11/11/2020 10:40
Ông Trịnh Văn Quyết: Bamboo Airways đã được cấp phép bay thẳng đến Mỹ, có thể bay ngay cuối năm nay
Bamboo Airways sẽ được bay thẳng đến Mỹ bằng Boeing 787-9 Dreamliner, dự kiến nhanh nhất là vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), cho biết hãng này đã được Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cấp giấy phép vận chuyển hành khách, hàng hóa, bưu phẩm giữa Việt Nam và Mỹ vào ngày 10/11.
Bay thẳng đến Mỹ ngay cuối năm 2020
Ông Quyết khẳng định: “Đây là một trong những điều kiện cần quan trọng nhất để chúng tôi tiến tới bay thẳng thường kỳ Việt - Mỹ, thị trường hàng không có tiềm năng lớn với khoảng 700.000 lượt khách đi lại mỗi năm”.
Theo giấy phép được cấp, ông Quyết cho biết Bamboo Airways bắt đầu được thực hiện các chuyến bay thẳng charter (thuê nguyên chuyến) bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Các chuyến bay sẽ được thực hiện giữa các sân bay lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM tới tất cả các sân bay quốc tế tại Mỹ. Chủ tịch FLC tiết lộ: “Các sân bay ở Los Angeles hoặc San Francisco là những điểm đến đầu tiên mà chúng tôi xác định”.
Chủ tịch FLC còn cho biết thêm giấy phép này cũng mở ra cơ hội hợp tác dưới hình thức liên danh giữa Bamboo Airways và các đối tác tại Mỹ, để khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ trong thời gian tới. Song song với việc tiếp tục hoàn thiện thủ tục cấp phép, Bamboo Airways đã “chuẩn bị sẵn sàng” về mặt nhân lực, phương tiện, thiết bị.
Los Angeles hoặc San Francisco sẽ là điểm dừng chân đầu tiên của Bamboo Airways khi bay thẳng đến Mỹ. Ảnh: FLC |
“Tùy theo tình hình hồi phục sau dịch bệnh tại Mỹ và điều kiện thị trường, dự kiến nhanh nhất là vào cuối năm 2020, đầu năm 2021, chúng tôi bắt đầu có những chuyến bay thẳng đầu tiên tới Mỹ”, ông Quyết nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, việc cấp phép bay đến Mỹ là bước tiến quan trọng trong lộ trình xúc tiến đường bay của hãng hàng không này trong thời gian tới. Sau khi nhận được Giấy phép từ Bộ Giao thông Vận tải, hãng hàng không của tỷ phú Trịnh Văn Quyết sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục đệ trình xin cấp phép từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Tổ chức an ninh vận tải Mỹ (TSA) và các cơ quan chức năng liên quan của Mỹ.
TLãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhận định, việc thiết lập đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ mang tính thương mại, mà còn thể hiện năng lực của hãng cũng như toàn ngành, đặc biệt góp phần thắt chặt mối quan hệ toàn diện giữa hai đất nước.
“Mơ” bay đến Mỹ ngay khi mới hoạt động
“Giấc mơ Mỹ” của Bamboo Airways đã nhen nhóm từ ngày mới thành lập. Cất cánh vào đầu năm ngoái (tháng 1/2019), đến giữa năm, ông Trịnh Văn Quyết đã tự tin nói về lộ trình bay thẳng đến xứ cờ hoa.
Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Quyết nói: “Các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ thúc đẩy các hoạt động du lịch, mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với thương mại và đầu tư song phương. Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Boeing để khai thác các chuyến bay tới Mỹ”.
Lúc bấy giờ, chỉ sau hơn một tháng cất cánh, Bamboo Airways đã ký thoả thuận mua 10 chiếc máy bay Boeing.
Bamboo Airways đã ký thoả thuận mua 10 chiếc máy bay từ Boeing. Ảnh: FLC |
Cũng vào thời điểm này, Cục Hàng không Việt Nam đã đạt chứng chỉ CAT-1 của Mỹ. Đây là điều kiện tiên quyết để các hãng hàng không Việt Nam có thể đệ trình xin cấp phép bay tới Mỹ, và liên doanh với các hãng hàng không tại Mỹ. FAA sẽ tiếp tục đánh giá năng lực của từng hãng hàng không Việt Nam.
Cuối năm 2019, Bamboo Airways chính thức nhận máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Cùng lúc, hãng tiến hành hoàn thiện thủ tục xin Chứng chỉ khai thác máy bay (AOC) từ cơ quan chức năng Mỹ, để thiết lập đường bay thẳng. Đại diện hãng hàng không này khi đó khẳng định, đến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, Bamboo Airways sẽ bay thẳng đến Mỹ.
Tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways. Ảnh: Kinh tế & Tiêu dùng |
Quý I/2020, Bamboo Airways lên kế hoạch đặt mua 60 động cơ GE của Tập đoàn General Electric (Mỹ) và các dịch vụ liên quan trong năm 2020, với tổng trị giá 2 tỷ USD. Tất cả việc này là nhằm phục vụ đội bay Boeing 787-9 Dreamliner mà hãng đang đặt hàng.
Dù lỗ hơn 1.500 tỷ đồng, Bamboo Airways vẫn được Tập đoàn FLC và các cổ đông rót thêm 3.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng. Với ảnh hưởng của COVID-19, vào giữa tháng 5/2020, hãng bay này thống nhất dự kiến đường bay Mỹ sẽ được tái khởi động vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Đảm bảo không lỗ khi bay thẳng đến Mỹ
Bay thẳng đến Mỹ không chỉ là vấn đề về thủ tục, việc đau đầu về bài toán chi phí cũng khiến không ít nhà đầu tư lo ngại cho Bamboo Airways. Thế nhưng, ngay từ đầu, onng6 chủ Trịnh Văn Quyết luôn rất tự tin về mặt kinh tế của đường bay trên.
Theo ông Quyết, Tập đoàn FLC đã tính toán kỹ lưỡng, trong trường hợp Bamboo Airways chưa nhận tàu bay, phải thuê một chiếc Boeing 787-9, thì tất cả chi phí cho đường bay thẳng Việt - Mỹ khứ hồi một tháng khoảng 113 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuê máy bay hơn 23 tỷ đồng, xăng dầu 61 tỷ đồng, chi phí kỹ thuật 16 tỷ đồng, chi phí mặt đất 1 tỷ đồng,…
Với giá vé 1.100 USD khứ hồi cho 240 ghế, Bamboo Airways sẽ thu về hơn 116,3 tỷ đồng. Sau khi trừ tất cả các chi phí, ông Quyết tính toán hãng bay này lỗ khoảng 13 tỷ đồng một tháng.
Hàng ghế phổ thông trên máy bay Boeing 787-9 Ha Long Bay. Ảnh: FLC |
Tuy nhiên, Bamboo Airways có thể tăng giá vé 100-200 USD sau thời gian vận hành bay thẳng Mỹ đúng giờ, an toàn. Ông tính toán, với mức giá 1.300 USD, Bamboo Airways sẽ có lãi 8 tỷ đồng/tháng.
"Như vậy, lãi phụ thuộc vào giá vé bán ra", ông Quyết nhận định.
Nhà sáng lập Bamboo Airways từng phân tích, ngay cả khi giá vé tăng lên 1.300 USD, vé khứ hồi của Bamboo Airways vẫn rẻ hơn các hãng trong khu vực như Japan Airlines (1.600 USD), Cathay Pacific (trên 1.300 USD),…
Nếu số ghế lấp đầy không được như dự tính, Bamboo Airways sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Thay vì bay 17 ngày một tháng, hãng có thể dồn khách lại để bay 15 ngày. Thậm chí, Bamboo Airways cũng có thể bay qua nước thứ ba, như Nhật Bản, Hàn Quốc,… để đón thêm khách. Khi đó, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn bay thẳng.
Tuy nhiên hiện tại hãng này đang có 3 tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Kế hoạch kinh doanh theo tính toán của Tập đoàn FLC lại thêm rộng cửa.
Bamboo Airways đang có 3 tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Ảnh: FLC |
Thực tế, kế hoạch bay thẳng đến Mỹ của Bamboo Airways từng nhận nhiều ý kiến góp ý theo hướng thận trọng.
Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho rằng các hãng hàng không Việt Nam nói chung cần cân nhắc tính cạnh tranh khốc liệt trên đường bay này. Hiện nhiều hãng bay lớn trong khu vực đang khai thác dưới dạng một điểm dừng, với giá vé rất cạnh tranh.
Chia sẻ với báo chí, GS. Nawal Taneja, cố vấn cấp cao trường kinh doanh Fisher thuộc Đại học Ohio, cho rằng đường bay thẳng đến Mỹ phải cân nhắc trên cơ sở tìm hiểu thị trường, tiếp thị, tần suất bay.
"Cần nhìn lại việc 2 hãng hàng không Mỹ từng bay thẳng đến Việt Nam, vì sao họ lại dừng? Hơn ai hết, hãng hàng không cần tự đánh giá nguồn lực của mình. Nếu chỉ phục vụ khách thăm thân hay du lịch thì không hiệu quả.
Đường bay Mỹ muốn hiệu quả phải hướng tới những người không muốn tốn thời gian quá cảnh, là những doanh nhân sẵn sàng chấp nhận trả giá cao, song đi kèm với đó là dịch vụ thuận tiện với tần suất ít nhất 3 chuyến/tuần", chuyên gia này cho hay.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng cung cấp dịch vụ của Tập đoàn FLC tiếp tục "màu tối". Nhóm hàng không, khách sạn, du lịch đem về cho tập đoàn 3.648 tỷ đồng doanh thu nhưng lại “ngốn” tới 6.555 tỷ đồng giá vốn. Như vậy, mảng dịch vụ của FLC lỗ thuần 2.907 tỷ đồng. Tuy nhiên, hãng hàng không Bamboo Airways trong quý III/2020 có nhiều biến chuyển. Hãng dẫn đầu về tỷ lệ đúng giờ, đạt 95,6%, tăng so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là hãng hàng không Việt Nam duy nhất vượt công suất khai thác cùng kỳ năm 2019, với số liệu tăng trưởng chuyến bay đạt 18,8%. Tính đến ngày 21/9, Tập đoàn FLC chiếm 51,24% vốn điều lệ tại Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết chiếm 40,03%. Theo báo cáo tài chính quý III/2020, FLC vẫn giữ 3.586 tỷ đồng đầu tư dài hạn cho Bamboo Airways. Thay vì trích lập dự phòng đến 1.145 tỷ đồng, tập đoàn này rút còn gần 850 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2020. |
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp