18/07/2019 13:13
Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV tử vong trong trại tạm giam
Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV đã tử vong trong trại tạm giam sau một thời gian bị bệnh nặng.
Ngày 18/7, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, bị can Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) vừa tử vong. Ông Hà tử vong khi đang bị tạm giam để điều tra về những sai phạm trong hoạt động ngân hàng tại BIDV.
Theo nguồn tin, ông Trần Bắc Hà bị tạm giam ở trại quân đội tại Sóc Sơn và được xác định tử vong với nguyên nhân bị bệnh.
Nguồn tin xác nhận ông Trần Bắc Hà được đưa vào Viện 105 sáng nay và được xác định "tử vong ngoại viện" (mất trước khi đưa vào bệnh viện).
Ông Bắc Hà nhiều năm nay có trọng bệnh về gan và từng chữa trị ở nước ngoài.
Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV đã qua đời. |
Trước đó, cuối tháng 11/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cùng bị khởi tố với ông Hà ở thời điểm đó còn có các bị can Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh) và Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh).
Ông Trần Bắc Hà, cùng 3 thuộc cấp bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan đến việc cho dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh vay vốn gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Cuối tháng 3/2019, con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng - 34 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP An Phú, trụ sở tại TP Quy Nhơn, Bình Định - cũng bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định, có 35 năm làm việc tại BIDV. Với 8 năm 8 tháng giữ chức chủ tịch HĐQT, ông Hà được coi là "linh hồn" của ngân hàng này trong suốt thời gian dài.
Tháng 6/2018, ông Hà bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng do có nhiều vi phạm được Ủy ban Kiểm tra trung ương xác định "rất nghiêm trọng", trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ liên quan vụ án tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Ủy ban Kiểm tra trung ương nêu rõ ông Trần Bắc Hà với tư cách nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch HĐQT BIDV phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.
Trong số đó, nổi lên là việc ông Hà phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà, Ủy ban Kiểm tra trung ương nhấn mạnh là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Ông Trần Bắc Hà có nhiều sai phạm trong đại án Phạm Công Danh Trước khi bị khởi tố, ông Trần Bắc Hà cũng bị cáo buộc có nhiều sai phạm trong đại án Phạm Công Danh, liên quan đến việc BIDV cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) vay 4.700 tỉ. Theo tài liệu điều tra, khi thực hiện tái cơ cấu VNCB nhưng không có tiền để tăng vốn điều lệ, ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, đã đến Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) gặp phó tổng giám đốc Đoàn Ánh Sáng để đặt vấn đề về việc vay vốn. Nếu khách hàng của VNCB không có tài sản đảm bảo để vay thì VNCB sẽ dùng tài sản của mình để đảm bảo khoản vay đúng theo quy định của BIDV. Sau khi được lãnh đạo BIDV tại hội sở chính đồng ý về chủ trương trên, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn bằng tên của 12 doanh nghiệp do Danh thành lập, thuê tài xế, bảo vệ, người nhà các nhân viên đứng tên đại diện pháp luật... Tiếp theo, Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống toàn bộ hồ sơ tài chính, phương án vay vốn và các hợp đồng vay vốn, mua bán vật liệu xây dựng… để nộp cho BIDV hội sở chính và các chi nhánh dự định vay tiền. Phạm Công Danh là người sử dụng 6 lô đất tại sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), số 209 đường An Khê (Đà Nẵng) và hơn 3.000 tỉ tiền gửi của VNCB tại BIDV để đảm bảo cho khoản vay 4.700 tỉ đồng. 12 doanh nghiệp do Danh thành lập đã làm hồ sơ vay ít nhất là 340 tỉ đồng, nhiều nhất là 450 tỉ đồng tại 4 chi nhánh ngân hàng BIDV (Chi nhánh Bến Thành, Gia Định, Nam Sài Gòn và Chi nhánh Sở Giao dịch). Ngay sau khi 4.700 tỉ đồng được giải ngân vào tài khoản của 12 doanh nghiệp thì tiền này được rút ra và chuyển vào tài khoản của nhiều cá nhân, đi lòng vòng với mục đích gửi lại vào VNCB một phần, một phần trả nợ và một phần dùng để trả lại cho chính khoản vay tại BIDV… Theo kết luận của Ngân hàng Nhà nước, việc bảo lãnh cho 12 doanh nghiệp vay 4.700 tỉ đổng của BIDV đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỉ đồng. Tại phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh, đại diện VKS đã ba lần đề nghị HĐXX triệu tập ông Hà và hai phó giám đốc của BIDV để làm rõ hành vi liên quan nhưng ông đều vắng mặt. Người được ủy quyền đã nộp cho tòa toàn bộ tài liệu liên quan đến việc khám chữa bệnh của ông Hà ở Singapore. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp