 quốc gia trên toàn thế giới.
Theo Thời báo châu Á, từ các cuộc biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, ông Lê Trí Anh dần trở thành người ủng hộ các phe đối lập và chỉ trích chính phủ Trung Quốc đại lục. Năm 1990, ông bắt đầu xuất bản tạp chí Next Megazine, trong đó kết hợp các chủ đề giật gân lá cải với các bài chính trị và kinh doanh chuyên sâu. Giai đoạn này, ông liên tiếp tung ra các tạp chí khác, bao gồm Hốt Nhiên Nhất Chu, Ẩm Thực Nam Nữ, Giao Dịch Thông và Nhất Bản Tiện Lợi dành cho giới trẻ.
Không chỉ giỏi về kinh doanh, Jimmy Lai còn được xem là “cha đẻ” cho paparazzi tại Hong Kong. Ông lấy cảm hứng từ các ấn phẩm như USA Today và The Sun để vận dụng hình thức săn ảnh báo chí về đặt khu này. Tạp chí Next Magazine và tờ báo Apple Daily bán chạy nhất nhì Hong Kong nhờ sự kết hợp giữa các nội dung “lá cải” đặc sắc và các mục tin tức hướng đến thị trường đại chúng với nhiều màu sắc và đồ họa thu hút nhiều độc giả.
Next Digital và Apple Daily là một thế lực truyền thông lớn nhất nhì Hong Kong. Ảnh: Straits Times |
Năm 1995, khi việc bàn giao Hong Kong lại cho Trung Quốc đến gần, Jimmy Lai thành lập Apple Daily, một tờ báo có vốn tự thân 100 triệu USD từ tài khoản cá nhân của ông. Chỉ sau hai năm, số lượng phát hành của tờ báo đã tăng lên 400.000 bản, là ấn phẩm có số lượng lớn thứ hai trong số 60 tờ báo tại Hong Kong.
Theo Forbes, Jimmy Lai từng nằm trong danh sách những người giàu nhất Hong Kong, với tài sản ròng đạt 1,2 tỷ USD năm 2008. Tuy nhiên, ước tính tài sản hiện nay của ông còn dưới 1 tỷ USD.
Bốn lần bị bắt vì đối lập với Bắc Kinh
Jimmy Lai từng khẳng định trên Apple Daily, ông mong muốn “duy trì quyền tự do ngôn luận ở Hong Kong thông qua Apple Daily”. Ngoài việc thúc đẩy các hoạt động của phe dân chủ, các ấn phẩm của ông thường khiến giới tài phiệt Hong Kong “xù lông” bằng cách vạch trần các mối quan hệ và hợp tác bất chính của họ với chính quyền địa phương.
Vào năm 2003, trước cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong vào tháng 7, trang bìa của Next Megazine có một bức ảnh cựu Đặc khu trưởng Đổng Kiến Hoa đang chụp một chiếc bánh vào mặt. Tạp chí này kêu gọi độc giả xuống đường, trong khi Apple Daily phân phát các nhãn dán kêu gọi ông Đổng từ chức.
Jimmy Lai luôn là nhân vật chủ chốt cho các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: WJS |
Các ấn phẩm của Jimmy Lai vẫn bị cấm ở Trung Quốc kể từ khi chúng ra đời. Lệnh cấm bắt nguồn từ chuyên mục năm ra đời 1994 cho rằng Thủ tướng Lý Bằng đứng sau sự kiện ở Quảng trường Thiên An Môn.
Ngoài ra, chuỗi Giordano cũng thể hiện sự ủng hộ của ông với phong trào của các phe đối lập chính quyền Bắc Kinh. Thời gian ấy, chuỗi này tung ra nhiều mẫu áo thun có in hình chân dung của các thủ lĩnh sinh viên phong trào chống chính quyền Hong Kong.
Theo The Australian, lúc bấy giờ, Chính phủ Trung Quốc trả đũa Jimmy Lai bằng cách cho đóng cửa các cửa hàng Giordano, khiến ông phải bán công ty do mình thành lập để cứu vãn. Ngoài việc các ấn phẩm của anh ấy bị cấm ở Trung Quốc, các doanh nghiệp đã tránh xa việc đăng quảng cáo trên Apple Daily để tránh bị chính phủ Trung Quốc trả đũa.
Thời gian sau đó, Lê Trí Anh bị các nhà cung cấp tẩy chay hàng loạt công ty của mình. Các nhà phát triển bất động sản lớn của Hong Kong và các công ty hàng đầu chỉ quảng cáo trên các ấn phẩm không thuộc sở hữu của ông Lê. Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng cho biết, ông cũng phải trầy trật không ít để được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong vào năm 1999 bằng cách mua lại Tập đoàn xuất bản Paramount vào tháng 10 năm đó.
Jimmy Lai bị bắt giữ vì "tình nghi tổ chức, công khai hoặc tham gia vào một số cuộc tụ tập trái phép". Ảnh: SCMP |
Lệnh bắt giữ hôm 10/8 không phải là lần đầu tiên Jimmy Lai bị bắt. Ngày 13/12/2014, ông là một trong những nhà hoạt động chính trị bị bắt trong cuộc giải tỏa địa điểm biểu tình của “Phong trào dù vàng”. Ngày hôm sau, ông tuyên bố sẽ từ chức người đứng đầu Next Digital để “dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và theo đuổi các sở thích cá nhân của mình”.
Từ sự kiện đó, ông Lê Trí Anh liên tục bị tấn công hoặc ám sát, thậm chí khủng bố tận nhà bởi thể lực nặc danh. Các vụ ám sát bị tố là một "cuộc tấn công vào tự do báo chí”.
Gần đây nhất, ngày 28/2/2020, ông Lê bị bắt vì tụ tập bất hợp pháp khi tham gia các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Ông cũng phải đối mặt với một cáo buộc đe dọa sử dụng ngôn ngữ thô tục đối với một phóng viên vào năm 2017.
Đến ngày 18/4, Jimmy Lai nằm trong số 15 nhân vật cấp cao thuộc phe đối lập Bắc Kinh bị bắt tại Hong Kong. Theo tuyên bố của cảnh sát, việc bắt giữ ông là do tình nghi tổ chức, công khai hoặc tham gia vào một số cuộc tụ tập trái phép từ tháng 8 đến tháng 10/2019.
Ngay sau khi Jiimy Lai bị bắt giữ, cổ phiếu của công ty truyền thông Next Digital đã tăng 1.100%, đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2008 khi các nhà hoạt động chính trị bắt đầu chiến dịch khuyến khích những ủng hộ ông Lê Trí Anh bằng việc mua cổ phiếu. Trên các diễn đàn trực tuyến lớn như LIHKG, các áp phích kêu gọi mọi người tiếp tục mua cổ phiếu liên tục đăng tải. Cổ phiếu của công ty chủ quản tờ báo Apple Daily đã tăng vọt và đóng cửa ở mức 1,10 đô la Hong Kong/cổ phiếu. Điều này đã giúp định giá của Next Digital tăng lên hơn 2,6 tỷ đô la Hong Kong (khoảng 7.770 tỷ đồng). Theo đài truyền hình công cộng RTHK của Hong Kong, hàng chục người đã xếp hàng từ 2h sáng để có được một tờ báo. Trang nhất Apple Daily ngày 11/8 đề bức ảnh toàn trang ông Jimmy Lai bị dẫn qua văn phòng Apple Daily cùng với dòng tiêu đề: “Apple Daily phải chiến đấu”. Apple Daily cho biết họ đã in thêm 200.000 bản lên 550.000 bản, với dự đoán nhu cầu cao và cảm ơn độc giả đã tiếp tục ủng hộ. Các đại lý báo cáo rằng, một lô 190 tờ báo vừa đến quầy báo trên phố Argyle lúc 2h sáng thì đến 2h35 sáng, tất cả đã được bán hết. Trên Twitter, mọi người chia sẻ ấn phẩm Apple Daily ngày 11/8 đã được mua hết và phân phát miễn phí trên toàn đặc khu hành chính. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp