25/09/2020 07:47
Ông Suga có thực sự tiếp tục đường lối kinh tế của cựu Thủ tướng Abe?
Chính quyền Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ ưu tiên khôi phục nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và đảm bảo rằng những chính sách đó sẽ góp phần giúp kinh tế Nhật Bản tăng trưởng bền vững.
Để đạt thực hiện được mục tiêu đó, Thủ tướng Suga đã công bố chính sách nhằm cải cách quy định. Mặc dù đưa ra tuyên bố sẽ kế thừa chính sách Abenomics, song việc ông Suga đặt trọng tâm chính sách kinh tế vào việc cải cách cũng có nghĩa chiến lượng tăng trưởng, cải cách cấu trúc mà chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe triển khai từ trước đến nay chưa hiệu quả.
Do đó, điều quan trọng đó là, chính sách kinh tế của ông Suga có thể xây dựng được nền kinh tế xã hội phát triển như thế nào. Thủ tướng Suga cần phải làm rõ những mục tiêu tương lai mà ông hướng tới. Có lẽ ông Suga cần phải thực hiện một cách có hiệu quả chính sách góp phần tăng trưởng trong trung và dài hạn, đồng thời xây dựng nền tảng cơ bản để hồi sinh nền kinh tế.
Thúc đẩy đổi mới ngành công nghiệp
Tại cuộc họp báo ngay sau khi Nội các được công bố, khi được hỏi về việc điều hành chính sách, Thủ tướng Suga đã phát biểu: "Chúng tôi sẽ thúc đẩy cải cách quy định bằng cách phá bỏ sự phân chia hành chính theo chiều dọc và phá vỡ lợi ích cố hữu, đồng thời tạo một nội các hoạt động vì người dân".
Ngoài chính sách khuyến khích tổ chức lại các doanh nghiệp vừa, nhỏ, các ngân hàng địa phương nhằm củng cố chỗ đứng cho ngành công nghiệp và kinh tế địa phương, ông Suga cũng bày tỏ ý định nỗ lực để giảm cước điện thoại di động.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu trong cuộc họp báo sau lễ nhậm chức tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chính sách kinh tế Abenomic mà ông Suga kế thừa được hình thành từ "ba mũi tên" gồm: chính sách nới lỏng tiền tệ, chính sách tài chính cơ động, chiến lược tăng trưởng quy mô lớn. Trong số này, các chính sách tài khóa và tiền tệ có hiệu quả trong việc kích cầu tạm thời. Tuy nhiên, chiến lược tăng trưởng khi được triển khai bằng cải cách quy định nếu không đầy đủ sẽ không thể vực dậy nền kinh tế.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm của chính quyền Thủ tướng Abe. Ngay cả khi thực hiện nới lỏng tiền tệ, mục tiêu lạm phát 2% cũng không thể đạt được, và ngay cả khi chi ngân sách đất nước đạt mức cao kỷ lục trong 8 năm liên tiếp, Nhật Bản cũng không thể thoát ra khỏi mức tăng trưởng thấp. Tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế Nhật Bản chỉ khoảng 1%.
Một yếu tố chính khiến Abenomics chưa đạt hiệu quả mong muốn đó chính là sự chậm trễ trong chiến lược tăng trưởng. Có thể thấy chính sách phát triển xã hội kỹ thuật số được coi là báu vật trong trọng tâm chính sách kinh tế. Nhưng dịch COVID-19 bùng phát tại Nhật Bản vừa qua đã cho thấy lĩnh vực kỹ thuật số của Nhật Bản vô cùng mong manh.
Ngoài ra, vấn đề cần nhanh chóng thực hiện đó là thúc đẩy cải cách cấu trúc ngành công nghiệp, nâng cao năng suất lao động và sản xuất của Nhật Bản. Nếu GDP bình quân đầu người của Nhật Bản tăng lên thì có thể duy trì được nền kinh tế năng động ngay cả trong thời đại dân số suy giảm.
Chính sách đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Thủ tướng Suga đang hướng tới cần phải tăng cường nền tảng cho ngành công nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm số lượng lớn người lao động song lại có năng lực sản xuất tổng thể thấp.
Vấn đề cần đặt ra đó tính kế thừa của các doanh nghiệp - vốn đang đau đầu tìm nguồn nhân lực chuyển giao, bên cạnh đó là những lo lắng về việc chính sách mới có thể mang lại sức sống cho toàn thể ngành công nghiệp hay không.
Các nỗ lực thúc đẩy kinh doanh đối với tổ chức tài chính địa phương - hiện đang khó khăn do lợi nhuận giảm sút trong thời kỳ lãi suất cực thấp - cũng là một vấn đề lớn. Abenomics đã không mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, Thủ tướng Suga cần nỗ lực để thực hiện những mục tiêu cải cách do chính mình đề ra để có thể thay đổi được những hạn chế của Abenomics.
Đề phòng suy thoái tài chính
Những đề xuất của Thủ tướng Suga cũng khiến nhiều người băn khoăn khi đó chỉ là những đề xuất chính sách xuất phát từ kinh nghiệm khi ông Suga đang là Chánh văn phòng Nội các.
Khi đưa ra vấn đề triệt để cải cách quy định, phân phối lại quyền, lợi ích cố hữu, ông Suga cần thể hiện cho mọi người thấy tầm nhìn rộng lớn và chỉ rõ ông sẽ cải cách ở lĩnh vực cụ thể nào. Tất nhiên sẽ không có ý nghĩa nếu chỉ thể hiện động lực mà không mang lại kết quả.
Giống như cải cách bưu chính dưới thời của Thủ tướng Junichiro Koizumi và cải cách hợp tác xã nông nghiệp dưới thời Thủ tướng Abe, ông Suga cần phải nỗ lực hết sức để có thể vượt qua phản đối để tiến hành cải cách.
Bên cạnh đó, chính quyền của ông Suga cũng phải nỗ lực để phục hồi nền kinh tế trước thảm họa COVID-9, trong đó, chính sách tài khóa tiếp tục đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Nếu dịch COVID-19 bùng phát mạnh vào mùa Đông, hoạt động kinh tế xã hội bị hạn chế trở lại, khả năng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể sẽ không thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. Những tác động xấu đến thu nhập, bất an trong tuyển dụng sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài.
Chính phủ mới cần tạo ra một mạng lưới chính sách an toàn như hỗ trợ tiền cho các doanh nghiệp, hỗ trợ duy trì hoạt động tuyển dụng...Khi triển khai chính sách, có thể khiến ngân sách dự phòng sẽ không đủ, và lúc đó chính phủ cần phải bổ sung kịp thời, đồng thời lập ngân sách cho tài khóa tiếp theo.
Việc chần chừ hỗ trợ tài chính đầy đủ để nền kinh tế vượt qua khủng hoảng là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là buông lỏng quản lý ngân sách, mà chính phủ phải tăng cường thảo luận về hình thức, thời điểm lập và điều chỉnh ngân sách.
Trong cuộc bầu cử Chủ tịch LDP, ông Suga bày tỏ không cần thiết phải tăng thuế tiêu dùng trong trong 10 năm tới. Tuy nhiên, với trách nhiệm của nhà lãnh đạo chính trị, ông Suga cần thể hiện quan điểm về xu hướng, cũng như việc vận hành chính sách tài chính trong những năm tới sẽ như thế nào.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement