25/03/2021 09:21
Ông Lê Hải Trà tiết lộ về 'kế hoạch 100 ngày' giảm nghẽn cho HoSE
Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE đã trả lời phỏng vấn của VTV về tình trạng nghẽn lệnh cũng như kế hoạch 100 ngày để giảm tải tình trạng này.
Nghẽn lệnh khó thay đổi giá trị chỉ số chứng khoán
- Phóng viên Huy Hoàng: Thưa ông, nhà đầu tư bức xúc rằng không thể đặt lệnh mua cổ phiếu dù giá đặt cao hơn mức giá nhìn thấy trên bảng giá. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có hàng nghìn cổ phiếu được khớp. Phải chăng có đường lệnh riêng, phân biệt giữa các công ty chứng khoán thành viên?
- Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE: Hiện nay, chúng ta có 74 công ty chứng khoán (CTCK) là thành viên của HOSE, và tác động của việc nghẽn lệnh đến mỗi công ty là không giống nhau. Các CTCK trong Top 20, 30 vốn dĩ là các CTCK có thị phần lớn, có số lượng lệnh giao dịch lớn nhất trên thị trường thì sẽ chịu tình trạng bị quá tải sớm nhất trên thị trường.
Điều này liên quan đến thiết kế và thuật toán về mặt phân bổ lệnh của hệ thống giao dịch hiện tại. Ở đây chúng tôi muốn nói một điều rất rõ ràng, là cơ chế phân bổ lệnh đó là thuộc tính của thiết kế và tính năng của hệ thống giao dịch. Đó là điều mà hiện nay đội ngũ IT của chúng ta không thể can thiệp để có thể thay đổi.
Đối với các CTCK nhỏ hơn, khi lượng lệnh phân bổ gần 3000 lệnh cho họ ngay từ đầu ngày có thể họ chưa dùng hết. Do vậy, khi mà tình trạng nghẽn diễn ra ở một số công ty chứng khoán lớn thì tại một số các công ty chứng khoán nhỏ hơn, nhà đầu tư vẫn có thể đặt lệnh giao dịch bình thường.
- Vậy tình trạng nghẽn lệnh như hiện nay, thậm chí có những phiên nghẽn từ buổi sáng sẽ ảnh hưởng như nào đến kết quả của các chỉ số chính vào cuối ngày giao dịch thưa ông?
- Top của 20, 30 các CTCK đã chiếm hơn 90% thị phần. Nếu tình trạng nghẽn lệnh xuất hiện, lúc đó các giao dịch nhỏ khác của các CTCK nhỏ khi vào hệ thống và được khớp đi chăng nữa thì cũng khó thay đổi được giá trị các chỉ số.
Ví dụ như VN Index của 400 công ty, trong đó chỉ những lệnh nhỏ vào sẽ không thể nào tác động đến rổ chỉ số đó một cách rõ nét, do đó, khó có thể làm cho chỉ số nhảy bật lên được.
- Để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh trong ngắn hạn, trên thị trường có một số đề xuất như là có thể nâng lô giao dịch lên 1.000 với cổ phiếu có thị giá thấp, và giữ nguyên lô 100 với các cổ phiếu có thị giá cao. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
- Chúng tôi nhận thấy đó là những gợi ý có thể phân tích và đánh giá. Tuy nhiên, với dữ liệu mà chúng tôi có được, thì điều mà chúng ta cần lưu ý đây đó là khoảng thị giá. Làm sao để xác định thị giá nào áp dụng lô 1.000 và thị giá nào vẫn là lô 100.
Nếu chúng ta đặt một cái mức thị giá quá thấp cho lô 1.000 thì tác động của giải pháp không hề lớn. Theo tính toán của chúng tôi, nếu tất cả đều áp dụng lô 1.000 chúng ta sẽ giảm được khoảng 40 đến 50 % số lượng lệnh, nghĩa là hệ thống chúng ta gần như tăng gấp đôi.
Giả sử chúng ta dùng mốc 30.000 đồng/cổ phiếu để ngăn cách.
Áp dụng lô 1.000 cho cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng/cổ phiếu thì HoSE sẽ giảm được cỡ khoảng hơn 20% số lượng lệnh. Chúng ta đang tìm các giải pháp tình huống, rõ ràng là khó có giải pháp tình huống nào mang tính chất trọn vẹn.
Vậy nên, rất có thể chúng ta sẽ phải áp dụng nhiều biện pháp tình huống cùng một lúc, mỗi thứ đó sẽ đỡ một chút thì có thể sẽ giúp cho việc quá tải của hệ thống được giải quyết một cách hiệu quả hơn.
Cổ phiếu mới niêm yết trên HoSE đã hoàn tất thủ tục từ trước
- Vậy tình hình doanh nghiệp đang niêm yết trên HoSE mà tự nguyện chuyển sang giao dịch tạm trên HNX, xin ông cho biết quá trình đang được xử lý như thế nào?
- Với tinh thần công văn 713 của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước về việc chuyển một số cổ phiếu niêm yết tại HoSE sang giao dịch trên HNX. Đến nay chúng ta đã có 6 trường hợp được HoSE công bố.
Giữa hai sở HoSE, HNX và Trung tâm lưu ký cũng đã có một quy trình phối hợp chặt chẽ, và trong vòng 5 ngày làm việc các cổ phiếu đó chính thức sẽ chuyển từ sàn HoSE sang giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
- Trong tháng 3 này, dù tình trạng nghẽn lệnh vẫn chưa được giải quyết nhưng tại sao HoSE vẫn tiếp tục cho niêm yết mới và giao dịch hàng tỷ cổ phiếu mới?
- Tôi xin nói rõ rằng đây là tất cả những doanh nghiệp đã hoàn tất tất cả những thủ tục về mặt niêm yết trong thời gian trước đây.
Trước khi chúng ta đặt ra cơ chế về chuyển giao dịch để giảm tải cho HoSE, họ đã hoàn thành hết tất cả các nghĩa vụ, các thủ tục về mặt niêm yết và họ chỉ chờ cái ngày để đánh cồng thôi. Chính vì vậy, chúng tôi không có cơ sở để từ chối việc họ niêm yết.
Đối với các hồ sơ niêm yết mới, chúng tôi luôn luôn giải thích cho doanh nghiệp hiểu rõ ràng với tình trạng quá tải hiện nay thì họ sẽ tạm thời giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
- Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về cơ chế đăng ký niêm yết trên HoSE nhưng lại giao dịch tạm trên HNX?
- Cơ chế này xuất phát từ quyết định rất quan trọng của Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến việc tái cấu trúc Thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, tất cả cổ phiếu sẽ được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Cho nên việc HoSE tiếp nhận tất cả các hồ sơ niêm yết của các doanh nghiệp muốn lên sàn, thì đó là hoàn toàn phù hợp với quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mà hệ thống giao dịch của HoSE đã bị quá tải như hiện nay thì cái việc sử dụng tài nguyên, hệ thống sẵn có của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để tạm thời thực hiện việc giao dịch, để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp thì đó cũng là một giải pháp tình thế mà Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính cùng với hai sở cũng đã có những phương án để thống nhất về cách làm này.
- Được biết HoSE và FPT đã bắt tay xây dựng hệ thống giao dịch dự phòng, vậy xin ông cho biết tiến trình xây dựng hiện đang như thế nào?
- Dự án này, HoSE đang phối hợp với FPT triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), để tạo ra một giải pháp giảm tình trạng quá tải hiện nay của HoSE.
Đây là một giải pháp sử dụng phần mềm hệ thống giao dịch đang được sử dụng tại Hà Nội và sẽ triển khai trên một nền tảng hạ tầng tại TP.HCM để có thể thay đổi hệ thống khớp lệnh của HoSE.
Hệ thống này không tác động, không đặt ra những yêu cầu thay đổi đối với các CTCK. Giải pháp này mang tính chất tối ưu bởi thời gian triển khai cũng như các rủi ro về góc độ hệ thống. Chúng tôi đã có những phân tích, đánh giá giữa HoSE, HNX, Trung tâm lưu ký và các đơn vị IT của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán.
- Vậy xin ông cho biết thời điểm sẽ tiến hành chạy thử hệ thống? Sau bao nhiêu lâu thì hệ thống dự phòng này có thể được đưa vào giao dịch?
- Với tất cả những phân tích, đánh giá, khảo sát cụ thể thì FPT đang tự tin đưa ra một giải pháp đâu đó khoảng 3 đến 4 tháng. Hiện nay chúng tôi đang đặt một cái kế hoạch tương đối là tham vọng. Chúng tôi gọi là kế hoạch 100 ngày.
Thời gian qua, hai bên cũng đã thực hiện những bước đi đầu tiên. Dự kiến khoảng một tuần hay 10 ngày nữa thì có thể bắt đầu tiến hành thử nghiệm phiên bản đầu tiên. Tôi xin nói rõ rằng đó là những thử nghiệm mang tính chất những tính năng của hệ thống khớp lệnh, và nó sẽ dừng lại chỉ trong nội bộ, để đảm bảo rằng các tính năng đó của hệ thống nó được thực hiện một cách trôi chảy.
- Vậy dự kiến lưu lượng lệnh có thể sử dụng trên hệ thống dự phòng đang xây dựng này là bao nhiêu lệnh một ngày thưa ông?
- Con số chính thức chúng ta sẽ cần chờ, khi giao hàng chính thức về cấu hình của hệ thống phần cứng thì chúng ta mới có thể tính toán ra một con số tương đối chính xác hơn, về cái số lượng lệnh mà hệ thống mới này có thể giải quyết được.
Tuy nhiên, mục tiêu chúng ta đặt ra là một hệ thống đâu đó phải giải quyết được khoảng độ từ 3.000.000 đến 5.000.000 lệnh một ngày.
- Cảm ơn ông đã tham gia trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Việt Nam!
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp